Xã hội

Nỗi khổ của bệnh nhân ung thư

Mặc dù phiên tòa xét xử lãnh đạo Công ty VN Pharma liên quan đến lô thuốc nhập khẩu chữa ung thư diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh, nhưng dư âm và độ “nóng” của nó vẫn lan ra tận Hà Nội. Nơi xôn xao nhất chính là tại các bệnh viện chuyên điều trị căn bệnh này.

Những bệnh nhân ung thư lo lắng vì căn bệnh của mình tại Bệnh viện K

Những suy nghĩ, mong mỏi của bệnh nhân mắc căn bệnh ung thư quái ác được PV Báo ANTĐ ghi tại một số cơ sở y tế, rất cần được cơ quan chức năng quan tâm, giải quyết.

Cuộc chiến tốn kém

Bị mắc bệnh ung thư coi như đã lĩnh án tử hình - đây chính là tâm lý chung của những người bệnh khi cầm trên tay kết quả sinh thiết với kết luận dương tính. Chính vì thế, không chỉ họ mà ngay cả người thân cũng rơi vào trạng thái sốc tâm lý. Bên cạnh sự lo lắng về phương cách điều trị chứng nan y còn có thêm những trăn trở thường trực về khoản tiền viện phí, thuốc thang từ căn bệnh vốn luôn được mệnh danh là “bệnh của nhà giàu” này.

Sở dĩ nói như vậy là bởi chi phí, điều trị ung thư hiện nay vẫn quá tốn kém khiến cho những bệnh nhân nghèo rất khó khăn để theo đuổi việc điều trị một cách hiệu quả, nhất là những người nghèo đến từ các tỉnh lẻ. Thậm chí, nhiều người không có điều kiện còn tiêu cực đến mức chấp nhận chữa bệnh theo kiểu cầm chừng hoặc chỉ uống thuốc Nam để giảm bớt gánh nặng chi phí cho gia đình.

“Ung thư thì trước sau cũng chết. Nhưng trước khi chết mà phải bán nhà hay tiêu đến đồng bạc cuối cùng khiến cho người thân sau này phải è cổ ra để trả nợ thì tôi chết cũng không nhắm được mắt” - chị Hương (nhà ở phường Trần Hưng Đạo, thành phố Phủ Lý, Hà Nam), một bệnh nhân ung thư vú đang điều trị tại Bệnh viện U Bướu Trung ương nói.

So với các bệnh nhân ung thư khác thì chị Hương may mắn được phát hiện sớm từ năm 2012, ngay sau khi sinh đứa con đầu lòng. Ngày nhận kết quả sinh thiết của vợ, anh Bảo - chồng chị - như đứt từng khúc ruột. Thương đứa con đỏ hỏn đang còn bú mẹ, anh Bảo chạy đôn chạy đáo, bỏ luôn cả công việc đang làm để đưa vợ lên Hà Nội tìm cách chạy chữa.

Cũng may, kinh tế gia đình lúc đó không đến nỗi nên có bao nhiêu tiền tích cóp, anh dốc toàn lực vào việc vợ ra khỏi lưỡi hái tử thần. Chị Hương được điều trị tích cực, bệnh tạm lui. Nhưng suốt 1 năm sau đó, căn bệnh quái ác này cũng đã kịp “đốt” của gia đình anh số tiền hơn 1 tỷ đồng. “Ấy là lúc tôi vẫn còn làm ăn được, nhưng bây giờ thì khó rồi” - anh Bảo vò đầu than thở.

Tiếng là bệnh của vợ có tiến triển tốt, nhưng suốt những năm qua, cứ 3 tháng một lần, anh Bảo lại phải đưa vợ lên Hà Nội kiểm tra lại theo yêu cầu của bác sỹ. Lần nào đi cũng tốn kém tiền tàu xe, cơm thuốc. Cho đến gần đây, căn bệnh có nhiều dấu hiệu xấu, chị Hương bắt đầu phải truyền hóa chất, xạ trị thì cũng là lúc gia đình anh kiệt quệ.

