Tin Hà Tĩnh

Hiểm nguy rình rập học sinh và người dân Hương Thủy mỗi khi qua sông

Xã Hương Thủy có tất cả 9 thôn thì có 2 thôn bị chia cắt bởi sông Ngàn Sâu. Hầu hết người dân muốn sang bên này đều phải đi qua sông bằng đò ngang hoặc đi vòng khá xa. Thực tế, những chuyến đò này rất nguy hiểm...

Nhiều năm nay, hàng trăm hộ dân thuộc xã Hương Thủy (huyện Hương Khê) và xã Cẩm Lĩnh (huyện Cẩm Xuyên) Hà Tĩnh luôn mong mỏi một cây cầu bắc qua sông để thuận tiện cho việc đi lại. Không có cầu, người dân phải “nhắm mắt đi liều” trên những con đò nhỏ níu sợi dây chằng qua sông.

Người và xe lên đò qua sông Ngàn Sâu

Có mặt tại bến đò số 3 (xã Hương Thủy) từ sáng sớm, từng tốp học sinh chen chúc nhau trên con đò nhỏ để qua sông cho kịp giờ đến lớp. Khi những chuyến đò chở hết các em học sinh, người dân mới bắt đầu lên thuyền đi chợ, đi làm, sản xuất. Tất cả đều không có phương tiện bảo hộ nhưng hằng ngày họ vẫn phải phó mặc tính mạng cho những người chèo đò nơi đây. Chứng kiến cảnh người lái đò níu sợi dây thừng được nối từ bên này qua bên kia sông mà chúng tôi không khỏi rùng mình.

Hương Thủy là xã vùng lũ của huyện Hương Khê, có con sông Ngàn Sâu chạy quanh chia cắt thôn 7 và thôn 8 với gần 1.000 nhân khẩu. Vào mùa mưa, nước ở sông Ngàn Sâu đục ngầu, cuồn cuộn chảy xiết nhưng người dân hai thôn này vẫn bất chấp nguy hiểm, giao tính mạng cho những con đò không đảm bảo an toàn để sang bên kia bờ giao thương. Đáng ngại nhất là việc đến trường của hàng chục em học sinh gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm.

Xã Hương Thủy có 3 bến đò nhưng trận lũ vừa rồi đã phá hỏng bến đò số 2 cùng con đò. Còn bến đò số 1 do không có kinh phí cũng không ai tình nguyện lái nên người dân trong xóm thống nhất người lớn phải tự chia nhau ra làm nhiệm vụ, mỗi người nhận một ngày. Cứ đến phiên nhà nào thì nhà nấy cử người ra lái đò chở người dân qua sông.

Không tay chèo, người lái níu dây kéo thuyền qua sông

Ông Nguyễn Văn Thực, người có thâm niên chèo đò hơn 30 năm cho biết: “Tôi ra đây chèo đò từ năm 1985, thù lao được người dân trả bằng thóc, gạo, dù ít ỏi nhưng vẫn phải bám trụ để giúp dân qua sông. Giờ tuổi đã cao, bệnh tật đầy mình nhưng chưa có ai thay cả nên tôi vẫn phải làm”. Ông Thực cũng là người duy nhất ở vùng này có chứng chỉ lái đò.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thọ, Chủ tịch UBND xã Hương Thủy cho biết: “Xã Hương Thủy có tất cả 9 thôn thì có 2 thôn bị chia cắt bởi sông Ngàn Sâu. Hầu hết người dân muốn sang bên này đều phải đi qua sông bằng đò ngang hoặc đi vòng khá xa. Thực tế, những chuyến đò này rất nguy hiểm, không đảm bảo an toàn cho người dân, nhất là những em học sinh nhưng việc xây cầu nằm ngoài khả năng của địa phương”.

Cũng chung tình trạng trên, tại xã Cẩm Lĩnh (huyện Cẩm Xuyên) việc đi lại của hàng trăm hộ dân ở thôn 4 lâu nay vẫn phụ thuộc vào chiếc “bè nổi” nhỏ xíu để qua sông Khe Gin. Nói là chiếc “bè nổi” nhưng thực tế chỉ là mấy miếng xốp ghép lại với nhau chỉ đủ cho vài ba người đứng lên. Nhưng nếu đứng trên chiếc bè nghiêng ngả ấy thì chắc chắn sẽ bị té xuống sông bất cứ lúc nào nên người dân buộc phải ngồi xổm, men theo chiếc dây thừng rồi ra sức kéo để lên bờ.

Những chuyến đò không đảm bảo an toàn, người dân Hương Thủy vẫn phó mặc tính mạng để qua sông

Theo người dân, trước đây cũng có chiếc cầu tạm bắc qua sông nhưng do cầu đến kỳ mục nát, vừa qua cơn bão số 10 đã “thổi bay” cây cầu khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn. Chị Nguyễn Thị Hà từng suýt bỏ mạng tại khu vực này bất an: “Chúng tôi sống bên kia sông nhưng mọi sinh hoạt cộng đồng đều phải qua bên này, ngoài ra, đất sản xuất cũng phân tán cả hai bên sông nên việc đi lại rất khó khăn, muốn đi đường bộ phải đi vòng cách xa 4km. Đợt trước cây cầu tạm bắc qua sông bị cuốn trôi, bí bách quá chúng tôi làm cái bè để đi lại nhưng cứ thế này sinh mạng của người dân sẽ rất nguy hiểm”.

Mặc dù xóm 4 được chính quyền xã Cẩm Lĩnh “nhắm” làm nơi xây dựng Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu nhưng vì không có cầu kiên cố nối liền hai bên xóm nên chưa thực hiện được.

Ông Trần Đình Lam, Chủ tịch UBND xã Cẩm Lĩnh chia sẻ: Hiện nay có 60 hộ dân xóm 4 với 250 nhân khẩu ở bên kia sông rất cần có cầu để đi lại cho thuận tiện. “Kinh phí của xã có hạn nên không đủ khả năng để đầu tư cầu. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên huyện nhưng đến nay vẫn chưa có chủ trương gì”.

Chiếc bè nổi được ghép bằng những miếng xốp là phương tiện qua sông của người dân Cẩm Lĩnh



Tác giả: TÂM ĐAN

Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP