Tin Hà Tĩnh

Điểm mặt hàng loạt công trình vốn ODA kém chất lượng ở Hà Tĩnh

Hàng loạt công trình thủy lợi, giao thông trên địa bàn huyện Đức Thọ và huyện Lộc Hà (tỉnh Hà Tĩnh) được đầu tư từ nguồn vốn vay Ngân hàng Châu Á, đã bị nứt gãy, sụt lún, xuống cấp nghiêm trọng, khiến dư luận bất bình.

Dự án phát triển nông thôn tổng hợp các tỉnh miền Trung - Khoản vay bổ sung vốn vay Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) được thực hiện trên phạm vi 6 tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận và Bình Thuận). Với tổng vốn đầu tư dự án là 92,5 triệu USD, trong đó vốn ADB (AFD ưu đãi) tài trợ là 85 triệu USD, vốn đối ứng 7,5 triệu USD.

Tại Hà Tĩnh, dự án được triển khai làm 5 dự án thành phần tại các huyện Kỳ Anh, Thạch Hà, Lộc Hà, Hương Khê, Đức Thọ, do Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Tĩnh làm chủ đầu tư, Ban Quản lý các dự án ODA quản lý trực tiếp. Với mục đích thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện sinh kế, tăng cơ hội việc làm, phục vụ nước tưới ổn định, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

Tuyến kênh nổi với chiều dài trên 100m ở xã Đức Quang “án binh bất động” gần một năm nay

Loạt công trình giao thông, thủy lợi sụt lún, nằm đắp chiếu

Tại huyện Đức Thọ, hàng loạt công trình thủy lợi, giao thông được đồng loạt triển khai xây dựng tại các xã Đức Quang, Đức La, Đức Thịnh, Yên Hồ, do Tổng Công ty Xây dựng NN&PTNT Thanh Hóa chịu trách nhiệm thi công.

Bể xả được kè bằng đá hộc nhưng đã bị sụt lún, nứt vỡ...

...tạo ra những khe hở rất lớn

Được tiến hành xây dựng vào cuối năm 2016, nhưng đến nay trạm bơm và hệ thống kênh tưới ở các xã Đức Quang, Đức La đang còn dang dở, chưa thể hoàn thiện để đưa vào sử dụng. Một số hạng mục đã bị xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng.

Phía dưới đáy kênh, chỗ tiếp giáp bể xả cũng bị sụt lún, tạo thành hang sâu đến 1,5m

Hai bên bể xả bị nứt kéo dài

Cụ thể, trạm bơm và hệ thống kênh tưới ở thôn Quang Lộc, xã Đức Quang đã “đắp chiếu” gần một năm nay.

Tuyến kênh nổi với chiều dài trên 100m vẫn còn dang dở, chưa thể kết nối với hệ thống dẫn nước ngầm qua làng ra đồng. Hệ thống cánh cửa nhà trạm chưa có.

Phần kênh dẫn nước vào bể hút nằm phơi đáy, trơ vơ không có đầu, không cuối.

Phần kênh dẫn nước vào bể hút nằm phơi đáy, không đầu không cuối

Nhiều hạng mục của công trình chưa hoàn thành nhưng bể xả của trạm đã bị nứt nẻ, sụt lún nhiều chỗ. Hai bên bể xả bị nứt nẻ kéo dài, đặc biệt chỗ tiếp giáp với kênh dẫn được kè bằng đá hộc nhưng đã bị nứt toác, tạo ra những khe hở lớn. Phía dưới đáy kênh cũng bị sụt lún, tạo thành một cái hang có chiều sâu khoảng 1,50m. Hai bên thân bể xả cũng bị nứt nẻ kéo dài. Phần móng của nhà trạm cũng được gia trát một cách sơ sài, một góc tường đã bị sạt lở.

Phần móng của nhà trạm cũng được trát phần tường móng sơ sài, một góc tường đã bị sạt lở

Công trình trạm bơm và hệ thống kênh tưới xã Đức La cũng cùng chung số phận. Thành mương bị rỗ từng mảng lớn, nhiều vết nứt dài xuất hiện từ đỉnh xuống đáy. Một đoạn mương dài cả trăm mét chưa đổ thanh giằng. Phía giáp với đường trục thôn, một đoạn mương chưa làm nên không thể kết nối với tuyến kênh chính.

Thành mương bị rỗ từng mảng lớn, nhiều vết nứt dài xuất hiện từ đỉnh xuống đáy, một đoạn mương dài cả trăm mét chưa đổ thanh giằng

Đoạn đầu của kênh N1 chưa hoàn thành nên không thể đấu nối vào kênh chính

Đặc biệt, ở giữa tuyến N1 này, một đoạn kênh dài khoảng 15m đã bị đổ sập, hư hỏng hoàn toàn. Từng khối bê tông vỡ vẫn nằm ngổn ngang tại chỗ. Trong đó có một khúc mương bằng bê tông, dài khoảng 1m, bị bật ra khỏi vị trí nhưng vẫn còn nguyên khuôn hình.

Một đoạn mương thuộc kênh N1 dài khoảng 15m đã bị đổ sập hoàn toàn.

Một khúc mương bằng bê tông, dài khoảng 1m, bị bật ra khỏi vị trí nhưng vẫn còn nguyên khuôn hình

Tại Lộc Hà, dự án đầu tư xây dựng hệ thống kênh tưới, tiêu, một số tuyến đường giao thông và nâng cao an toàn đập Khe Hao dưới, do liên danh Công ty CP tập đoàn Xuân Khiêm và Công ty TNHH Mạnh Linh, trú tại thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình trúng thầu, Công ty CP tư vấn Xây dựng Thủy lợi Hà Tĩnh làm tư vấn giám sát.

Đường liên xã vừa xong đã xuống cấp

Công trình đường liên xã Tân Lộc - Bình Lộc - An Lộc vừa mới thi công đã bị nứt gãy ngang

Trong đó, tuyến đường nối các xã Tân Lộc - Bình Lộc - An Lộc có chiều dài 3,56km, với tổng chi phí xây dựng trên 8 tỷ đồng, được liên danh Công ty CP tập đoàn Xuân Khiêm và Công ty TNHH Mạnh Linh “nhượng” cho Công ty 36 ở thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An trực tiếp thi công.

Công trình được thiết kế thành 2 tuyến. Đoạn từ Km0+00 đến Km2+051 có mặt đường rộng 5,00m, đoạn từ Km2+051 đến Km3+565m có mặt đường rộng 3,50m. Kết cấu áo đường tính từ trên xuống gồm lớp mặt đường bê tông xi măng Rb250, đá Dmax = 40mm dày 20cm; lớp bạt xác rắn; lớp móng cấp phối đá dăm loại II dày 15cm.

Nền đường lu lèn không đạt yêu cầu, chỉ cần bới nhẹ, đất đá đã bị bật lên

Tại hiện trường, đoạn đường từ Km0+00 đến Km2+051 cơ bản đã thi công hoàn thành. Tuy nhiên, một số vết nứt gãy ngang đường đã bắt đầu xuất hiện. Riêng đoạn từ Km2+051 đến Km3+565m có dấu hiệu thi công ẩu. Phần nền đường lu lèn không đạt yêu cầu, chỉ cần xới nhẹ, đất đá đã bị bật lên. Nhiều đoạn bị lún và xuất hiện tình trạng co dãn do nền đường quá yếu.

Đoạn đường này dường như không được lu lèn, mà chỉ gạt ra rồi đóng ván khuôn và đổ bê tông

Nhiều đoạn bị lún và xuất hiện tình trạng dãn nứt do nền đường quá yếu

Một người dân đi làm đồng cho hay: “Tuyến đường này ban đầu do một đơn vị khác làm, nhưng không hiểu vì sao từ đầu tháng 8/2018 lại chuyển cho đơn vị này. Họ làm dối lắm, nền đường dường như không được lu lèn, mà chỉ gạt ra rồi đổ bê tông lên. Đất đắp nền cũng thế, còn lẫn lộn nhiều hòn đá to”.

Một dự án sử dụng vốn vay trị giá hàng trăm triệu USD từ Ngân hàng Phát triển Châu Á mà chất lượng công trình như trên liệu đem lại hiệu quả gì?

Dư luận không khỏi nghi ngờ về năng lực của những đơn vị thi công, trách nhiệm của tư vấn giám sát và sự quản lý lỏng lẻo của chủ đầu tư.

Đón xem bài 2: Lạ đời Hà Tĩnh: Dự án ODA chưa làm xong đã bàn giao để... sử dụng

Tác giả: Trần Hoàn

Nguồn tin: Báo Infonet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP