Trong nước

Khởi tố 3 bị can trong vụ cháy quán karaoke khiến 13 người chết

Ngày 12/11, Công an TP. Hà Nội đã khởi tố 3 bị can điều tra trách nhiệm trong vụ cháy quán karaoke khiến 13 người chết ở Cầu Giấy 

3 đối tượng: Nguyễn Diệu Linh (SN 1986, ở quận Hà Đông, Hà Nội), Lê Thị Thì (tên gọi khác là Thanh, SN 1962, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) và Hoàng Văn Tuấn (SN 1993, ở Nghệ An) bị khởi tố về hành vi vi phạm quy định về Phòng cháy chữa cháy.

Khởi tố 3 bị can trong vụ cháy quán karaoke khiến 13 người chết - Ảnh 1

Hiện trường vụ cháy tại Trần Thái Tông

Hiện, Cơ quan CSĐT đã bắt tạm giam đối với hai đối tượng Lê Thị Thì và Hoàng Văn Tuấn. Đối với bị can Nguyễn Diệu Linh do đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi nên được tại ngoại nhưng cấm đi khỏi nơi cư trú.

Theo kết luận điều tra, Nguyễn Diệu Linh là chủ quán, dù biết quán chưa có nghiệm thu về PCCC, giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự; giấy phép kinh doanh karaoke nhưng vẫn đưa vào sử dụng và đón khách vào vui chơi.

Bị can Lê Thị Thì là chủ của đơn vị trực tiếp thi công, Hoàng Văn Tuấn là thợ hàn xì làm thuê cho Thì nhưng Tuấn không có chưa được được huấn luyện về an toàn lao động, chưa cấp thẻ an toàn. Trong quá trình cắt bản lề để lắp cửa, Tuấn dùng máy hàn thổi lửa trực tiếp vào bản lề cửa mục đích dùng nhiệt cắt bản lề ra dẫn đến lửa bén vào vách phòng và gây cháy.

Hậu quả, làm 13 người thiệt mạng, cháy toàn bộ tài sản của quán karaoke 68, 11 xe máy, 1 xe đạp điện. Vụ cháy còn ảnh hưởng sang các quán Bách Lộc, quán Kstar 72, quán Nhật số 74 Trần Thái Tông.

Quy định điều kiện PCCC theo quy định tại điều 7 Nghị định 79/2014 của Chính phủ

Điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với cơ sở

1. Cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy sau đây:

a) Có quy định, nội quy, biển cấm, biển báo, sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy, thoát nạn phù hợp với đặc điểm và tính chất hoạt động của cơ sở.

b) Có quy định và phân công chức trách, nhiệm vụ phòng cháy và chữa cháy trong cơ sở.

c) Hệ thống điện, chống sét, chống tĩnh điện; thiết bị sử dụng điện, sinh lửa, sinh nhiệt; việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt phải bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy.

d) Có quy trình kỹ thuật an toàn về phòng cháy và chữa cháy phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

đ) Có lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở, chuyên ngành được huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy và tổ chức thường trực sẵn sàng chữa cháy đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ.

e) Có phương án chữa cháy, thoát nạn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại Điều 21 Nghị định này.

g) Có hệ thống giao thông, cấp nước, thông tin liên lạc phục vụ chữa cháy, hệ thống báo cháy, chữa cháy, ngăn cháy, phương tiện phòng cháy và chữa cháy khác, phương tiện cứu người phù hợp với tính chất, đặc điểm của cơ sở bảo đảm về số lượng, chất lượng và hoạt động phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an.

h) Có văn bản thẩm duyệt, kiểm tra nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy đối với công trình quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này.

i) Có hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động phòng cháy và chữa cháy theo quy định của Bộ Công an.

2. Các cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy và chữa cháy quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này nhưng không phải là cơ sở nguy hiểm về cháy, nổ phải bảo đảm điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy theo quy định tại Khoản 1 Điều này phù hợp với quy mô, tính chất hoạt động của cơ sở đó và phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy.

3. Điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy quy định tại Khoản 1 Điều này phải được tổ chức thực hiện và duy trì trong suốt quá trình hoạt động.

Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo

 Bạch Huyết

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP