Kinh tế

Hà Tĩnh: Bất cập dự án xây dựng Cầu Đồng Huề

Với số vốn đầu tư gần 13 tỷ đồng công trình Cầu Đồng Huề xã Vượng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống kinh tế, xã hội của nhân dân. Vậy nhưng ngược lại với niềm tin, kỳ vọng ban đầu khi dự án được triển khai xây dựng đã phát sinh rất nhiều bất cập.

Ông Bùi Đình áo trắng kiểm tra thi công tại hiện trường
Ông Bùi Đình áo trắng kiểm tra thi công tại hiện trường

Tổ chức thi công… “ hời hợt”

Dự án Cầu Đồng Huề do UBND huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) làm chủ đầu tư . Nguồn vốn từ ngân sách tỉnh, huyện và xã huy động các nguồn vốn hợp pháp khác. Cầu được khởi công từ giữa tháng 08 năm 2015, do công ty Tư vấn  Trung Nam( TP Vinh- Nghệ An) thiết kế, lập hồ sơ dự toán, Trung tâm Tư vấn  kỹ thuật Sở giao thông vận tải Hà Tĩnh giám sát; Phòng kỹ thuật thẩm định Sở giao thông vận tải Hà Tĩnh thẩm định hồ sơ. Công trình này do công ty TNHH Quốc Toản( địa chỉ ở huyện Đức Thọ) thi công, thời gian dự kiến sau 06 tháng sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng.


Bốc phong hóa sơ sài, rể cây nham nhở

Tại hiện trường PV Tri thức và Phát triển chứng kiến trong quá trình thi công đường hai đầu cầu nhà thầu không hề lắp đặt bất cứ một biển báo an toàn giao thông, an toàn lao động nào.  Mặc dù dù đây là tuyến đường nối từ đường trục Thiên Phú( từ Quốc lộ 1A qua các xã Vượng Lộc, Thanh Lộc…) các phương tiện tham gia giao thông rất đông.

Anh T một người dân ở xã Vượng Lộc bức xúc: Tôi là người thường xuyên qua lại trên tuyến đường này, nhiều lần chứng kiến cảnh người dân chen chúc nhau đi qua cầu, qua đường, có không ít trường hợp xe máy bị rơi xuống ruộng vì không có biển báo. Đặc biệt hơn Cầu Đồng Huề cũ bắc qua kênh Nhà Lê tàu thuyền qua lại thường xuyên nhưng khi thi công cầu mới ngay sát bên cạnh nhà thầu không hề có biển báo an toàn, phân luồng nên nhiều chiếc thuyền chở cát sỏi đã bị đâm đụng va quệt, may mắn chưa gây thiệt hại về người.

Công trình kém chất lượng…! hồ sơ chồng chéo?

Nếu như việc tổ chức thi công hời hợt, được chăng hay chớ gây mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông thì chất lượng công trình mới là vấn đề cần phải quan tâm xem xét.


Đất k95 chỉ có đá bở, đất đá tận dụng

Trên toàn tuyến đất được nhà thầu dùng để đắp nền đường toàn đá hộc, đá tảng không đảm bảo theo tiêu chuẩn kỹ thuật, có nhiều đoạn đất dồn thành từng đống lớn, sau đó cho máy múc san qua rồi lu lèn một cách sơ sài. Việc bốc phong hóa nền đường cũng bị nhà thầu cố tình bỏ qua, hay nói đúng hơn là có làm nhưng theo kiểu làm chiếu lệ. Chưa hết tại nhiều vị trí đã xuất hiện hiện tượng nền đường bị cao su, nước ùn ứ. Nhà thầu thi công cẩu thả, thiếu trách nhiệm, nhưng tại hiện trường không hề thấy bóng dáng của cán bộ kỹ thuật, cán bộ tư vấn giám sát, mọi việc phó mặc cho công nhân.

Ngược xuôi tìm kiếm mãi cuối cùng chúng tôi mới gặp được một người tự giới thiệu tên là Phong làm việc cho Công ty TNHH Quốc Toản. Ông Phong cho biết: Theo bản vẽ thiết kế công trình cầu Đồng Huề nền đường rộng 6,5m  được đắp bằng đất đồi hệ số đầm chặt k=0,95”, phong hóa 30cm, kết cấu mặt đường được thiết kế rất kiên cố ( bê tông max 300, mặt bê tông rộng 5,5m, dày 22cm).

Đất k95 chỉ có đá bở, đất đá tận dụng

Theo chúng  tôi được biết nếu nền đường  đắp theo tiêu chuẩn K= 0,95 thì phải dùng đất đồi đảm bảo thành phần hạt, độ ẩm và đắp, lu theo từng lớp tối thiểu 20cm đến 30cm ( theo tiêu chuẩn Quốc Gia do viện khoa học  Bộ XD và Bộ GT đưa ra).

Trước những biểu hiện bất thường của công trình, phóng viên hỏi ông Phong là nhà thầu đang thi công theo tiêu chuẩn nào thì ông này lung túng, không có câu trả lời thỏa đáng. Vòng vo một lúc, ông Phong từ chối làm việc với lý do muốn cung cấp thông tin nhà báo phải trực tiếp xin ý kiến Giám đốc công ty, nhưng hôm nay thì không được vì Giám đốc đang bận đi Hà Nội công tác.

Tại buổi làm việc với đại diện chủ đầu tư mà trực tiếp ở đây là ông Bùi Đình- Phó trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Can Lộc, chúng tôi phát hiện bản thiết kế công trình ghi mặt bê tông rộng 5,5m dày 22cm, max= 300,  không ghi loại đá gì. Nhưng  theo thông tin ông Bùi Đình cung cấp thì  mặt bê tông rộng 5,5m, dày 22cm max =250. Khi PV hỏi đá đổ bê tông là loại đá gì thì ông lục hết bản vẽ sang hồ sơ dự toán nhưng rốt cuộc vị này không đưa ra được loại đá gì, sau đó lấy lý do bây giờ tôi bận đi họp, hẹn anh dịp khác.

Xin được thông tin thêm khi PV xem hồ sơ dự toán do ông Đình cung cấp thì công trình ghi mặt bê tông rộng 5,5m, dày 22cm max =250pma đá 1×2 và đá 2×4. ( Hồ sơ dự toán có ghi loại đá, hồ sơ thiết kế thì không ghi ).  Cùng một dự án mà hồ sơ thiết kế, hồ sơ dự toán khác nhau phải chăng đây là sự mập mờ, đánh đố hay nói đúng hơn các bên liên quan cố tình bao che cho nhau để trục lợi, rút ruột dự án?

Tri thức và Phát triển sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc  về dự án Cầu Đồng Huề trong số báo tiếp theo với bài: Quản lý nhà nước “kiểu” tiếp tay… trục lợi?

Quang Toản – Kế Hùng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP