Di tích - Thắng cảnh

Hà Tĩnh: “Trấn lột” giữa ban ngày, cơ quan chức năng đùn đẩy trách nhiệm

Chuyện lạ có thật trên địa bàn xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh, hằng ngày đội xe lai của khu di tích Chùa Hương phải “cống” cho gia đình ông Võ Nhân Triều 20.000 đồng/chuyến.

 >> Nhà chùa phản đối việc mua vé vào cổng chùa Hương Tích

Khách vào tham quan phải mua vé giá 20.000 đồng

Ngang nhiên thu phí

Điều tưởng như vô lý này lại là sự thật tại khu di tích Chùa Hương xã Thiên Lộc. Cánh xe ôm tại đây mỗi lượt chở khách đi/về qua nhà ông Triều đều phải nộp 20.000 đồng cho người này. Lý do được người đàn ông này đưa ra là: Ông được Ban quản lý rừng phòng hộ Hồng Lĩnh giao bảo vệ rừng đồng thời “bảo dưỡng” con đường lên Miếu Cô, chính vì vậy ông ngang nhiên thu “phí” bất chấp sự phản đối của người dân.

Vé xe lai lượt đi 60.000 đồng

Đóng vai trò khách tham quan Phóng viên mua “vé xe lai” để mục sở thị hiện tượng nói trên. Trên con đường ngoằn nghèo, trắc trở người ngồi chỉ chực rớt xuống bất cứ lúc nào cánh xe ôm chở chúng tôi đi, điểm đến là khu vực cáp treo cách cổng chừng 3,5km. Đến một căn nhà nhỏ khoảng 2/3 quãng đường tất cả các tài xế xe lai đều dừng lại “giao nộp” 10.000 đồng chủ nhà, lượt về cũng 10.000 đồng, cứ như vậy tất cả đều răm rắp nộp.

Người nhà ông Võ Nhân Triều chặn đường thu tiền xe ôm

Thấy lạ phóng viên hỏi thì tất cả đều chung một câu trả lời: “Bức xúc đó nhưng BQL khu du lịch, chính quyền lẫn công an đều không vào cuộc chúng tôi không thể làm gì được”. Anh Đặng Đình Thành, thành viên tổ xe lai (Thiên Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh) bức xúc: “Việc gia đình ông Võ Nhân Triều thu tiền là hết sức vô lý, trong cuộc họp gần đây cơ quan chức năng nói việc này do Hội xe lai với ông Triều tự thỏa thuận với nhau nên chúng tôi, những người dân lao động không thể làm gì được”.

Những ngày cao điểm có khoảng 200 xe ôm phục vụ khách tham quan

Vào thời gian cao điểm, với giá 120.000 đồng/lượt đi-về mỗi người xe lai có thể chạy được 1 triệu/ngày, với 200 xe ôm phục vụ tại đây, mỗi lượt đi/về “cống” cho ông Triều 20.000 đồng thì hằng ngày ông này có thể “thu nhập” hàng chục triệu đồng. Điều đáng nói là cách “làm ăn” này lại không có bất cứ một thỏa thuận, hợp đồng nào, thu tiền cũng không hóa đơn chứng từ. Hình thức “chấn lột” trắng trợn này khiến người dân vô cùng bức xúc nhưng chính quyền địa phương lại “rối bời” không thể xử lý được?

Rác và vật liệu đổ ngay lối lên chùa

Không chỉ vấn đề trên, hiện nay một số luồng dư luận đang bày tỏ sự không hài lòng đối với cách phục vụ du khách tại khu du lịch chùa Hương: Vệ sinh nhếch nhác làm mất tính tôn nghiêm, tình trạng kinh doanh dịch vụ biến nơi linh thiêng chẳng khác gì cái chợ, và chi phí dịch vụ cũng rất cao. Ông Đặng Thành, Ban hộ tự chùa Hương Tích chia sẻ: Tôi tính đi từ cổng đến chùa mỗi người chưa có một thẻ hương đã hết 280.000 đồng, liệu chừng những người dân nghèo bán nửa tạ thóc đã đủ tiền để lên chùa thắp hương? Theo tôi, chúng ta lên chùa làm công tác tâm linh, người giàu người nghèo ai cũng cầu năm mới an khang thịnh vượng nhưng cuối cùng cũng không dám đi bởi vì tốn quá nhiều tiền”.

Ông Đặng Thành, Ban hộ tự, chùa Hương Tích

Cười cợt, nói chuyện trong lúc làm lễ

Vé vào cổng, vé xe lai, vé đi đò, vé cáp treo… hàng trăm thứ phí với giá trên trời bủa vây lấy người dân. Chùa là chốn tâm linh, việc thu phí để tôn tạo, phục vụ tốt hơn nữa du khách đến tham quan, dâng hương cũng là lẽ phải nhưng không thể đến mức thương mại hóa như vậy, đặc biệt là tình trạng “chấn lột” giữa ban ngày của gia đình ông Triều lại càng không thể chấp nhận được.

Chính quyền bó tay!

Trao đổi với ông Nguyễn Duy Vị Trưởng ban quản lý khu du lịch Chùa Hương, ông Vỵ cho biết: “Việc ông Triều thu tiền là một bức xúc của khu du lịch nhưng vượt ra ngoài tầm xử lý của Ban bởi toàn bộ diện tích rừng và con đường đó thuộc quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ Hồng Lĩnh cho khai thác tạm thời vì chưa có quy hoạch”.

Ông Vị cho rằng vấn đề nằm ngoài tầm của Ban Quản lý

Ông Vỵ cho biết thêm, vấn đề này chúng tôi đã có nhiều buổi làm việc giữa lãnh đạo BQL khu du lịch Chùa Hương, UBND xã Thiên Lộc và ông Võ Nhân Triều, theo đó ông Triều đã ký vào biên bản làm việc cam kết dừng tất cả các hoạt động trên tuyến đường từ BQL chùa Hương lên Miếu Cô khi dự án ADB triển khai thực hiện (sau mùa lễ hội chùa Hương 2015) nhưng đến nay sự việc vẫn chưa thể chấm dứt!

Để rõ hơn về vấn đề này PV đến trụ sở UBND huyện Can Lộc, trao đổi với ông Bùi Huy Cường, PCT UBND huyện, ông Cường lại cho rằng: “Vấn đề này chúng tôi đã nhiều lần làm việc với BQL khu du lịch chùa Hương, Ban quản lý rừng phòng hộ Hồng Lĩnh, trong hợp đồng nhất quyết không cho phép thu phí, tuy nhiên đất đai thuộc quản lý của rừng phòng hộ Hồng Lĩnh nên quá trình xử lý cũng hết sức khó khăn”.

UBND huyện Can Lộc không giải quyết được vì rừng này thuộc quản lý của BQL rừng phòng hộ Hồng Lĩnh

Trả lời giải pháp nào để tháo gỡ vấn đề trên ông Cường đề nghị: “Tỉnh cùng các sở ngành liên quan cần cấp đất cho BQL khu du lịch chùa Hương để thuận lợi trong quá trình khai thác, quản lý. Thứ hai, UBND huyện sẽ phối hợp với Ban quản lý rừng phòng hộ Hồng Lĩnh, cơ quan công an chấm dứt  tình trạng này. Đặc biệt, BQL rừng phòng hộ Hồng Lĩnh phải quán triệt các hộ dân sử dụng, khai thác, bảo vệ rừng đúng mục đích không được lợi dụng bảo vệ rừng để buôn bán, kinh doanh trái pháp luật”.

Như vậy, theo ông Cường việc để xảy ra tình trạng chấn lột giữa ban ngày này vướng mắc lớn nhất là khu vực gia đình ông Triều thu tiền lại nằm trên diện tích rừng phòng hộ mà BQL rừng phòng hộ Hồng Lĩnh giao cho ông này bảo vệ chính vì vậy chính quyền địa phương thấy sai phạm đó cũng đành bó tay!

Để “gỡ khó” vấn đề này PV có buổi làm việc với ông Hồ Sỹ Quát, trưởng BQL rừng phòng hộ Hồng Lĩnh, ông Quát cho rằng: “Mọi hoạt động kinh doanh dịch vụ, phương tiện đi lại cho đến giữ xe này khác đều do BQL chùa Hương thực hiện, còn trường hợp ông Võ Nhân Triều là một trong mấy trăm hộ của địa phương kí hợp đồng nhận khoán bảo vệ rừng với chúng tôi, chúng tôi có trách nhiệm phải trả cho ông Triều một năm dăm ba triệu đồng, còn toàn bộ diện tích rừng này thuộc Nhà nước quản lý. Riêng việc ông Triều tham gia các dịch vụ du lịch hoặc làm những điều không đúng quy chế trách nhiệm thuộc về BQL Chùa Hương và UBND huyện Can Lộc”. Ông Quát cho biết thêm: “Trường hợp của ông Triều chúng tôi cũng đã làm văn bản rất rõ trả lời UBND huyện Can Lộc”.

Ông Hồ Sỹ Quát, Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Hồng Lĩnh

Ngoài tầm Ban quản lý khu du lịch Chùa Hương, đất rừng của BQL rừng phòng hộ huyện không giải quyết được, cũng không phải phạm vi xử lý của Ban quản lý rừng? Như vậy, trong vấn đề này trách nhiệm thuộc về ai? Một hành vi vi phạm pháp luật rõ như ban ngày, hành vi có thể dùng từ “chấn lột trắng trợn” nhưng các cơ quan chức năng lại “đá quả bóng trách nhiệm”, vướng mắc không thể xử lý được.

Hộ ông Võ Nhân Triều thu tiền của người lái xe ôm, phí xe ôm vì thế mà phải tăng lên nhiều lần, khách đến chùa Hương vô tình lại phải trả những khoản phí vô lý. Các cơ quan chức năng thì bó tay không biết xử lý như thế nào? Vi phạm vẫn tiếp tục diễn ra do quy định pháp luật chưa chặt chẽ hay vì quả bóng trách nhiệm vẫn bị đá qua đá lại giữa các cơ quan chức năng? Câu hỏi này rất cần UBND tỉnh Hà Tĩnh trả lời thay cho những đơn vị lãnh đạo trên!

Hải Đăng/VTOTO

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP