Về Rào Tre hôm nay, chúng tôi nhận thấy bản đã có nhiều đổi thay. Con đường từ trung tâm xã Hương Liên dẫn về bản đã được rải nhựa sạch sẽ. Sự ấm no rạng ngời trên những khuôn mặt người dân. Đáng mừng hơn cả là sự đổi thay không chỉ ở những nếp nhà, con đường mới, mà còn ở chính nhận thức của đồng bào nơi đây.
Bộ đội Biên phòng, Tỉnh Đoàn và các ban, ngành địa phương trao quà cho đồng bào Chứt nhân dịp năm mới.
Đàn gà của bà Hồ Nam – Bí thư Chi bộ bản Rào Tre với hàng trăm con, mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình.
Sau hơn mười năm gắn bó với tinh thần “5 cùng”: Cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng biên giới và cùng nhau bảo vệ biên cương, người dân Rào Tre đã thực sự tin tưởng, coi người lính biên phòng như anh em. Bằng tình thương và trách nhiệm của những người lính mang quân hàm xanh, các chiến sỹ thuộc Trạm Biên phòng Rào Tre đã vượt mọi khó khăn, kiên trì vận động đồng bào học con chữ, hướng dẫn họ trồng cây lúa nước, chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Đời sống của người dân bản Rào Tre đã ấm no, đầy đủ hơn.
Từ cuộc sống du canh du cư, giờ đây người Chứt ở Rào Tre đã sống định canh, định cư với nhà cửa kiên cố, hệ thống nước sạch và công trình vệ sinh đảm bảo; nhiều hộ còn sắm được ti vi, xe máy và bắt đầu nghĩ đến việc tạo ra của cải để tích lũy. Mỗi khi ốm đau, bệnh tật, thay vì nhờ thầy Mo cúng bái như trước, người Chứt đã biết tìm đến trạm quân y của bộ đội biên phòng để được khám và chữa trị.
Nhà cửa được xây dựng khang trang, sạch đẹp.
Lứa lợn của hộ gia đình ông Hồ Bắc (bản Rào Tre) được Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh hỗ trợ đã cho xuất chuồng lứa đầu tiên.
Từ tháng 3/2015, Tỉnh Đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp cùng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh ra quân trồng chuối cao sản cho đồng bào dân tộc Chứt. Đến nay, chuối đang phát triển tốt, hứa hẹn cho thu hoạch năng suất cao giúp người dân cải thiện kinh tế.
Một góc bản Rào Tre hôm nay.
Mô hình chăn nuôi lợn với quy mô 10 con/lứa do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh hỗ trợ, bố trí đội thanh niên tình nguyện giúp đỡ, hướng dẫn cho đồng bào Chứt, cũng đã giúp người dân nâng cao thu nhập. Mô hình không những góp phần tăng thu nhập cho người dân, mà còn làm chuyển biến nhận thức, thói quen canh tác và tự chủ trong sản xuất cho đồng bào dân tộc. Ngoài ra, mô hình nuôi gà với quy mô trên 100 con cũng được phát triển tại nhiều gia đình trong bản.
Bài và ảnh: Hoàng Ngà