Tin Hà Tĩnh

Hà Tĩnh: Ai “bao che” cho hàng loạt sai phạm tại nhà máy gạch tuynel Bình Hà

Nhà máy gạch Tuynel Bình Hà thuộc Cty CP Việt Hà được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư và bàn giao đất năm 2009, với tổng diện tích 96.424,5m2. Trong đó, diện tích đất xây dựng nhà máy 32.818,7m2, diện tích đất nuôi trồng thủy sản 44.522,8m2, đất thương mại dịch vụ 19.083 m2, tại xã Thạch Điền, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.

Thời hạn thuê đất 50 năm; hình thức Nhà nước cho thuê đất trả tiền hàng năm. Tuy nhiên, doanh nghiệp này hoạt động không tuân thủ theo các quy định của pháp luật, nhiều hồ sơ không hợp lệ, không thực hiện nghĩa vụ đóng thuế…

Nhà máy gạch tuynel Bình Hà thuộc Cty CP Việt Hà - nơi còn nhiều tồn đọng về mặt hồ sơ cũng như thực tế quy hoạch.

Theo Biên bản kiểm tra số 08/BBKT – TCT ngày 23/4/2018 của tổ công tác, tại thời điểm kiểm tra nhiều hồ sơ không được xuất trình nên không thể xác minh được số liệu nhập kho, số liệu đất tồn để thực hiện nghĩa vụ thuế tài nguyên và phí môi trường theo quy định của pháp luật.

Doanh nghiệp không có sổ đăng ký nguồn chất thải nguy hại. Trong Báo cáo quan trắc môi trường định kỳ, đã thực hiện 2 lần trong năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018). Tuy nhiên vị trí lấy mẫu không đúng theo đanh giá tác động môi trường (ĐTM) đã được phê duyệt.

Mẫu nước xả thải không đúng vị trí (cách vị trí theo ĐTM là 300m); chỉ tiêu phân tích mẫu nước xả thải chưa đủ (14/17 chỉ tiêu); quan trắc tháng 6/2017 nhưng sử dụng kết quả lấy mẫu, phân tích tháng 9/2016.

Giấy phép khai thác khoáng sản số 2093/GP-UBND ngày 9/7/2009 của UBND tỉnh cấp cho Cty CP Việt Hà - Hà Tĩnh với diện tích 4,7ha, công suất 20.000m3/năm, thời hạn 5 năm thì đã hết hạn vào tháng 7/2014 nhưng doanh nghiệp vẫn hoạt động mà không bị cơ quan chức năng có thẩm quyền “tuýt còi”.

Ngày 6/01/2015, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 38/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản sét gạch ngói Bình Hà, thời hạn 03 tháng kể từ ngày có quyết định. Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, đơn vị chưa thực hiện nội dung theo đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Về hồ sơ tài chính, năm 2017, cCty đã nộp thuế tài nguyên 30.000.000 đồng, còn nợ 132.280.000 đồng; phí môi trường đã nộp 14.000.000 đồng, còn nợ 40.000.000 đồng.

Qua kiểm tra phiếu nhập kho năm 2017 (chưa có phiếu nhập kho năm 2016) chưa thể hiện đất tồn kho năm 2015, năm 2016. Sản phẩm xuất năm 2016 được quy đổi là 30.300m3 đất sét (chưa cung cấp phiếu nhập kho). Sản phẩm xuất năm 2017 được quy đổi là 31.315m3 đất sét (đã thể hiện phiếu nhập kho và kê khai thuế). Số đất còn tồn tại bãi khoảng 20.000m3 (chưa cung cấp phiếu nhập kho và chưa kê khai thuế). Hồ sơ hợp chuẩn hợp quy đã hết hạn năm 2014.

Hiện nay, các hạng mục công trình đã được đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động. Tuy nhiên, vị trí lắp đặt trạm điện không đúng quy hoạch đã được phê duyệt. Tại thời điểm kiểm tra doanh nghiệp đang xuất bán sản phẩm tại khu vực kho sản phẩm.

Theo quy hoạch, vị trí để sản phẩm là ao trữ lắng và hồ nuôi cá, thế nhưng Cty đã sử dụng 2000m2 để chứa sản phẩm gạch trên khu đất UBND tỉnh cho thực hiện dự án nuôi trồng thủy sản, giải trí, ẩm thực là không đúng mục đích, không đúng quy hoạch.

Theo quy hoạch, khu vực này là ao trữ lắng và hồ nuôi cá, thế nhưng Cty đã sử dụng để làm nơi chứa sản phẩm.

Có bố trí hệ thống thu gom nước thải nhưng không bố trí hồ lắng. Tại thời điểm kiểm tra không có nước thải, một số đoạn mương thoát nước bị hỏng, không bố trí các điểm thu gom rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp (không có hệ thống thùng đựng rác thải, thùng chứa dầu mỡ thải) theo ĐTM và quy hoạch đã được phê duyệt.

Rác thải không được thu gom triệt để như giẻ lau có dính dầu mỡ, gạch vỡ vụn, dầu mỡ trong xưởng cơ khí. Trên bãi chứa còn tồn khoảng 20.000m3 đất nguyên liệu.

Tại khu vực thực hiện dự án nuôi trồng thủy sản, giải trí, ẩm thực đã bố trí hệ thống cây xanh ở phần ranh giới phía Nam khu đất thực hiện dự án (đường vào nhà máy); đã đắp bờ phía Nam và phía Tây dự án; đã khai thác, tận thu đất tạo thành các ao hồ trên cả 02 khu vực của dự án nhưng chưa có hàng rào xung quang, biển cảnh báo nguy hiểm

Chưa đầu tư xây dựng các hạng mục công trình theo mặt bằng sử dụng đất đã được UBND tỉnh phê duyệt; chưa đưa đất vào sử dụng theo mục đích đã được UBND tỉnh cho thuê; đã khai thác, tận thu nguồn sản phẩm đất trên toàn bộ diện tích của khu vực dự án theo mặt bằng quy hoạch sử dụng đất; không đúng theo hồ sơ thiết kế đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định.

Chưa hoàn thành công tác đào đắp hệ thống ao hồ, hệ thống mương cấp thoát nước; chưa thực hiện hệ thống nhà hàng, nhà làm việc và hệ thống phụ trợ khác, theo yêu cầu của UBND tỉnh tại Văn bản số 3725/UBND-NL ngày 5/8/2016; chưa thực hiện các nội dung theo Bản cam kết về môi trường đã được xác nhận.

Với những sai phạm kéo dài nêu trên, câu hỏi đặt ra là liệu các cơ quan quản lý Nhà nước có đang “bao che” cho các sai phạm của doanh nghiệp đẩy người tiêu dùng rơi vào tình trạng “tiền thật, hàng giả” sử dụng VLXD không được công bố hợp chuẩn, hợp quy sản phẩm.

Báo Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc vấn đề này.

Tác giả: Phi Long – Trần Hoàn

Nguồn tin: Báo Xây dựng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP