Tin Hà Tĩnh

Hà Tĩnh: Quy hoạch dang dở, doanh nghiệp 'chết lâm sàng'

Đầu tư hàng trăm tỷ đồng để đầu tư, xây dựng các nhà máy sản xuất với mong muốn tạo việc làm, thay đổi bộ mặt thành phố Hà Tĩnh. Nhưng, hoạt động được ít năm, 4 doanh nghiệp (DN) lâm cảnh “dở sống, dở chết” mấy năm liền. Thậm chí còn phải thuê người canh gác những đống sắt vụn. Đó là thực trạng tại khu tiểu thủ công nghiệp Bắc Quý (phường Thạch Quý, TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh).

Hầu hết doanh nghiệp tại cụm công nghiệp Bắc Quý đều “chết lâm sàng”.

Kiểm tra việc báo phản ánh

Ngày 4/3 vừa qua, báo Đại Đoàn Kết có bài viết “Sống bất an bên nhà máy giấy” phản ánh vấn đề ô nhiễm của Công ty (Cty) TNHH Trường An, ảnh hưởng đến môi sinh, môi trường của người dân phường Thạch Quý, TP Hà Tĩnh. Đáng nói, đây là DN sản xuất nhưng “được” tồn tại giữa khu dân cư đông đúc. Sau khi bài báo đăng tải, chính quyền TP Hà Tĩnh đã vào cuộc kiểm tra.

Trao đổi với PV, ông Lê Quang Đức- Phó Chủ tịch UBND TP Hà Tĩnh cho biết: “Sau khi tiếp nhận phản ánh từ bài báo, tôi đã giao cho Phòng Tài nguyên - Môi trường phối hợp với Phòng Kinh tế làm giấy mời, mời Sở Tài nguyên – Môi trường và các phòng ban chuyên môn như Phòng Cảnh sát môi trường (PC49) – Công an Hà Tĩnh, Trung tâm Quan trắc, Sở Tài nguyên và Môi trường…đến nhà máy giấy Trường An kiểm tra. Rất cảm ơn báo chí đã phản ánh, thứ sáu (ngày 9-3) sẽ thành lập đoàn kiểm tra vấn đề đó. Có kết luận của đoàn, chúng tôi sẽ thông tin cho PV”- ông Đức nói.

Mở rộng vấn đề, tại phường Thạch Quý không chỉ tồn tại mỗi nhà máy giấy của Cty TNHH Trường An gánh chịu hậu quả từ việc quy hoạch chồng chéo mà còn có 4 nhà máy nữa. Đó là, Cty CP TM Lý Thanh Sắc (sản xuất gỗ), Cty CP Lê Quang (sản xuất gạch), Cty CP DN trẻ Hà Tĩnh (sản xuất sơn) và 1 nhà máy sản xuất giấy khác của Cty TNHH Trường An. Hiện trạng của 4 nhà máy này tại khu tiểu thủ công nghiệp Bắc Quý đó là…đóng cửa hoặc hoạt động vật vờ.

Hạ tầng quá yếu kém

Cụm công nghiệp Bắc Quý được đưa vào khai thác sử dụng từ năm 2005 theo Quyết định 269/QĐ-UB ngày 13/4/2005 của UBND thị xã Hà Tĩnh. Cụm công nghiệp Bắc Quý ra đời lúc này với kỳ vọng là động lực thúc đẩy nền sản xuất công nghiệp của thị xã nhỏ bé - thị xã Hà Tĩnh cố gắng “chuyển mình” để lên thành phố.

Được sự khuyến khích, thu hút đầu tư nhiệt thành của chính quyền, gần 1 chục DN ào ạt vào đầu tư sản xuất, kinh doanh tại cụm công nghiệp Bắc Quý nhưng đến giờ đều đã “chết lâm sàng”. Nhà máy giấy Trường An, nhà máy sơn Pen-max, nhà máy gỗ Lý Thanh Sắc… lần lượt đóng cửa, ngậm ngùi gác lại giấc mơ làm ăn lớn.

Năm 2015, cả 4 công ty nói trên đều “ngoắc ngoải” và quyết tâm “cầu cứu” UBND tỉnh Hà Tĩnh. Đại diện cả 4 DN viết đơn kiến nghị lên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan.

Nội dung đơn phản ánh: Cụm công nghiệp Bắc Quý không có đường điện riêng của khu công nghiệp mà đấu chung với đường điện của dân; đường giao thông không đảm bảo cho xe có tải trọng lớn vào khu công nghiệp; hệ thống phòng cháy chữa cháy đã có nhưng không hoạt động; không có hệ thống xử lý nước thải, hệ thống thoát thải kém; khu công nghiệp gần với khu dân cư nên hệ thống chất thải như khói, bụi của các DN làm ảnh hưởng đến người dân; giá tiền thuê đất quá cao và không thống nhất; không thể mở rộng sản xuất vì vướng quy hoạch của UBND TP. Hà Tĩnh…

Ông Lê Văn Quế- giám đốc Cty TNHH Trường An cho biết, gần 8 năm nay nhà máy phải đóng cửa, hiện giờ vẫn phải thuê người canh gác tại nhà máy nhưng toàn bộ hệ thống, máy móc, nhà xưởng đã xuống cấp hoàn toàn, chỉ trơ lại đống sắt vụn.

“Nhà máy của tôi đóng cửa vì tại cụm công nghiệp Bắc Quý không có hệ thống xử lý nước thải, chung đường dân sinh nên dân không cho xe tải trọng lớn vào lấy hàng…Những bất cập này đã đẩy DN chúng tôi vào thế đóng cửa”- ông Quế nói.

Chủ Cty CP TM Lý Thanh Sắc - Đặng Ngọc Lý cũng xác nhận những vấn đề phản ánh, kiến nghị trong lá đơn mà các Cty gửi UBND tỉnh và các cơ quan liên quan là đúng sự thật. “Hiện tôi đã đóng cửa và cho Cty khác thuê đất để sản xuất rồi”- ông Lý cho hay.

Những DN đầu tư vào cụm công nghiệp Bắc Quý dường như đều chung số phận là “chết lâm sàng”. Trong đó, nguyên nhân chính là do quy hoạch, xây dựng hạ tầng không đến đầu, đến đuôi.

Đề cập đến nguyên nhân dẫn đến hệ quả này, ông Lê Quang Đức - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Tĩnh nhận định là do lịch sử để lại. “Cụm này ra đời đã lâu, khi đó dân cư còn thưa thớt, có nhiều cái mang tính chất lịch sử, thời kỳ đang là thị xã Hà Tĩnh, chưa lên thành phố. Trước sức ép phải thành lập cụm công nghiệp, tỉnh “nóng tay bắt lỗ tai”, chẳng có gì đúng mà cũng chẳng có gì sai. Bây giờ, những cái gì lạc hậu, bất cập thì thế hệ này phải điều chỉnh lại”- ông Đức nói.

Nói về hướng giải quyết đối với cụm công nghiệp Bắc Quý, ông Đức cho hay: Đối với cụm công nghiệp Bắc Quý, thẩm quyền cho thuê đất là của tỉnh, thành phố chỉ quản lý về mặt hành chính. Sắp tới sẽ quy hoạch lại, mở rộng cụm tiểu thủ công nghiệp Thạch Đồng để chuyển các DN ở cụm Bắc Quý về đây. Còn mặt bằng ở cụm Bắc Quý sẽ được chuyển đổi sang đất ở.

Theo lộ trình tại Quyết định số 3774/QĐ-UBND ngày 27/11/2013 của UBND tỉnh Hà Tĩnh về việc phê duyệt quy hoạch phát triển cụm công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2025, phải đưa ra khỏi khu vực nội thành, nhằm đảm bảo môi trường, cảnh quan đô thị thành phố. Phường Thạch Quý đang xây dựng phường chuẩn văn minh đô thị nên di dời khỏi đây là vấn đề tất yếu.

Tuy nhiên, khi các DN thiệt hại rất lớn, trách nhiệm này thuộc về ai? Mặt khác, chỉ còn hơn 1 năm nữa là đến hạn phải “xóa” cụm công nghiệp Bắc Quý nhưng hiện tại tỉnh Hà Tĩnh vẫn chưa ban hành kế hoạch cụ thể, khiến DN và người dân đang rất hoang mang.

Tác giả: Hạnh Nguyên

Nguồn tin: Báo Đại đoàn kết

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP