Truyền thống - Phát triển

Nhân kỷ niệm 25 năm thành lập Thị xã Hồng Lĩnh: Hồng Lĩnh, đất địa linh

Mới đây, ngày 19.8.2016, các nhà sử học kéo vào thị xã Hồng Lĩnh để tổ chức một cuộc hội thảo khoa học “Hồng Lĩnh – Huyền sử – Lịch sử và Đương đại” nhằm hiểu thêm về mảnh đất này trong lịch sử và phát huy thế mạnh của nó trong tương lai.

  >> Thị xã Hồng Lĩnh mời gọi đầu tư 25 dự án giá trị 3490 tỷ đồng

Cái thị xã bé nhỏ, xinh xinh có tuổi đời còn quá trẻ này nép vào sườn tây của núi Hồng Lĩnh, có một lịch sử dài lâu và nổi tiếng vì nằm ở một địa thế đắc địa: Phía bắc nằm ven bờ sông Lam, phía đông tựa núi Hồng Lĩnh. Hai địa danh này đều được vua Minh Mạng tuyển chọn trong hàng ngàn sông núi nước Nam để khắc vào Cửu Đỉnh. Đó là vào năm 1837, cách đây đã gần hai thế kỷ. Sông Lam được khắc trên Tuyên Đỉnh, núi Hồng Lĩnh được khắc trên Anh Đỉnh. Thế thì nhất định đất Hồng Lĩnh này là địa linh rồi.

Hồng Lĩnh đẹp và thơ mộng. Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du từng cảm khái: Sông Lam, núi Hồng đẹp vô hạn (Lam Thủy, Hồng Sơn vô hạn thắng). Với 60 ngọn núi (mà huyền thoại nói phiếm chỉ thành 99 đỉnh núi Hồng do ông Đùng bà Đà sắp xếp vào thuở hồng hoang). Trong núi có nhiều động, có đến 26 khe suối chảy từ lòng núi. Chính vì cảnh đẹp nên có khoảng 100 ngôi chùa và đền miếu tọa lạc nơi đây, mà nổi tiếng nhất là chùa Hương Tích, theo truyền thuyết lại còn sớm hơn cả chùa Hương ở Mỹ Đức, Hà Nội.

Đền thờ danh nhân Bùi Cầm Hổ ở thị xã Hồng Lĩnh.

Thị xã Hồng Lĩnh nói riêng và tỉnh Hà Tĩnh nói chung là một vùng có lịch sử xa xưa. Nơi đây vốn thuộc bộ Việt Thường trong 15 bộ của nhà nước sơ khai Văn Lang – Âu Lạc xưa. Điều này đã được ghi vào sử sách như các quyển sử chính thống của ta: “Việt sử lược”, “Đại Việt Sử ký toàn thư”, “Dư địa chí”… Một số thư tịch lại còn nói đến một nhà nước cổ có tên là Việt Thường Thị với cựu đô là Ngàn Hống (một địa danh của núi Hồng Lĩnh xưa), cũng còn là vấn đề gây tranh luận khá nhiều.

Tuy nhiên, với những gì mà giới khảo cổ học làm được trong vài chục năm gần đây đã chứng minh thị xã Hồng Lĩnh là vùng đất cổ. Mộ thuyền Đông Sơn được nhân dân phát hiện tại xóm Đầm Lầy, khu phố 3, phường Nam Hồng, thị xã Hồng Lĩnh vào ngày 12.6.1995 trong khi đào móng xây tường rào và cổng nhà. Mộ là quan tài thân cây khoét rỗng, nằm cách mặt đất khoảng 40cm. Trong quan tài không còn xương cốt. Có thể đây là mộ quan tài khoét rỗng giống như mộ loại này đã tìm được ở Thạch Châu (Thạch Hà) và mộ Xuân Lam (Nghi Xuân) và thuộc loại mộ hình thuyền của nền văn hóa Đông Sơn có niên đại cách đây khoảng 2.000 năm.

Quanh núi Hồng Lĩnh, các nhà khảo cổ còn phát hiện ra di tích Đền Huyện, huyện Nghi Xuân với những công cụ Hậu kỳ thời đại Đồ đá cũ cách đây hơn 10 ngàn năm. Di tích Bãi Phôi Phối, xã Xuân Viên với các rìu đá, cuốc đá thuộc thời đại Đồ đá mới cách đây 5 ngàn năm. Đến thời văn hóa Đông Sơn cách đây hơn 2.000 năm, một loạt làng cổ và khu mộ cổ đã tìm thấy tại khu vực núi Hồng Lĩnh và lưu vực sông Lam như ở huyện Nghi Xuân (ở xã Xuân An, Xuân Viên, Xuân Hội) huyện Đức Thọ (ở xã Đức Tùng, Đức Châu). Đặc biệt, tại xã Thuần Thiện, huyện Can Lộc, đầu năm 2016, một chiếc trống đồng Đông Sơn đã tìm thấy ngay trong lòng đất phía nam núi Hồng Lĩnh.

Xem ra, chính những di tích khảo cổ ở quanh núi Hồng Lĩnh và sông Lam đã chứng tỏ con người đã khai phá mảnh đất này từ hơn chục vạn năm tới nay đã là cội nguồn cho các truyền thuyết về một thời khai sơn phá thạch như ông Đùng, bà Đà, tiên giáng trần chăng? Cho đến thời các vua Hùng và nước Văn Lang, cũng chính vùng đất thiêng Lam – Hồng này lại có nhiều di tích văn hóa Đông Sơn, đã chứng minh được đây là một trung tâm kinh tế xã hội của một bộ Việt Thường đương thời.

Vùng đất này lại còn là điểm cầu giao lưu văn hóa cổ đại với văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung nước ta. Tại di tích Bãi Cọi và Xuân An (ven bờ sông Lam, bắc núi Hồng Lĩnh) đã có những ngôi mộ chum đậm chất Sa Huỳnh, có những khuyên tai hai đầu thú, khuyên tai ba mấu nhọn giúp cho các nhà khảo cổ chứng minh: Cách đây khoảng hơn 2.000 năm, một nhóm cư dân Sa Huỳnh đã đi bằng thuyền dọc ven biển, đổ bộ vào cửa sông Lam mà vào sâu trong đất liền lập làng xóm mới. Khi chết đi, họ đã giữ phong tục chôn theo mộ chum và đôi tai vẫn đeo đồ trang sức đặc trưng của tộc người Sa Huỳnh.

Cũng ngược dòng sông Lam, người Sa Huỳnh còn giao lưu xa hơn, lên đến tận thượng nguồn vùng núi Nghĩa Đàn, nơi có khu mộ cổ Làng Vạc nổi tiếng, cũng phát hiện ra các nhóm mộ nồi vò úp nhau, khuyên tai thủy tinh, mã não mang phong cách văn hóa Sa Huỳnh.

Cái thế núi, thế sông và bề dày lịch sử như vậy, đã giúp cho Hồng Lĩnh có nền tảng phát triển mạnh hơn trong tương lai. Trước tiên, đó là kho di sản, danh thắng để phục vụ du lịch. Mà du lịch đang là một ngành công nghiệp thực sự nếu biết phát huy. Cái thế mạnh nữa của Hồng Lĩnh lại nằm ở giao thông và giao thương.

Từ xửa xưa, Hồng Lĩnh đã nằm trên con đường cái quan, huyết mạch đi từ kinh đô Thăng Long vào Nam. Vua Lý Thánh Tông trong khi đi dẹp Chiêm Thành cũng từng qua Hồng Lĩnh, trên núi Lầu còn có hành cung của ngài, theo như dân gian kể lại. Khi đóng đô ở Huế, các đại quan triều Nguyễn mỗi lần tuần du ra Bắc hà, tất cũng phải qua đây. Ngày nay cũng vậy, tuyến đường trọng yếu nhất của đất nước là quốc lộ 1A vẫn chạy xuyên qua thị xã Hồng Lĩnh. Rồi đường 8A, 8B lên cửa khẩu Cầu Treo sang Lào, Thái Lan cũng qua đây. Thị xã như một ngã tư đường của sự giao lưu và giao thương xuyên Việt, xuyên Đông Dương.

Dường như vùng địa linh Hồng Lĩnh hội tụ đủ mọi yếu tố vươn lên về du lịch. Du khách trong và ngoài nước có thể đến đây thăm di tích quê hương Nguyễn Du, thắng cảnh sông Lam núi Hồng, viếng đền thờ danh nhân Bùi Cầm Hổ làm quan Ngự Sử dưới 3 triều Vua Lê, nghe câu hò ví dặm Nghệ Tĩnh. Viết đến đây, dường như tai tôi lại nghe văng vẳng đâu đây bài hát “Chào em cô gái Lam Hồng” nổi tiếng thời đánh Mỹ của nhạc sĩ Ánh Dương. Người Hồng Lĩnh vượt mọi khó khăn trong chiến tranh. Mong sao họ cũng làm du lịch giỏi. Huyền sử và lịch sử của đất này sẽ là bệ đỡ cho tương lai phát triển của Hồng Lĩnh.

 PGS.TS. TRỊNH SINH

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP