Tin Hà Tĩnh

Hà Tĩnh: Quyền lực của những ông trưởng thôn

Xây dựng nông thôn mới (NTM) là một chủ chương lớn rất đúng đắn của Đảng và Nhà nước, đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Tuy nhiên, đừng vì thành tích mà làm mất đi lòng tin của dân.

Lại xuất hiện kiểu “Chưa nộp đủ tiền không xác nhận”

Mấy ngày qua, dư luận lại xôn xao và bất bình khi một gia đình nông dân tại thôn Phú Gia, xã Song Lộc, huyện Can lộc (Hà Tĩnh) có nhu cầu xác nhận các thủ tục hành chính, tuy nhiên muốn được xã xác nhận vào hồ sơ, gia đình này đã phải đến nhà ông trưởng thôn để nộp nốt 2 triệu đồng gia đình còn nợ tiền làm đường bê tông trong xây dựng nông thôn mới của thôn và nhận lại từ ông một xác nhận “Đóng đủ tiền ở thôn” thì xã mới chứng thực vào hồ sơ

Theo đó, trước khi lên xã xin dấu, chị Võ Thị Lài (SN 1968, trú thôn Phúc Gia, xã Song Lộc) đến nhà trưởng thôn nộp 2 triệu đồng tiền làm đường bê tông, và nhận mẩu giấy viết tay “đóng đủ tiền ở thôn” từ trưởng thôn.

Theo phản ánh của các hộ dân, việc đóng góp tiền xây dựng NTM diễn ra từ mấy năm trước, mỗi năm đóng hàng triệu đồng là quá nhiều. Nếu đóng không kịp sẽ bị bêu tên trên loa, tính phí ghi nợ, và người dân khó khăn trong việc giao dịch các thủ tục ở xã.

Các khoản tiền phải đóng góp để xây dựng NTM

Chị Ngô Thị Loan (thôn Đông Thịnh, xã Phú Lộc) kể: Năm ngoái tôi lên xã xin giấy xác minh hộ cận nghèo cho các con song cán bộ xã nói phải nộp đủ tiền xây dựng NTM thì xã mới xác nhận cho. Năm nay, chị nộp tiền sớm để lên xã làm các loại giấy tờ cho nhanh.

Chị Loan phải bán lúa để lấy tiền nộp chi địa phương


Tại xã Cẩm Minh (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) trẻ từ 6 tháng tuổi, người già dưới 80 tuổi, hộ nghèo phải đóng gần chục khoản cho thôn, xã để xây dựng nông mới. Nhiều gia đình phải đi vay mượn để nộp.

Gia đình ông Lý có 7 nhân khẩu. Cuộc sống chỉ trông chờ vào 4 sào ruộng nên con trai và con dâu gửi lại 2 con nhỏ 6 tháng và 2 tuổi cho ông bà, vào Nam làm thuê.

Cuộc sống của họ thêm chật vật khi 2 cháu nhỏ cũng thuộc diện phải đóng các loại phí quỹ cho xã, thôn như người lớn.

“Năm ngoái, gia đình tôi, tính cả 2 cháu nhỏ, phải đóng hơn 4,8 triệu đồng tiền xây dựng nông thôn mới, phải đi vay mới đủ. Năm nay tiếp tục đóng 4 triệu, bây giờ chưa biết xoay ở đâu”, bà Thể - vợ ông Lý cho biết

Theo phản ánh của người dân ở Cẩm Minh, năm 2017, 2018, bình quân mỗi hộ phải đóng từ 4-5 triệu đồng với hơn chục khoản. Đối tượng nộp gồm cả trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên, người già dưới 80 tuổi, hộ nghèo.

Những lời biện minh của chính quyền

Ông Trần Huy Oánh, Chánh văn phòng điều phối NTM tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Trong quá trình xây dựng NTM, các trường hợp như hộ nghèo, người tàn tật, người già neo đơn... không được ép buộc họ đóng và giao chỉ tiêu.

Tuy nhiên, các đối tượng ưu tiên miễn giảm ở 3 xã Phú Lộc, Song Lộc, Kim Lộc không được thôn, xã thông báo miễn giảm, hoặc vận động họ đóng góp tự nguyện, mà bắt buộc có nghĩa vụ phải nộp.

Ông Nguyễn Hải Sơn, trưởng thôn Kim Thịnh, xã Kim Lộc giải thích: Sở dĩ hộ nghèo và có chồng tàn tật như gia đình chị Tình (có chồng bị động kinh) cũng thu là do họ chưa thực sự nghèo khổ nên phải có nghĩa vụ đóng nộp như các hộ gia đình khác.

Chỉ vì họ chưa phải là những hộ nghèo thực sự nên vẫn phải đóng góp


Tất cả biên bản họp thôn ở xã Phú Lộc, hầu hết người dân tham gia không đồng ý các khoản mà xã, thôn có chủ trương thu.

Phó chủ tịch xã Phú Lộc Nguyễn Xuân Chương thừa nhận để xảy ra sai sót khi các biên bản lấy ý kiến dân chủ ở các thôn không có ý kiến dân biểu quyết về các khoản đóng góp.

Giải thích cho việc này, ông Nguyễn Quốc Việt, Chủ tịch xã Song Lộc nói: Xã Song Lộc được huyện Can Lộc đăng ký đạt chuẩn NTM vào 2018, nên muốn hay không cũng vận động hết đối tượng trong dân để hoàn thành mục tiêu mà trên đề ra.

“Xã có áp lực từ trên xuống dưới, nếu không đạt chuẩn đúng thời gian đã quy định, Chủ tịch xã phải chịu trách nhiệm, nhẹ thì bị khiển trách, thậm chí bị kỷ luật”, ông Việt nói.

“Không có chuyện dân chưa đóng tiền xây dựng NTM bị xã gây khó dễ trong làm các thủ tục, giao dịch. Tuy nhiên, có chuyện các trưởng thôn gửi danh sách các hộ chưa nộp tiền xây dựng NTM để nhờ xã can thiệp”, ông Việt phân trần.

Việc ông trưởng thôn Phúc Gia, xã Song Lộc xác nhận cho hộ gia đình chị Lài đã nộp đủ tiền ở thôn để chị Lài mới được UBND xã xác nhận vào hồ sơ, thủ tục hành chính là có. Biện minh cho những việc làm của những ông trưởng thôn được các ông lãnh đạo xã “đổ cho sức ép từ trên” là không có cơ sở.

Thiết nghĩ, cách làm nông thôn mới ở Hà Tĩnh xem ra chưa nhận được sự đồng thuận của người dân chỉ vì những khoản đóng góp chưa đủ như thế này. Hà Tĩnh cần xem xét lại cách làm ở nơi đây

Tác giả: Ngọc Thủy

Nguồn tin: Báo Kinh tế nông thôn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP