Tin Hà Tĩnh

Đang xác định nguyên nhân sò chết trắng đầm, bãi

Cơ quan chức năng tại Hà Tĩnh đã gửi mẫu đi xét nghiệm để tìm nguyên nhân hàng chục ha sò nuôi tại huyện Cẩm Xuyên bỗng nhiên chết hàng loạt.

hững ngày gần đây, nhiều hộ dân nuôi sò trên khu vực Cồn Vạn, bãi bồi Cửa Nhượng, xã Cẩm Lĩnh và Cẩm Lộc huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh đứng ngồi không yên khi hàng tấn sò nuôi đến mùa thu hoạch đột nhiên chết trắng.

ông Phạm Ngọc Dũng (64 tuổi), trú xã Cẩm Lĩnh cho biết: "Hơn một tuần nay nước lên, xuống, tôi thấy sò trồi trên mặt cát, ngửa miệng ra chết. Số lượng sò của gia đình tôi bị chết gần 2 tấn, ước tính thiệt hại hơn 100 triệu đồng”.

Sò chết trắng đầm và bãi bồi.

Theo ông Dũng, mấy năm nay, ngoài mua sò người dân đánh bắt được để thả vào đầm, ông còn lấy giống từ Thái Bình về. Gia đình ông thuê vùng bãi bồi xã Cẩm Nhượng thả nuôi đã 11 năm, nhưng chưa bao giờ sò chết nhiều và phạm vi phổ rộng như năm nay. Ngoài việc mất trắng tiền đầu tư, do diện tích sò chết quá lớn, ông Dũng cũng như các hộ nuôi không dọn kịp, còn phải bỏ ra kinh phí để thuê nhân công về nhặt, cào số sò chết đem đi đổ để xử lý môi trường.

Theo số liệu thống kê, tính đến thời điểm hiện tại, xã Cẩm Lĩnh có 9 hộ dân nuôi với diện tích sò bị chết là 12 ha, xã Cẩm Lộc có 6 hộ với 12,2ha; tỷ lệ chết 70 - 80% diện tích nuôi.

Ông Trần Đình Lam, Chủ tịch UBND xã Cẩm Lĩnh cho biết, đến thời điểm này toàn xã có 15 hộ dân bị hiện tượng trên. Bước đầu, ước tính thiệt hại về kinh tế là hàng trăm triệu đồng, trong đó hộ bị thiệt hại nặng nhất khoảng 80%, hộ bị nhẹ cũng khoảng 40%. Sau khi sò chết, xã đã báo cáo lên cấp trên và cơ quan chức năng cũng đã về kiểm tra để tìm nguyên nhân.

"Nguyên nhân bước đầu, chính quyền cũng nhận định là rất có khả năng vì thời tiết. Đây là thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi đột ngột. Sự việc xã đã báo cáo phòng Nông nghiệp huyện về lấy mẫu kiểm tra và thống kê thiệt hại để xin hỗ trợ cho người nuôi", ông Lam nói.

Người dân đi nhặt sò đã chết để vứt đi.

Liên quan nội dung, trao đổi với PV, ông Lê Ngọc Hà, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Cẩm Xuyên cho biết, hiện tại, phòng đã lấy mẫu gửi ra chi cục Thú y vùng 3 để xét nghiệm, tìm nguyên nhân. Bên cạnh đó, phòng cũng đã báo cáo lên sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Tĩnh.

“Theo nhìn nhận ban đầu nguyên nhân có thể là do dịch bệnh, cũng có thể là do thời tiết. Đây là thời điểm giao mùa, sau khi một đợt lạnh liên tục kết thúc chuyển sang nắng, rồi tiếp đó thời tiết lại chuyển lạnh rồi lại chuyển nắng. Trước mắt, chúng tôi đã hướng dẫn người dân thu dọn, tránh ô nhiễm tại bãi. Đây là hình thức nuôi bãi triều tự nhiên nên rất khó trong việc kiểm soát; tất nhiên, cũng phải xem xét về yếu tố môi trường nước”, ông Hà nhận định.

Bệnh ký sinh trùng và nấm muốn phát sinh được cũng phải dựa vào môi trường.

Cũng theo vị Trưởng phòng, dịch bệnh trên sò có 2 loại chủ yếu là ký sinh trùng và nấm. Sò là loài nuôi chưa phổ biến nên việc kiểm soát giống đang rất hạn chế. Hiện tại, Phòng đang chờ kết quả xét nghiệm, biết rõ nguyên nhân để có phương án xử lý.

Tác giả: Ngân Hà

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP