Nổi bật Hà Tĩnh

Nguy cơ xóa sổ ngôi làng mấy trăm năm vì ‘cát tặc’

Từ mấy trăm năm trước, một ngôi làng đã hình thành trên bãi Soi, một bãi nổi giữa dòng sông La thuộc xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh. Cho đến nay, những hậu duệ của làng này đã lần lượt di cư vì dòng sông đang “nuốt” dần từng hecta đất bởi nạn “cát tặc” hoành hành.

CSGT đường thủy xử lý một xà lan hút cát trái phép trên sông La - Ảnh: Quang Cường.

Cụ già mang máy điện thoại bàn chui lùm cây giữ làng

Vừa chèo đò đưa chúng tôi vượt sông ra bãi Soi, cụ Trần Đình Yên (80 tuổi, sống trên bãi Soi) cho biết, bãi này trước đây có chiều dài khoảng 2km, rộng khoảng 800m. Vào thời kỳ cư dân đông đúc, trên bãi Soi có khoảng 60 nhà dân sinh sống, nhưng hiện nay chỉ còn lại 18 nhà. Lý do người dân ở đây di cư là vì nhiều người đi làm ăn xa rồi thoát ly. Thứ hai là do họ không còn an tâm khi thấy tình trạng bãi Soi bị sạt lở với tốc độ chóng mặt, sợ đến lúc nhà cũng bị sông nuốt nên phải dời nhà đến nơi khác trong xã. 18 hộ còn bám trụ lại nơi đây là tổ dân cư số 7 của xã Tùng Ảnh.

“Trước đây, đầu bãi còn kéo dài lên phía thượng nguồn khoảng 500m nữa, đó là phần đất mà dân chúng tôi trồng cây lương thực và các loại cây như bạch đàn, xoan, phi lao để giữ đất phía mép nước. Nhưng từ khoảng 10 năm trước bắt đầu xuất hiện ồ ạt các loại thuyền hút cát trái phép trên sông khiến cho dòng chảy thay đổi, tạo ra các dòng xoáy dẫn đến tình trạng bãi Soi sạt lở rất nghiêm trọng. Rất nhiều cây lớn chúng tôi chưa kịp chặt lấy gỗ đã bị cuốn trôi theo từng mảng đất bị sạt lở”, cụ Yên nói.

Cụ Trần Đình Yên kể lại chuyện hằng đêm mang điện thoại bàn đi núp trong lùm cây để canh giữ làng

Theo cụ Yên, thời kỳ cao điểm của “cát tặc” hoạt động có lúc hơn 10 xà lan đua nhau hút cát trên sông La, ngay bên cạnh bãi Soi. Để tránh bị lực lựng chức năng xử lý, các đối tượng hút cát trái phép này bố trí nhiều người cảnh giới cả dưới sông lẫn trên bờ. Khi biết công an sắp đến thì chúng thông báo cho đồng bọn dưới thuyền thu vòi hút rồi chạy tán loạn.

Cụ Yên kể: “Khoảng 3 năm trước, khi thấy bãi Soi cứ bị thu hẹp đi từng giờ bởi bọn cát tặc quá lộng hành và ngang ngược, tôi đã nhiều lần báo cho chính quyền xã khi phát hiện thuyền đang hút cát. Nhưng cán bộ xã cũng chẳng làm được gì khi lực lượng quá yếu và phương tiện nhỏ bé, trong khi chúng thường hút vào ban đêm và có nhiều đối tượng côn đồ sẵn sàng chống trả”.

Điều này cũng được ông Phan Tiến Dũng, Chủ tịch UBND xã Tùng Ảnh xác nhận. Ông Dũng còn cho biết thêm, do lợi nhuận cao nên các đối tượng hút cát trộm này rất liều lĩnh và manh động, có lúc có đến 4 thuyền bảo vệ vòng ngoài cho một xà lan hút cát và sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng. Tuy nhiên, do lực lượng và phương tiện của địa phương không đủ mạnh để trấn áp, truy bắt mà chủ yếu là đẩy đuổi nên chưa kiểm soát được.

Mặc dù vậy, người dân sống trên bãi Soi này vẫn không cam tâm nhìn mảnh đất từng gắn bó với bao thế hệ con người làng Soi hàng trăm năm qua bị “xóa sổ”. Họ vẫn thường xuyên phản ánh, kiến nghị lên chính quyền các cấp và nêu trực tiếp trong các cuộc tiếp xúc cử tri để mong có một giải pháp ngăn chặn từ chính quyền cấp cao.

Bãi Soi bị sạt lở với tốc độ chóng mặt

Cụ Yên kể lại: “Nhiều đêm nghe tiếng máy hút cát phành phạch ngoài sông mà tôi không thể nào ngủ được. Khi đó chưa có điện thoại di động, tôi phải mang theo cái máy điện thoại bàn không dây ra đầu bãi, chui vào lùm cây ngồi theo dõi, không dám lộ diện vì sợ bọn cát tặc phát hiện sẽ “xử”.

Khi xác định được vị trí thuyền hút cát trái phép, tôi dùng điện thoại bàn mang theo để gọi cho cán bộ xã và cơ quan công an. Nhưng “một cây làm chẳng nên non”, mới đây tôi bị mấy đối tượng phát hiện việc theo dõi và trình báo cơ quan chức năng nên chúng cướp điện thoại của tôi và hăm dọa tôi. Tuy nhiên mấy ngày sau chúng đến trả lại điện thoại cho tôi vì tôi nhận diện được chúng là người ở xã bên cạnh”.

Cơ quan chức năng gặp khó

Trước tình trạng “cát tặc” lộng hành, chính quyền xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ và cơ quan công an huyện, lực lượng liên ngành đã nhiều lần mở đợt truy quét, xử lý, tuy nhiên vẫn chưa thể khống chế được thực trạng này.

Ông Thái Sơn Vinh, Phó trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đức Thọ cho biết, trên địa bàn huyện Đức Thọ có 3 mỏ khai thác cát ven sông La do UBND tỉnh Hà Tĩnh cấp phép đang còn hiệu lực. Tuy nhiên, với thẩm quyền của tỉnh này chỉ cấp phép khai thác cát trên bãi, không được cấp phép khai thác dưới nước và giữa lòng sông.

Như vậy, bất kỳ chiếc thuyền nào hút cát giữa sông đều là khai thác trái phép.

Để trấn áp nạn “cát tặc”, UBND huyện đã lập tổ liên ngành gồm lãnh đạo huyện, lực lượng quân sự, công an huyện và chính quyền các xã ven sông thường xuyên theo dõi và xử lý thuyền hút cát trái phép. Năm 2016, lực lượng chức năng xử lý 80 vụ vi phạm, xử phạt 470 triệu đồng, thu 11 máy nổ hút cát; 5 tháng đầu năm 2017 xử lý 9 vụ vi phạm, phạt 51 triệu đồng, thu 9 máy nổ hút cát.

“Quá trình theo dõi và xử lý nạn “cát tặc” còn gặp nhiều khó khăn đối với các lực lượng chức năng, vì các thuyền hút cát trái phép thuê cả côn đồ để bảo vệ và cảnh giới nhiều lớp, trong khi đó các cơ quan chức năng của huyện không đủ người để theo dõi thường xuyên. Chúng thường hoạt động vào tầm 2-4 giờ sáng nên việc bố trí người theo dõi thường xuyên là rất khó. Bên cạnh đó, vì là vùng sông giáp ranh giữa hai huyện Đức Thọ và Hương Sơn nên bọn “cát tặc” cứ chạy qua chạy lại trên sông, gây khó khăn cho cơ quan chức năng huyện trong việc xử lý khi chúng ra khỏi ranh giới huyện, chỉ có CSGT đường thủy mới có thẩm quyền kiểm tra thuyền vận chuyển cát trên sông”, ông Vinh nói.

Thượng tá Nguyễn Duy Đông, Trưởng công an huyện Đức Thọ cũng cho rằng thực trạng “cát tặc” hoành hành trên sông La là vấn đề “nóng” từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, lực lựng công an cũng gặp phải khó khăn khi tổ chức, triển khai truy quét và xử lý các xà lan và thuyền hút cát trái phép.

Vài năm trước, đầu bãi Soi còn nằm dưới đường dây điện cao thế, nhưng nay đã bị lở “mòn” khoảng 500m

Thượng tá Đông cho hay: “Khó khăn thứ nhất là đơn vị có nhiều nhiệm vụ, lúc bình thường anh em thường xuyên đi làm các công tác như an ninh trật tự, an toàn giao thông và các nhiệm vụ khác, nên khi người dân báo tin có thuyền hút cát trái phép thì không kịp điều động người để triển khai truy bắt. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý tài nguyên cũng ít người, sự phối hợp và hỗ trợ chưa tốt.

Các thuyền hút cát thường hoạt động vào ban đêm và có nhiều người cảnh giới, nên khi cơ quan chức năng huy động lực lượng để bắt quả tang thì chúng chỉ cần thấy động tĩnh là thu vòi hút và di chuyển đi nơi khác, thậm chí chạy sang huyện khác. Có khi chúng còn giả vờ nổ máy trên sông để đánh lừa công an. Người dân thấy chúng neo thuyền và nổ máy liền báo tin cho chúng tôi, khi chúng tôi huy động anh em ra thì thấy chúng chỉ hút nước trong thuyền ra ngoài, liền sau đó chúng bố trí thuyền khác hút cát ở nơi xa hơn mà người dân cũng không thể phát hiện vì trong đêm tối và tiếng máy nổ bị chúng át đi”.

Trước diễn biến phức tạp của nạn khai thác cát trái phép trên sông La, ngày 31.3 vừa qua, UBND huyện Đức Thọ đã ra thông báo về việc nghiêm cấm khai thác cát, tập kết cát vào ban đêm trên địa bàn huyện Đức Thọ.

Theo đó, kể từ ngày 15.5.2017, UBND huyện Đức Thọ nghiêm cấm tất cả các chủ phương tiện khai thác cát, tập kết cát vào bãi kinh doanh từ 19 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau. Nếu vì lý do thủy triều lên/xuống không khai thác được ban ngày thì các chủ mỏ được UBND tỉnh cấp phép phải đăng ký với UBND xã nơi có mỏ và tổ trưởng tổ liên ngành huyện để xin đăng ký khai thác, số lượng xà lan khai thác.

Theo một lãnh đạo huyện Đức Thọ, việc nghiêm cấm này nhằm hạn chế tình trạng “cát tặc” lợi dụng sự lẫn lộn với thuyền khai thác trong mỏ để di chuyển và hoạt động trên sông vào ban đêm. Điều này cũng tạo thuận lợi hơn cho lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát trên sông; đồng thời người dân cũng dễ xác định thuyền của “cát tặc” để thông báo cho chính quyền.

Tác giả: Quang Cường

Nguồn tin: Báo Một thế giới

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP