Giáo dục - Đào tạo

10 vụ lình xình “tốn giấy mực” của ngành Giáo dục năm 2014

1. Hơn 600 học sinh không đến trường trong 3 tháng

Hơn 600 trẻ không được đến trường, Đề án mỗi học sinh một máy tính bảng, Hiệu trưởng sử dụng bằng giả để học đại học; Đề án 34 nghìn tỷ giảm còn hơn 400 tỷ… là những “sóng gió” mà ngành Giáo dục Đào tạo phải đối mặt trong năm 2014 khiến báo chí tốn không ít giấy mực.

Sự việc xảy ra sau khi khai giảng năm học mới và đến nay, khi học sinh các nơi đang chuẩn bị thi học kỳ 1 thì vụ việc mới được giải quyết.

Đó là chuyện xảy ra ở xã Hương Bình, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Cụ thể, từ năm học 2014-2015, 247 học sinh Trường THCS Hương Bình sáp nhập vào một trong hai trường cùng huyện. Bày tỏ sự phản đối, phụ huynh có con em đang theo học tại trường mầm non và tiểu học của xã Hương Bình cũng không cho học sinh tới lớp.

Cả Trường Tiểu học Hương Bình 253 em nhưng chỉ có 30 tới trường (ảnh chụp ngày 16.10). 

Vụ việc lên tới đỉnh điểm khi con số học sinh bị nghỉ học lên tới hơn 600 em. Sau nhiều lần đối thoại và sử dụng các chính sách hỗ trợ bất thành, chính quyền đã áp dụng các biện pháp như cách chức Phó Chủ tịch HĐND xã, cho hiệu trưởng tạm nghỉ việc để vận động cháu tới trường, và mạnh tay hơn là bắt giữ những người được cho là “kích động việc tổ chức phản đối”. Sau 3 tháng, vụ việc mới được giải quyết.

2. Đề án hơn 34 nghìn tỷ giảm còn… hơn 400 tỷ

Tháng 4.2014, tại phiên họp Thường vụ Quốc hội, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển trả lời con số “khái toán” cho đề án làm sách giáo khoa lên tới 34.275 tỷ đồng. Con số nghìn tỷ này ngay lập tức gây xôn xao dư luận và quan tâm của cả xã hội. Ngay sau đó, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã giải thích con số này là do… “sơ xuất trong tính toán”. Vì vậy, kế hoạch trình đề án ra Quốc hội vào tháng 5 bị hoãn lại.

Tới phiên họp Quốc hội cuối năm, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã trình lại đề án và được Quốc hội thông qua với 88,22% đại biểu tán thành. Con số tổng kinh phí dự kiến lúc này chỉ còn 462 tỷ đồng.

3. Đề án mỗi học sinh một máy tính bảng

Ngày 18.8, Sở GD-ĐT TP.HCM “trình làng” đề án “Mỗi học sinh một máy tính bảng” áp dụng cho hơn 330.000 học sinh tiểu học từ lớp 1 đến lớp 3 tại TP.HCM với kinh phí lên tới 4.000 tỷ đồng từ ngân sách thành phố và nguồn xã hội hóa.

Trẻ em dễ nghiện máy tính bảng (ảnh: computerworld Singapore) 

Theo đề án, toàn bộ chương trình SGK hiện tại sẽ được đưa vào SGK theo công nghệ 3D, được cài đặt vào thiết bị máy tính bảng để học sinh và giáo viên sử dụng.

Tuy nhiên, đề án vừa “trình làng” đã vấp ngay sự phản ứng gay gắt từ dư luận xã hội. Nhiều vấn đề được đặt ra xoay quanh đề án này như: Hiệu quả đối với học sinh là tốt hay xấu? Gánh nặng với ngân sách được giải quyết thế nào? Thậm chí, có lợi ích nhóm ở đề án này hay không?…

Tuy nhiên, những vấn đề này không được giải đáp thỏa đáng nên đến nay đề án vẫn đang dừng lại ở…dự thảo.

4.“Lùm xùm” Cambridge

Cũng liên quan đến ngành GD-ĐT TP.HCM trong năm 2014 là vụ việc liên quan đến chương trình tiếng Anh Cambridge.

Cụ thể, ngày 18.6, Sở GD-ĐT TP.HCM thông báo từ năm học 2014-2015, các trường tiểu học, THCS trên địa bàn TP.HCM sẽ ngưng, không tuyển sinh chương trình phổ thông Quốc tế của ĐH Cambridge. Thay vào đó, TP sẽ triển khai chương trình tích hợp của Bộ GD-ĐT Việt Nam và Bộ Giáo dục Anh. Kế đến, ngày 23.6, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục TP.HCM cho rằng, Sở đã liên hệ với Bộ Giáo dục Anh để xây dựng Đề án dạy Toán khoa học bằng tiếng Anh theo chuẩn tiên tiến.

Học sinh học chương trình Cambridge tại Trường Tiểu học Minh Đạo, quận 5- TP HCM. Ảnh: Tấn Thạnh/Người lao độngĐến ngày 25.6, Sở GD-ĐT TP.HCM có văn bản hướng dẫn các trường trên địa bàn thực hiện thí điểm dạy tiếng Anh chuẩn tiên tiến với 6 tiết/tuần. Ngày 28.6, Sở GD-ĐT TP.HCM gửi công văn tới 24 phòng giáo dục các quận huyện hướng dẫn về chương trình tích hợp. Học sinh theo học chương trình thí điểm được đánh giá kết quả học tập theo quy định hiện hành của Bộ GD-ĐT Việt Nam. Đồng thời, phải hoàn thành các bài kiểm tra, thi của cơ quan khảo thí trực thuộc Bộ Giáo dục Anh (STA).

Tuy nhiên, đến tối 30.6, Tổng lãnh sự Anh tại TP.HCM tuyên bố “không hề có bất cứ thỏa thuận nào” giữa Bộ Giáo dục Anh (DfE) hay Cơ quan Quản lý và khảo thí quốc gia Anh (STA) với Sở GD-ĐT TP.HCM về chương trình tích hợp này. Đến ngày 1.7, ông Lê Hồng Sơn khẳng định rằng Sở GD-ĐT TP.HCM chưa hề có tuyên bố nào liên quan đến nội dung đã có ký kết, thỏa thuận, hợp tác với Bộ Giáo dục Anh.

5.“Lùm xùm” tại ĐH Hoa Sen

Cũng khiến báo chí tốn nhiều giấy mực là câu chuyện ở Trường ĐH Hoa Sen (TP.HCM).

Cụ thể, ngày 2.8 tại ĐH Hoa Sen diễn ra cuộc họp bất thường của nhóm nhà đầu tư nắm 30% cổ phần. Tại cuộc họp, các cổ đông tranh luận gay gắt để bãi nhiệm lãnh đạo hiện hành và bầu hội đồng quản trị mới. Kết quả có 98,5% biểu quyết đồng bãi nhiệm ông Trần Văn Tạo (chủ tịch HĐQT), 98,75% biểu quyết bãi nhiệm bà Bùi Trân Phượng (hiệu trưởng).

Sau đó, Sở GD-ĐT TP.HCM đã có thông báo chưa công nhận Hội đồng quản trị (HĐQT) mới của Trường ĐH Hoa Sen tại đại hội cổ đông bất thường diễn ra vào ngày 2.8. Hiện vụ việc đang được kiện lên tòa án nhân dân TP.HCM.

6. Hiệu trưởng bị tố “vào khách sạn với vợ bạn”

Ngành Giáo dục Đào tạo năm 2014 đã “rúng động” bởi vụ việc PGS.TS.NGƯT Hoàng Trần Hậu, Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính – Marketing bị tố cáo vào khách sạn với một nhân viên trong trường.

Sau gần 1 năm các cơ quan chức năng vào cuộc đến nay vẫn chưa có kết luận cuối cùng. Hiện tại, ông Hậu được điều về công tác tại Trường Bồi dưỡng Cán bộ Tài chính (trực thuộc Bộ Tài chính).

7. Phó Hiệu trưởng bị tố cáo đạo văn

Cũng thu hút sự quan tâm của dư luận là vụ PGS.TS Nguyễn Cảnh Lương, phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội bị ‘tố’ đạo văn. Cụ thể, trong luận án của ông này bảo vệ năm 1996 bị tố là đã “chép lại gần 100%” nhiều nội dung trong luận án Phó tiến sĩ Khoa học của PGS.TS Đặng Văn Khải (bảo vệ năm 1986). Bộ GD-ĐT sau đó xác định nội dung tố cáo “đúng một phần”, không đủ cơ sở để kết luận ông Nguyễn Cảnh Lương không trung thực và không thu hồi học vị tiến sĩ.

8. Hiệu trưởng Tiểu học dùng bằng giả để… học đại học

Dù không học THPT nhưng để đủ điều kiện để học đại học, bà Đinh Thị Hồng Vân, Hiệu trưởng trường mầm non xã Xuân Lĩnh, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh đã gian lận bằng cách dùng bằng tốt nghiệp trung học phổ thông của người khác để hợp thức hóa việc này.

Với cách gian dối trên vị hiệu trưởng này đã qua mắt được các đơn vị chức năng và tốt nghiệp đại học năm 2006. Từ đó đến nay bà Vân đảm nhiệm chức vụ hiệu trưởng Trường mầm non xã Xuân Lĩnh và việc gian dối chỉ được phát giác khi người dân tố cáo.

Sau khi có tố giác của người dân Sở GD-ĐT tỉnh Hà Tĩnh đã vào cuộc thanh, kiểm tra bằng tốt nghiệp trung học phổ thông của bà Vân. Ngày 17.9.2014, Thanh tra Sở GD-ĐT Hà Tĩnh kết luận việc bà Đinh Thị Hồng Vân mượn bằng của bà Đinh Thị Vân là hoàn toàn đúng. Hiện Sở GD-ĐT Hà Tĩnh cũng đã thu hồi bằng tốt nghiệp trung học phổ thông mà bà Vân đã mượn của người khác.

9. Cô giáo tự tử tại phòng hiệu trưởng

Cô H.T.B.Q, giáo dạy môn lịch sử kiêm tổng phụ trách đội của Trường tiểu học Trung An (xã Trung An, huyện Củ Chi, TP.HCM) đã uống thuốc diệt cỏ để tự tử tại phòng hiệu trưởng chiều 27.10.

Nguyên nhân của vụ việc trên, theo trình bày của cô Q là do bị hiệu trưởng ép buộc phải nhận nhiệm vụ tổng phụ trách đội. Do áp lực công việc cô Q rơi vào trạng thái trầm cảm vì luôn bị khiển trách, kiểm điểm trước hội đồng sư phạm nhà trường.

10. Hơn 162 nghìn cử nhân đại học thất nghiệp

Hơn 162.000 cử nhân đại học thất nghiệp là số liệu được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; Tổng cục Thống kê và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) công bố.

Cụ thể, tính đến quý I-2014, có 162,4 ngàn người có trình độ từ đại học trở lên bị thất nghiệp (chiếm 4,14% tổng số người có trình độ này), tăng 4.300 người so với quý IV-2013 và tăng 39,4 ngàn người so với cùng kỳ năm ngoái (123 ngàn người).

Ngoài ra, cũng có 79,1 ngàn lao động có trình độ cao đẳng và 174 ngàn lao động có trình độ cao đẳng nghề, trung học chuyên nghiệp, trung cấp nghề, sơ cấp nghề thất nghiệp.

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP