Phóng sự - Ký sự

Mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á – Kỳ 3: Hệ lụy nhãn tiền và lời giải nào cho bài toán thiếu vốn?

Năm 2010, Tập đoàn Thép Kobe (Nhật Bản) khởi công xây dựng D.A Nhà máy Sản xuất sắt xốp Kobelco Việt Nam tại Khu công nghiệp Đông Hồi (thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An). D.A có vốn đầu tư lên tới 1 tỷ USD này được thiết kế với công suất 2 triệu tấn/năm; dự kiến sử dụng nguyên liệu sắt từ mỏ sắt Thạch Khê và than từ Quảng Ninh. Sở dĩ nhà máy này khởi công vào năm 2010 là vì theo kế hoạch, đến những năm 2012 – 2013 thì D.A mỏ sắt Thạch Khê sẽ hoàn thành việc bóc đất tầng phủ, đi vào khai thác hàng triệu tấn quặng mỗi năm.

Không phải ngẫu nhiên mà từ lãnh đạo Hà Tĩnh đến các bộ, ngành liên quan, Chính phủ đều “sốt ruột” tìm giải pháp tháo gỡ bế tắc cho dự án (D.A) khai thác và tuyển quặng sắt Thạch Khê. Bởi vì, sự đình trệ kéo dài của D.A này đang gián tiếp cản trở dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam.
hatinh

Không chỉ người dân mà nhiều cấp, nhiều ngành cũng đang phải “gò lưng” trước những khó khăn của D.A mỏ sắt Thạch Khê. Ảnh: Trần Tùng

Đến nay, Nhà máy Sản xuất sắt xốp Kobelco Việt Nam vẫn trong tình trạng “án binh bất động”. Nguyên nhân được phía Nhật Bản đưa ra là chưa có nguyên liệu, do D.A mỏ sắt Thạch Khê chưa thể đi vào khai thác.

Sự bế tắc kéo dài của D.A khai thác và tuyển quặng sắt Thạch Khê đã khiến một “ông lớn” ngành Thép như Tập đoàn Kobe rơi vào cảnh huống “đếm cua trong lỗ” khi xây dựng nhà máy vào năm 2010.

Cùng với đó, nền kinh tế Việt Nam có thể “tuột” mất nguồn vốn FDI lên tới 1 tỷ USD trong thời điểm rất cần thu hút đầu tư nước ngoài.

Những khó khăn trong việc thực hiện D.A mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á này còn kéo theo nhiều tỷ đồng tiền vốn Nhà nước bị đóng băng, và nguy cơ thất thoát là hoàn toàn có thể.

Ngoài 4 doanh nghiệp đã thoái vốn khỏi Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC), trong số 5 cổ đông còn lại, có tới 3 cổ đông là những doanh nghiệp quốc doanh, và là những cổ đông góp vốn lớn nhất (Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam chiếm 30%; Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh 24% và Tổng Công ty Thép Việt Nam là 20%). Tính đến thời điểm này, hơn 1.100 tỷ đồng đã được rót vào D.A khai thác và tuyển quặng sắt Thạch Khê, phần nhiều trong đó được đóng góp bởi các cổ đông là những doanh nghiệp quốc doanh. Nghĩa là, hàng trăm tỷ đồng vốn Nhà nước đang bị “kẹt” tại D.A này. Nếu tình trạng khó khăn còn kéo dài, chưa hi vọng đến chuyện kiếm lời mà việc thu hồi được vốn đã là hết sức nan giải.

Nhằm giúp TIC giải quyết “cơn khát vốn”, ngày 28/5/2013, Bộ Công thương đã có Công văn số 4571 gửi kiến nghị Thủ tướng cho phép khai thác và bán ngay trong nước với khối lượng 1,6 triệu tấn quặng sắt và bán 1 triệu tấn/năm giai đoạn 2014 – 2015. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp mang tính tình thế, giải quyết khó khăn trước mắt theo kiểu “giật gấu vá vai”.

Bộ Công thương kiến nghị Thủ tướng chấp thuận cho TIC khai thác và bán ngay trong nước với khối lượng 1,6 triệu tấn quặng sắt, và bán 1 triệu tấn/năm trong giai đoạn 2014 – 2015 tại những điểm quặng đã lộ thiên để giải quyết khoản kinh phí không thể trì hoãn như chi trả tiền bồi thường giải phóng mặt bằng, trả lương cho người lao động… Tuy nhiên, nếu đặt trong một lộ trình mang tính dài hơi thì nó sẽ kéo theo những hệ quả tiêu cực.

Có điều, chính quyền Hà Tĩnh đã không tán thành với phương án trên. Mong muốn của địa phương này là việc khai thác phải được tính toán một cách căn cơ, mang tính dài hơi và bền vững.

Tìm hiểu của phóng viên cho thấy, hầu hết các cổ đông hiện tại của TIC không đủ năng lực tài chính để có thể góp vốn theo đúng lộ trình như đã cam kết. Đơn cử như trường hợp của Tổng Công ty Thép Việt Nam. Trang thông tin điện tử (vnsteel.vn) cho biết, năm 2012, Tổng Công ty Thép Việt Nam lỗ 538 tỷ đồng. Năm 2013, mặc dù đã nỗ lực với mọi biện pháp khắc phục khó khăn nhưng mức thua lỗ vẫn là con số “khủng”: 289,9 tỷ đồng. Với tình trạng thua lỗ kéo dài như vậy, không khó để giải thích lý do Tổng Công ty Thép Việt Nam “quên” thực hiện nghĩa vụ tài chính tại TIC.

Là cổ đông giữ quyền chi phối tại TIC với 30% vốn điều lệ, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam tỏ ra có trách nhiệm trong việc việc tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho D.A khai thác và tuyển quặng sắt Thạch Khê. Đơn vị này cũng được ghi nhận là cổ đông “gương mẫu” nhất về thực hiện nghĩa vụ tài chính. Song, những gì đang thể hiện chưa đủ để thuyết phục rằng Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam có thể một mình gánh vác nghĩa vụ cho các cổ đông còn lại. Mặt khác, bản thân Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam cũng đang phải đối mặt với  khó khăn không hề nhỏ do những biến động của thị trường than trên thế giới, nên khó có thể hy vọng vào việc đơn vị này sẽ dồn toàn lực nhằm giải cứu TIC trước những khó khăn về vốn.

Trong tình hình đó, việc tìm kiếm nhà đầu tư mới gần như là lối thoát duy nhất cho D.A khai thác và tuyển quặng sắt Thạch Khê. Xét về triển vọng, mỏ sắt Thạch Khê với trữ lượng trên 500 triệu tấn một khi đã đi vào khai thác sẽ đem lại lợi nhuận rất lớn và lâu dài. Do vậy, việc kiếm nhà đầu tư là không khó. Vấn đề đặt ra đối với lãnh đạo TIC và các cấp, ngành liên quan là cần cân nhắc kỹ càng để chọn lựa được những doanh nghiệp vừa có tiềm lực tài chính, vừa có kinh nghiệm trong lĩnh vực khai thác mỏ. Bên cạnh đó, những ràng buộc mang tính pháp lí trong việc thực hiện cam kết góp vốn cũng cần được thiết lập chặt chẽ, tránh tình trạng đầu tư kiểu “tay không bắt giặc” như đã từng xảy ra.

Việc mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài cũng là giải pháp cần được TIC tính tới. Được biết, Tập đoàn Thép Kobe của Nhật Bản đang đề nghị tham gia vào D.A khai thác và tuyển quặng sắt Thạch Khê với cam kết đầu tư về tài chính và công nghệ. Động thái này đang mở ra nhiều hy vọng trong việc giải bài toán thiếu vốn của TIC. Phía Tập đoàn Kobe, việc đầu tư vào D.A này sẽ giúp họ chủ động giải quyết được vấn đề nguồn cung nguyên liệu cho D.A Nhà máy Sản xuất sắt xốp Kobelco Việt Nam – vấn đề đang khiến nhà máy của họ rơi vào tình trạng “đắp chiếu”. Tất nhiên, những quy định xung quanh việc đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài là việc cần nghiên cứu một cách nghiêm túc và cẩn trọng, bởi vì không chỉ trong phạm vi của TIC mà nó còn liên quan đến nhiều vấn đề về lợi ích quốc gia.

Khi đưa ra lý thuyết “cái vòng luẩn quẩn và cú huých từ bên ngoài”, nhà kinh tế học Samuellson (chủ nhân Giải Nobel Kinh tế năm 1970) cho rằng, nguyên nhân cơ bản khiến một thực thể kinh tế rơi vào vòng luẩn quẩn của sự nghèo khó là do thiếu vốn. Vì vậy, để thoát khỏi vòng luẩn quẩn đó thì cần phải có sự đầu tư từ bên ngoài, trước hết là về vốn. Lý thuyết của Samuellson nghiên cứu ở tầm vĩ mô, đối với các quốc gia chậm phát triển. Tuy nhiên, sẽ không khiên cưỡng nếu áp dụng nó trong việc lý giải sự bế tắc, luẩn quẩn của một thực thể kinh tế vi mô như D.A khai thác và tuyển quặng sắt Thạch Khê. Để khơi thông những bế tắc kéo dài của D.A này, nhất thiết phải giải quyết vấn đề thiếu vốn; mà điều này thì không thể trông chờ vào những cổ đông hiện tại của TIC!

Kiên Tùng – Quang Trần

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP