Kinh tế

Người dân “méo mặt” vì viện phí tăng

Nhiều người dân không có bảo hiểm y tế tại TP.HCM đã “ngã ngửa” khi giá viện phí tăng cao hơn hẳn bắt đầu từ tháng 10/2017.

Tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, nhiều người bất ngờ khi thấy giá khám, siêu âm và các dịch vụ khác đều tăng cao. Anh Hoàng Văn Hùng (huyện Hóc Môn) cho biết, lần đi khám này anh phải đóng nhiều tiền hơn, đến bệnh viện đọc thông báo anh mới biết về thông tin tăng viện phí. Anh lo lắng: “Bệnh nhân ung thư vốn đã kiệt quệ về kinh tế, giờ lại tăng viện phí thì với những người không có bảo hiểm y tế như tôi thật sự khó khăn”.

Không chỉ tăng giá khám bệnh, siêu âm, đối với các bệnh nhân điều trị ung thư, một số phương pháp điều trị đặc biệt có chi phí rất cao như: xạ phẫu bằng Cyber Knife là hơn 20 triệu đồng; xạ phẫu bằng Gamma Knife: hơn 28 triệu đồng; xạ trị bằng X Knife: hơn 28 triệu đồng… Nếu không có BHYT thanh toán, số tiền này đối với người dân là một chi phí quá lớn.

Tại các bệnh viện tuyến quận huyện, nhiều bệnh nhân cũng không hề biết giá viện phí sẽ tăng từ ngày 1/10 đối với người không có BHYT. Phần lớn họ chỉ biết thông tin này khi trả tiền viện phí mặc dù hầu hết các bệnh viện đã dán thông báo và niêm yết giá các danh mục khám chữa bệnh ngoại trú, nội trú, giá xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh… tại các khoa khám bệnh. Tuy nhiên, nhiều người bức xúc cho biết, họ không hề được thông báo trước về việc tăng viện phí nên khá bị động trong việc khám chữa bệnh.

Tại Bệnh viện quận 9, chị Đặng Thanh Đào (ở quận 9, TPHCM) tỏ ra lo lắng: “Mẹ tôi bị ngất xỉu vì suy nhược cơ thể, phải đưa gấp vào bệnh viện cấp cứu. Gia đình chưa kịp mua BHYT cho bà thì bà đột ngột đổ bệnh. Tôi hơi lo lắng, vì nếu mẹ bệnh sơ sơ nằm vài ba ngày thì đỡ chứ bệnh nặng, phải điều trị lâu dài thì sẽ rất tốn kém”.

Từ ngày 1/10, tại tất cả các bệnh viện công lập tuyến quận huyện, bệnh viện trực thuộc TP.HCM, người đi khám, chữa bệnh không có BHYT phải thanh toán 100% mức tối đa khung giá dịch vụ khám chữa bệnh.

Cụ thể, phí khám bệnh hiện nay tại bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1 của thành phố đang là 20.000 đồng sẽ tăng lên 39.000 đồng, bệnh viện hạng 2 từ 15.000 tăng lên 35.000 đồng, bệnh viện hạng 3 từ 10.000 đồng tăng lên 31.000 đồng, bệnh viện hạng 4 từ 7.000 đồng lên 29.000 đồng.

Đáng chú ý, ngoài giá viện phí, chi phí giường bệnh cũng tăng cao từ 50.000 đồng lên đến hơn 150.000/giường/ngày. Một số phẫu thuật thường quy cũng tăng cao như phẫu thuật lấy thai lần đầu chỉ đóng 2 triệu đồng thì nay tăng lên hơn 2,6 triệu đồng; phẫu thuật tim các loại tăng số tiền đóng từ 7 triệu đồng lên hơn 16,5 triệu đồng... tại bệnh viện hạng 1.

Bà Lưu Thị Thanh Huyền, Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội TPHCM cho biết, tính tới thời điểm này, TP.HCM vẫn còn 20% dân số chưa tham gia BHYT. Đây sẽ là nhóm chịu tác động mạnh nhất của đợt tăng viện phí lần này.

Theo bà, việc tăng viện phí sẽ “kích thích” được người dân tham gia BHYT. Với giá viện phí mới, không kể gì người nghèo, người có thu nhập cao mà không có BHYT cũng sẽ phải “rát mặt” vì bỏ ra một số tiền lớn khi gặp rủi ro. Mục tiêu của BHXH TP, cuối năm 2017, TP phải đạt trên 87% dân số tham gia BHYT và năm 2020, tỷ lệ này phải trên 90%.

Theo bà Huyền, đối với 20% dân số TPHCM chưa tham gia BHYT, có nhiều chính sách để người dân tham gia. Với các nhóm học sinh sinh viên, người nghèo, người lớn tuổi, trẻ em dưới 6 tuổi đã được cấp BHYT hoặc hỗ trợ giá. Với người lao động thì bắt buộc Cty phải đóng tiền mua BHYT cho họ. Riêng những người lao động tự do, không có mối quan hệ lao động vẫn có thể tham gia BHYT theo hộ gia đình. Và nếu người lao động tự do là người nhập cư có thể tham gia BHYT chỉ với giấy đăng ký tạm trú.

Tác giả: An Nhiên

Nguồn tin: Báo Infonet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP