Tin Hà Tĩnh

Hà Tĩnh: Nỗi buồn của nhân viên Bưu điện sau 36 năm tận tụy với công việc

Gần trọn cuộc đời hoạt động trong ngành Bưu chính, từng được Chủ tịch tỉnh Nghệ Tĩnh tặng bằng khen và danh hiệu "Chiến sĩ thi đua", năm 2014 ông Trần Bình Sơn (sinh năm 1962) được cho nghỉ việc mà không được hưởng bất kỳ chế độ gì.

Ông Trần Bình Sơn đang trao đổi với PV.

Trao đổi với PV Báo điện tử Infonet, ông Trần Bình Sơn (trú tại xã Đức Thủy, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) cho biết, năm 1978, ông được nhận vào làm việc trong ngành bưu chính huyện Đức Thọ, đến năm 2014, ông bất ngờ nhận được thông báo nghỉ việc và không được hưởng chế độ 130 theo quy định.

Ông Sơn kể, trước đây công việc hàng ngày của ông là gom tất cả thư đi, chia thành từng địa bàn rồi giao cho một giao thông viên, đồng thời nhận thư, báo do họ mang đến rồi đi phát cho dân. Sau này chia thành từng cụm nên phải đến Bưu cục Chợ Giấy để giao, nhận.

Bằng khen của UBND tỉnh Nghệ Tĩnh trao tặng ông Trần Bình Sơn.

Năm 1983, với cương vị là Trạm trưởng Bưu điện xã Đức Thủy, ông Sơn được Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ Tĩnh tặng bằng khen “Đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua”.

Danh hiệu là thế nhưng thu nhập lại rất hạn chế. Ngày mới vào ngành, mỗi tháng ông nhận được 13 ngàn đồng. Những năm gần đây thì được 600 ngàn đồng/tháng. “Vì say mê với nghề nên tôi cống hiến được 36 năm, còn một số xã, người ta chỉ làm được một vài năm rồi nghỉ”, ông Sơn cho hay.

Nhớ lại những năm tháng hoạt động của mình, ông Sơn tâm sự: Trước đây, khi công nghệ thông tin chưa phát triển, điện thoại chưa xuất hiện, liên lạc giữa con người với nhau chủ yếu bằng những lá thư. Vì thế số lượng thư đến và đi nhiều vô kể.

Từ khi máy điện thoại bàn xuất hiện, tôi kiêm thêm việc thu cước phí hàng tháng. Địa bàn làm việc gồm các xã Đức Thủy, Đức Lâm, Trung Lễ (huyện Đức Thọ) với trên 600 đầu máy. Có những ngày tôi phải đạp xe từ 50-70km.

Cũng theo ông Sơn, niềm vui lớn nhất của người đưa thư là “vận chuyển” thông tin kết nối đến với người dân. Những lá thư của người lính từ đảo xa, thư của những người con đi làm ăn xa xứ về tay người thân, những bức thư mang theo Giấy báo nhập học từ các trường Đại học, Cao đẳng trong cả nước mang niềm vui tới cho bao học sinh, bao gia đình.

“Tôi được cho nghỉ nhưng không hề có thông báo bằng văn bản mà chỉ nhắn qua cô nhân viên trực điểm Bưu điện văn hóa xã. Sau đó tôi đến gặp Giám đốc Bưu điện huyện Đức Thọ thì ông ấy nói rằng các bác cứ yên tâm, rồi đây chúng tôi sẽ tổ chức một cuộc gặp mặt để trao đổi. Nhưng rồi cuộc gặp đó đến giờ vẫn chưa thấy”, ông Sơn kể.

Ông Sơn cũng cho biết, một số người ở các xã lân cận, cùng ngành và cùng thời gian công tác như ông đã được nghỉ chế độ 130. Dù ít, dù nhiều thì đó cũng là sự ghi nhận của chế độ.

Giấy xác nhận của Đảng ủy, chính quyền địa phương và người được hưởng chế độ 130.

Công văn của UBND huyện Đức Thọ yêu cầu Giám đốc bưu điện huyện kiểm tra và trả lời công dân theo quy định của pháp luật.

Trả lời PV về vấn đề ông Sơn phản ánh, ông Nguyễn Quốc Dũng - Giám đốc Bưu điện huyện Đức Thọ cho biết: “Sau khi nhận được đơn kiến nghị của ông Sơn và Công văn chỉ đạo của UBND huyện, chúng tôi đã tiến hành xác minh. Các trường hợp được hưởng chế độ 130 như đơn thư phản ánh là đúng sự thật. Họ có thời gian làm việc suốt 15 năm liên tục.

Còn trường hợp của ông Sơn, sắp tới chúng tôi phải làm việc với UBND xã Đức Thủy để nắm thêm thông tin trước khi tham mưu UBND huyện để giải quyết chế độ”.

Quyết định số 130/CP ngày 20/6/1975 của Hội đồng Chính phủ quy định chế độ đối với cán bộ xã công tác lâu năm nay già yếu nghỉ việc:

Cán bộ xã có đủ điều kiện sau đây, khi già yếu nghỉ việc được trợ cấp thường xuyên hàng tháng: cán bộ chuyên trách và nửa chuyên trách của xã khi già yếu (nam 55, nữ 50 tuổi) được cấp trên quyết định cho nghỉ việc hoặc bố trí công tác nhẹ hơn mà không có phụ cấp như cán bộ chuyên trách, nửa chuyên trách. Nếu có đủ 15 năm công tác giữ các chức vụ trưởng, phó ngành của xã trở lên, trong đó có 5 năm là cán bộ chuyên trách, hoặc nửa chuyển trách (được tính cả thời gian làm chủ nhiệm, phó chủ nhiệm, kế toán trưởng của hợp tác xã nhưng thời gian làm công tác Đảng, chính quyền phải nhiều hơn thời gian làm công tác hợp tác xã). Nếu bị kỷ luật phải thôi giữ chức vụ thì cả thời gian giữ chức vụ ấy không tính. Trường hợp chưa có đủ 15 năm giữ chức vụ trên nhưng có thời gian hoạt động trước cách mạng tháng Tám cộng lại đủ 15 năm cũng được tính để hưởng phụ cấp.

Tác giả: Dương Cầm - Đặng Sơn

Nguồn tin: Báo Infonet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP