Chăm sóc sức khỏe

Người đàn ông bị bạn gái xa lánh vì làm nghề chăm sóc xác chết

Phòng xác phục vụ cho bộ môn giải phẫu của Trường Đại học Y Hà Nội nằm trên phố Tăng Bạt Hổ, quận Hai Bà Trưng. Khu vực phòng xác được bố trí ở tầng hai của tòa nhà. Lên cầu thang tầng 2, rẽ phải là phòng thực tập trên xác thật dành cho sinh viên. Một người đàn ông đang lúi húi dọn dẹp, lau chùi các quan tài bằng inox sau mỗi giờ sinh viên tan học. Đó là ông Dương Ngọc Lâm, y công nhà xác của Đại học Y Hà Nội.

Để có thi thể phục vụ cho sinh viên học tập nghiên cứu, ông Lâm nhận xác được hiến tặng đưa về trường Đại học Y Hà Nội rồi xử lý sạch trước khi tiêm hóa chất và ngâm vào bể formol. 

Ở tuổi 50, ông Lâm trông vẫn còn khá trẻ so với tuổi tác. 30 năm làm việc trong nhà xác, ông Lâm có rất nhiều tâm sự muốn giải tỏa song ít ai nghe ông nói. Bởi, theo ông, cái nghề ông đang làm bị người ta dị nghị, coi rẻ và sợ hãi.

nguoi-dan-ong-bi-ban-gai-xa-lanh-vi-lam-nghe-cham-soc-xac-chet

Phòng giữ xác của Đại học Y Hà Nội, nơi ông Lâm làm việc 30 năm qua. Ảnh: Lê Nga.

19 tuổi, chàng trai trẻ nộp đơn vào trường Đại học Y xin việc, công việc chính là tham gia tiếp nhận, xử lý xác hiến và trông coi, bảo quản thi thể để phục vụ công tác học tập nghiên cứu cho giảng viên và sinh viên trong trường. Thời gian đầu làm việc, ông Lâm vô cùng kinh hãi khi tiếp xúc với thi thể, những hình ảnh rùng rợn cứ hiện trong tâm trí vào buổi tối trước khi đi ngủ khiến ông không thể chợp mắt. Ông đã định nghỉ việc nhiều lần. “Tôi có nhiều nỗi sợ, cái sợ thứ nhất là về mặt tâm lý, tôi thường bị ám ảnh vảo thời gian đầu. Cái sợ thứ hai là về môi trường sống, khi tiếp xúc nhiều với xác chết và hóa chất sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe sau này”, ông Lâm chia sẻ.

Vượt qua tất cả nỗi sợ hãi đó, ông Lâm đã dành cả cuộc đời mình cống hiến cho công việc, cho công tác phục vụ nghiên cứu khoa học. Ông còn nhớ, những năm 80, thi thể phục vụ công tác nghiên cứu nhiều vô kể, chủ yếu là xác vô thừa nhận. “Có ngày chúng tôi xử lý, ngâm hóa chất đến 10 ca. Có lúc nhiều đến mức chúng tôi không nhận thi thể nữa do bể chứa quá tải”, ông Lâm nói.

Lần đầu tiên tham gia xử lý xác, ông Lâm sợ hãi vô cùng, chân tay run lẩy bẩy, không thể làm tốt công việc. Về nhà, ông không ăn uống không ngủ được. Tình trạng này kéo dài suốt 2 năm. Khi quyết định nghỉ việc thì ông lại được bố mẹ và người thân động viên tiếp tục làm. Đến năm thứ ba, ông đã quen dần với công việc và nỗi sợ hãi đã biến mất.

nguoi-dan-ong-bi-ban-gai-xa-lanh-vi-lam-nghe-cham-soc-xac-chet-1

Ông Lâm chia sẻ về những khó khăn trong công việc của mình. Ảnh: Lê Nga.

Người y công không nhớ trước đây mình đã xử lý được bao nhiêu thi thể vì có rất nhiều. Từ khi có Luật hiến xác – hiến tạng ra đời vào năm 2007, trường chỉ tiếp nhận xác hiến, không được phép lấy xác vô thừa nhận thì thi thể trở nên khan hiếm hơn. Lần gần đây nhất ông tham gia xử lý xác mới là năm 2013, do một tiến sĩ ở Hà Nội tình nguyện hiến cho trường.

Ông Lâm bảo, để có một xác người phục vụ nghiên cứu không phải đơn giản mà mất rất nhiều sông sức của giảng viên và những y công như ông. Khi xác được nhận về, ông Lâm cùng 2 người nữa làm sạch thi thể bằng cách rửa, thông lòng mạch, đưa hết máu và dịch ra bên ngoài. Sau khi vệ sinh sạch, họ bơm hóa chất  được pha sẵn vào thi thể và để trong 2 ngày, những bộ phận nào chưa “chín” sẽ được bơm tiếp hóa chất. Cuối cùng, thi thể được đưa vào bể formol cất giữ đến khi có nhu cầu sẽ vớt ra sử dụng, song không thể dùng trước 6 tháng.

Công việc chăm sóc thi thể này không phải ai cũng có thể làm được, ngoài “ngộ độc” về tinh thần thì ảnh hưởng thể chất rất đáng lo ngại. Thường xuyên tiếp xúc với hóa chất nên ông Lâm rất ý thức trong việc bảo vệ sức khỏe. Khi xử lý xác, ông trang bị đầy đủ bảo hộ lao động bao gồm kính mắt, đi ủng, găng tay và quần áo chuyên dụng. Thao tác xử lý cũng phải chính xác để tránh dính hóa chất lên người.

Ông Lâm tâm sự, những năm 80, nghề của ông bị rất nhiều dị nghị, mọi người xung quanh thậm chí cả người thân đều ghê tởm công việc này. Không ai muốn gần, tiếp xúc nói chuyện với ông, họ coi ông như một người đến từ thế giới khác, một con người “bẩn thỉu”. Sau năm 2000, tư tưởng của mọi người đã thay đổi, họ dần không còn ác cảm với công việc chăm sóc thi thể này nữa.

Chính vì theo đuổi nghề này mà ông Lâm chưa có vợ con. Trải qua rất nhiều mối tình, song bạn gái nào khi biết về công việc của ông đều tự động rút lui và xa lánh do mặc cảm với nghề. “Tôi không suy nghĩ gì nhiều bởi các cô gái đã không tôn trọng công việc của tôi chứng tỏ tình yêu của họ với tôi cũng không nhiều”, ông Lâm tự nhủ.

Đến nay ông Lâm vẫn sống cuộc đời cô độc, song ông nói rằng những người đã dũng cảm hiến xác cho khoa học không hề cô đơn. Vào những ngày rằm, mùng một, dịp lễ tết hay mốc thời gian quan trọng, nhiều gia đình đến thăm thi thể của người thân mình, có vợ thăm chồng, con thăm bố, anh chị em đến thăm nhau… Những ngày khác, ông thay mặt gia đình họ thường xuyên dọn dẹp, hương khói cho những thi thể nơi đây. Tất cả thi thể đều được bảo quản một cách an toàn và đảm bảo nhất.

Nói về dự định, ông Lâm cho biết sẽ tiếp tục công hiến cho công việc, cho khoa học và mong muốn được kết hôn. Ông hy vọng sẽ tìm được một người phụ nữ thấu hiểu mình, tôn trọng nghề nghiệp của ông và yêu thương ông thật lòng.

Lê Nga

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP