Xe khách ngang nhiên lấn chiếm lòng đường làm bến
Tại khu vực công viên Hòa Bình, thuộc quận Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội, nhà xe H.T chạy tuyến Hà Nội – Thái Bình nghiễm nhiên lấn chiếm lòng đường để làm bến đón trả khách và hàng hóa. Ngày 12/2, chiếc xe khách mang BKS: 17L-96xx vô tư chạy xuyên tâm TP. Hà Nội, “qua mặt” nhiều lực lượng chức năng để lên khu vực này trả khách.
Cũng hoạt động công khai với hình thức tương tự, tại khu vực đường Giải Phóng, đoạn gần cầu Ngã Tư Vọng, đối diện bến xe Giáp Bát và đường Pháp Vân gần bến xe Nước Ngầm, đều thuộc quận Hoàng Mai, tình trạng xe bắt khách dọc đường cũng xảy ra thường xuyên.
Theo ghi nhận, tại đường Pháp Vân, cửa ngõ ra khỏi trung tâm TP, các nhà xe chạy tuyến Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình thường xuyên bắt khách như: Nhà xe Y.H. (BKS: 18B-xxxx chạy tuyến Nam Định – Hà Nội), nhà xe T.T. (chạy tuyến Thái Bình – Hà Nội).
Nhà xe H.T ngang nhiên đón khách ở khu vực công viên Hòa Bình.
Điều đáng nói, không chỉ thời điểm cuối tuần, giờ cao điểm, mà bất kỳ thời điểm nào trong ngày cũng xuất hiện hình ảnh những chiếc xe khách cố tình chây ỳ, gần như không di chuyển hoặc đi chậm như rùa sau khi xuất bến.
Xe dù, bến cóc không chỉ gây phiền hà cho những hành khách đi trên xe, mà còn gây ra tình trạng ùn ứ, tắc nghẽn, lộn xộn bên dưới các tuyến đường gây ra nhiều hiểm họa, tiềm ẩn về an toàn giao thông.
Tình trạng này khiến hình ảnh giao thông xung quanh khu vực bến xe Mỹ Đình náo loạn, biến mọi nỗ lực cải thiện tình hình của các lực lượng chức năng thành… muối bỏ bể. Nhiều lái xe đã chia sẻ một cách thẳng thắn, bên trong bến xe vốn rất chật chội, thời gian đứng bến lại quá ngắn đã phải nhường cho xe khác vào, lượng khách lại rất ít.
Từ thực trạng này, dẫn đến việc các tài xế cố tình chạy dật dờ bắt khách dọc đường. Việc xe dù, bến cóc mọc lên, hoạt động rầm rộ trong thời gian vừa qua đã tạo nên một môi trường kinh doanh cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhà xe. Đây cũng chính là lý do khiến các nhà xe làm ăn chân chính đang hoạt động tại các bến xe trên địa bàn TP.Hà Nội vắng khách.
Xe dù tìm cách lách luật hoạt động sâu trong nội đô
Để tìm câu trả lời cho tình trạng này, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ông Khúc Hữu Thanh Hải – chuyên gia giao thông, với hơn 20 năm kinh nghiệm thực tế trong lĩnh vực kinh doanh vận tải hành khách.
Ông Hải bức xúc nói: “Tôi khá bất ngờ với tình trạng bến xe vắng khách còn xe dù, bến cóc lại có xu hướng mọc lên nhiều hơn so với trước đây. Có lẽ, thời buổi công nghệ đã làm thay đổi phương thức đi lại của người dân, nó tác động rất lớn vào vấn đề này. Tình trạng xe dù, bến cóc diễn ra khá phức tạp”.
Nói về nguyên nhân xe dù, bến cóc nở rộ, ông Hải phân tích: “Xe dù, bến cóc xuất phát từ sự bất ổn định trong hoạt động vận tải. Việc phân lại luồng tuyến chưa thực sự ổn định dẫn đến việc người dân không định hướng được việc đi lại. Do đó, để chắc chắn, họ đã chủ động liên lạc qua mạng xã hội và đặt xe online, xe dù… hoặc gom tiền đặt xe qua các ứng dụng như Grab, Uber, xe đi chung… Một nguyên nhân nữa là do các cơ quan, lực lượng chức năng chưa thực sự làm nghiêm, xử các nhà xe vi phạm”.
“Tóm lại, với sự trợ giúp tối đa của công nghệ, khách hàng giờ đây đã làm chủ được hành trình của mình. Với nhiều người, họ không cần phải ra bến để tìm xe nữa, mà lên mạng tìm, đặt chỗ, hoặc gọi điện thoại vào đường dây nóng của các nhà xe để đặt chỗ, hẹn nhà xe đến đón. Sau đó tìm địa điểm thuận lợi nhất rồi chờ đợi nhà xe đến để lên xe”, ông Hải nói.
Nhà xe đón trả khách ngay ngoài đường, phía sau bến xe Mỹ Đình
Cũng theo ông Hải, việc điều chuyển tuyến vận tải tại các bến xe ở Hà Nội cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý khách hàng. Người dân giờ ngại đến các bến xe vì đều xa trung tâm. Dùng các phương tiện khác ra bến thì vừa mất thời gian vừa tốn kém lại chưa chắc đã còn chỗ.
Thế nhưng, ngược lại, các dịch vụ của các đầu xe tạm gọi là xe đi chung, xe dù, xe trá hình… luôn nằm sâu bên trong nội đô với chất lượng dịch vụ vượt trội, sẵn sàng đón trả khách tại nhà khiến người dân thiện cảm hơn nhiều.
“Đời sống của người dân bây giờ tăng cao, sẵn sàng trả tiền cao hơn để hưởng dịch vụ tốt hơn. Còn họ không quan tâm đó có là xe dù hay không, miễn là họ được phục vụ đúng nhu cầu. Chúng ta không thể trách người dân được. Quan trọng nhất vẫn là khâu quản lý Nhà nước”, ông Hải nhấn mạnh.
Đưa ra quan điểm riêng về việc các dịch vụ dạng này nếu bùng nổ sẽ không chỉ đe dọa trực tiếp đến ngành vận tải hành khách tuyến cố định mà còn gây thất thoát nguồn thu cho Nhà nước, ông Hải nêu quan điểm: “Nếu muốn cải thiện tình hình, nhất thiết, các cơ quan quản lý phải tạo được sự ổn định trong hoạt động vận tải, từ đó hình thành thói quen đi lại của hành khách. Tạo những điểm đón trả khách hợp lý, nâng cấp chất lượng dịch vụ tại các bến xe để thu hút hành khách đến bến hơn nữa…”.
Trước thực trạng xe dù, bến cóc hoạt động ngang nhiên, không ít người đặt câu hỏi, vậy lực lượng chức năng ở đâu? Phải chăng công tác thanh, kiểm tra, giám sát của các lực lượng chức năng chưa quyết liệt, chưa thường xuyên, chưa quy được trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng xe dù, bến cóc?
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Trung Thành – Đội trưởng đội Cảnh sát giao thông số 6, Công an TP.Hà Nội cho biết: “Lực lượng của Đội không phải quá nhiều, nên nay tuần tra tuyến này, mai tuần tra tuyến khác. Bến cóc là thuộc quản lý của quận. Đội 6 cũng đã phối hợp với Thanh tra giao thông của quận Nam Từ Liêm kiểm tra, xử lý một số xe hoạt động vi phạm giao thông. Những xe vi phạm bị phát hiện không phải là xe dù, xe có bến, nhưng tranh thủ để bắt khách. Họ lợi dụng bắt khách ở những điểm gọi là trung tâm giao dịch, văn phòng của nhà xe. Tới đây, chúng tôi sẽ phối hợp với bên giao thông vận tải tiến hành kiểm tra, rà soát xử lý những xe vi phạm”.
Nhóm PV