Anh Bảo nói: “Tôi nghiệm từ chính mình mà ra, nhà nào có người bị ung thư thì đang giàu cũng hóa nghèo, đang nghèo thì thành “chúa Chổm”. Như trường hợp vợ tôi, sau khi mổ đã phải 6 lần truyền hóa chất, mỗi lần truyền tốn kém ít nhất 13-17 triệu đồng. Đó là chưa kể tiền thuốc uống, rồi xạ trị, tàu xe, thuê trọ, ăn ở... Gia đình tôi đã phải tiêu hết những đồng tiền tiết kiệm và bây giờ thì đang ngập cổ với món nợ hơn 100 triệu đồng từ ngân hàng”.

Những ngày đưa vợ đi chữa bệnh, anh Bảo cứ vạ vật ở quán nước hay ghế đá trước cổng bệnh viện cả ngày. Anh cũng không dám thuê phòng trọ để ở vì tốn kém. Những hôm nào phải ở lại thì buổi tối 2 vợ chồng mới thuê phòng trọ bình dân với giá 70 nghìn đồng/đêm lấy chỗ ngả lưng. Bớt được đồng nào hay đồng ấy để dành cho cuộc chiến lâu dài.

Nỗi lo của người nghèo

Có bệnh không chữa cũng chết, chữa thì quá tốn kém và lại chẳng biết thuốc mình mua có đảm bảo chất lượng hay không, đó cũng là suy nghĩ của ông Lê Văn Thành, quê ở xã Dân Lực, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Mới xuống nhập viện có 1 tuần để chữa căn bệnh ung thư lưỡi nhưng ông đã tiêu mất 30 triệu đồng. Số tiền ấy ở quê ông là lớn lắm. Và để có được nó, ông đã phải chạy đôn chạy đáo nhờ anh em họ hàng kết hợp với vay ngân hàng. Thế nhưng vẫn chưa đủ. Hôm nay, bệnh viện lại yêu cầu ông đóng thêm 9 triệu đồng nữa để xạ trị. Sau khi điện về quê bàn với vợ tính chuyện bán trâu, ông lê bước ra cổng ngồi như người mất hồn, ai hỏi cũng chẳng buồn đáp.

Đưa ông Thành đi chữa bệnh, ông Lê Toàn Nghiêm cũng thấy xót cho anh trai mình: “Ban đầu, anh tôi cứ nhất quyết đòi ở nhà uống thuốc Nam cho đỡ tốn kém. Nhưng mọi người khuyên bây giờ lắm lang băm lừa đảo, thế nên thuốc Nam chẳng biết đâu mà lần. Mọi hy vọng chỉ biết trong chờ vào các y bác sỹ. Thế nhưng, cứ cái đà chi phí như thế này, không biết gia đình tôi xoay sở được bao lâu nữa”.

Ông Nghiêm, ông Thành đều là nông dân. Cả đời chỉ biết trông vào ruộng vườn, gà lợn. Mà bây giờ nông sản rẻ như cho, vậy nên cứ nghe tới bệnh là họ giật mình thon thót. Bệnh thông thường đã đủ chết, bệnh nan y tốn kém tới chục triệu, trăm triệu là xây xẩm mặt mày. Thế nhưng đi viện, bác sỹ kê đơn thuốc như thế nào là họ răm rắp nghe theo như thế.

Ông Thành bảo: “Tôi cũng nghe phong thanh về việc thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc kém chất lượng. Nhưng thú thật, bệnh viện bây giờ là điểm tựa cuối cùng của mình. Chỉ mong ngành y tế đã phát hiện ra sự việc thì cần có những biện pháp ngăn chặn để bệnh nhân chúng tôi nếu phải tốn kém điều trị thì cũng mua được đúng loại thuốc thực sự hiệu quả”.

Tác giả: Nguyễn Long

Nguồn tin: Báo An ninh thủ đô

  Từ khóa: nỗi khổ , ung thư , bệnh nhân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP