Nhân ái

Xót xa bé 11 tuổi mồ côi cha bị tiểu đường bẩm sinh

Dẫu nắng hay mưa, từ tờ mờ sáng người phụ nữ ngoài lục tuần lọc cọc trên chiếc xe đạp cũ đi quãng đường hơn 10km. Công việc hàng ngày của bà là quét dọn cho một nhà hàng để kiếm từng đồng lo thuốc thang cho đứa cháu ngoại 11 tuổi bị tiểu đường tuýp 1.

Đó hoàn cảnh của bà cháu Ngô Thị Xuân Lan (63 tuổi, trú số 260/2, đường Lê Hồng Phong, TP Quy Nhơn, Bình Định), đang nuôi cháu ngoại là em Lê Thị Bảo Linh (11 tuổi, học lớp 5D Trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn)- bị tiểu đường tuýp 1.

Gãy chân trên đường đi làm kiếm tiền chữa bệnh cho cháu

Không may mắn như bao đứa trẻ bình thường khác, Lê Thị Bảo Linh sinh ra đã mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo- bị tiểu đường bẩm sinh. Những tưởng em sẽ được sống những ngày tháng bình yên trong vòng tay bảo bọc của cha mẹ. Nhưng rồi chẳng bao lâu người cha dứt áo ra đi khi em còn rất nhỏ. Vài năm sau, mẹ em lại đi bước nữa, em phải sống với bà ngoại.

Bé Bảo Linh- bị tiểu đường bẩm sinh đang ôm em gái cùng mẹ khác cha

Chúng tôi gặp Linh khi em vừa mới xuất viện về nhà, thể trạng em không khỏe lắm nhưng trên môi cô bé luôn nở nụ cười ngầm hồn nhiên. Ngày hôm đó, mẹ ruột của em là chị Nguyễn Thị Ngọc Dung (38 tuổi) từ quê chồng thứ hai ở xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn, Bình Định (cách TP Quy Nhơn gần cả 100km) cũng vào thăm, chăm sóc em. Còn bà ngoại em, dù chân gãy vì tai nạn giao thông, đi lại còn cà nhắc nhưng bà vẫn đạp xe quãng đường hơn 10km làm thuê kiếm tiền lo thuốc men và trả nợ.

Trong căn nhà tập thể rộng chừng 20m2 đã xuống cấp, chị Dung cho biết: “Linh là con thứ 2 của tôi với người chồng trước, thật không may mắn khi cháu bị tiểu đường từ khi còn rất nhỏ. Bệnh của cháu chữa trị rất tốn kém, trong khi hoàn cảnh gia đình rất khó khăn rồi chồng tôi bỏ rơi 3 mẹ con. Vì hoàn cảnh kinh tế tôi phải gửi con cho bà ngoại, đi làm thuê xa kiếm tiền gửi về lo cho con”.

Hàng tháng, Bảo Linh phải 2-3 lần nhập viện, lần thì vào chữa trị lần thì vào cấp cứu vì ngất xỉu.

Thế rồi duyên số đưa đẩy, chị Dung đi bước nữa và có thêm 1 cô con gái vừa tròn 3 tuổi. Gia đình chồng cũng nghèo lại ở xa, phần thêm con nhỏ nên chị càng ít có điều kiện về nhà chăm sóc cho Linh. “Mẹ nào chẳng thương con, nhưng bệnh của cháu thường xuyên nằm viện tôi đành để cháu lại thành phố cho bà ngoại tiện chăm sóc. Phần tôi ở quê chồng, vừa lo con nhỏ vừa lo làm mướn, từ quét dẹp nhà thuê. Khi ghe tàu cập bờ, ai gọi đi chở tôm cá, chở người thì đi kiếm từng đồng bạc lẻ gửi vào cho bà ngoại lo cho cháu chữa bệnh. Lần trước, bệnh tình cháu bỗng nhiên nặng, gia đình đưa đến bệnh viện nhưng bác sĩ lắc đầu trả về. Tôi khóc lóc, van xin bác sĩ cứu được cháu thì cứu nên cháu còn sống đến giờ”, chị Dung tâm sự.

Chỉ khi nào Bảo Linh nhập viện, chị Dung mẹ cháu mới vào lo chăm sóc con vì phải lo làm kiếm tiền lo cho gia đình hiện tại và gửi tiền cho bà ngoại lo thuốc men cho Linh.

Chị Dung, kể tiếp: “Vừa rồi, bà ngoại cháu trên đường đi làm về khuya bị tai nạn gãy chân tôi phải bỏ việc, ôm theo con nhỏ vào đây lo cho 3 bà cháu. Còn chồng tôi thì đi biển cho các chủ tàu, thu nhập bấp bênh, con cái nhỏ lại bệnh phải chạy ăn từng bữa. Được cái anh ấy xem cháu Linh như con đẻ, thỉnh thoảng đi biển về bờ anh tranh thủ vào Quy Nhơn thăm cháu”.

Nhiều lần cháu ngất xỉu trên lớp học

Thấm thoát, Bảo Linh đã bước sang tuổi 11, đó cũng là khoảng thời gian dài đằng đẵng gần như một tay bà Lan gánh vác mọi công việc gia đình. Hàng ngày, tờ mờ sáng bà Lan đạp xe hơn 10km từ trung tâm TP Quy Nhơn lên Diêu Trì (huyện Tuy Phước) với công việc quét dọn cho một nhà hàng. Lương tháng bèo bọt nhưng tối khuya mới về nhà, hôm nào mệt quá thì bà ở lại nghỉ rồi mai làm tiếp.

Nhiều lần đang học trên lớp, Bảo Linh ngất xỉu phải đi bệnh viện cấp cứu.

“Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh ! Hoàn cảnh gia đình cô giờ vậy đó. Nếu cô không đi làm thì xoay đâu ra tiền mà lo thuốc chữa trị cho cháu. Cháu Linh bệnh nhưng rất ham học và học giỏi. Nhiều lần đang học trên lớp bị ngất xỉu, thầy cô giáo điện thoại báo gia đình rồi đưa đi bệnh viện cấp cứu, có lần đang thi học kỳ cháu cũng ngất xỉu phải bỏ thi. Tôi thương cháu lắm, có những đêm hai bà cháu nằm tâm sự, cháu nói với tôi rằng nó xem tôi như mẹ. Cháu ước có cha mẹ ở bên, khỏe mạnh để đến trường với thầy cô, bạn bè”, bà Lan ngậm ngùi nói.

Cô giáo Đỗ Thị Thanh Hằng, giáo viên chủ nhiệm lớp 5D, chia sẻ: “Bảo Linh là cô học trò đặc biệt của lớp, bởi em không may mắn như các bạn cùng trang lứa. Em Linh bị bệnh tiểu đường từ nhỏ nhưng em rất chăm học và ngoan ngoãn. Do bệnh tình của em ngày một nặng, có tuần em học chỉ 2 ngày, có khi em học 1 tuần thì nằm viện mất 2 tuần. Ở trường ai cũng biết và thương cho hoàn cảnh của em nên trường luôn tạo điều kiện để bồi dưỡng thêm cho em. Linh là học sinh thông minh, tiếc rằng em lại mắc phải bệnh hiểm nghèo khi tuổi đời còn quá nhỏ”.

Theo cô Hằng, vừa qua Ban giám hiệu nhà trường, hội phụ huynh trường cùng phối hợp kêu gọi thầy cô giáo trong trường quyên góp hỗ trợ giúp cháu phần nào chi phí chữa bệnh.

Hàng ngày Linh phải uống và chích thuốc rất tốn kém, trong khi bà ngoại thì cực khổ làm mướn kiếm từng đồng bạc lẻ

Hiện nay, Linh đang sống với bà ngoại là bà Ngô Thị Xuân Lan. Hàng ngày, bà Lan đi quét dọn thuê ở nhà hàng, thu nhập ít ỏi, lại còn nuôi anh trai của Linh đang học lớp 8. Riêng em Linh bệnh ngày một nặng, hàng ngày em phải uống và chích thuốc theo phác đồ bác sĩ kê. Chế độ ăn uống phải kiêng khem nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên em cũng chẳng có thức ăn ngon, hoa quả bồi bổ mà chỉ hạn chế ăn uống đồ ngọt.

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

1. Mã số 2813: Bà Ngô Thị Xuân Lan (bà ngoại cháu Lê Thị Bảo Linh)

Địa chỉ: Số 260/2, đường Lê Hồng Phong, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Điện thoại: 0942.607.805.

Tác giả: Doãn Công

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP