Cũng theo ông Lâm, hai tuyến xe đầu tiên sẽ chính thức hoạt động vào tháng 6/2017 trên từ bến Bạch Đằng (quận 1) đi quận Thủ Đức. Sau đó, vào tháng 9/2017, sẽ tiếp tục hoạt động tuyến xe buýt đường sông từ bến Bạch Đằng đi quận 8, TP.HCM.
Cụ thể, tuyến xe buýt sông từ bến Bạch Đằng về quận Thủ Đức và từ quận 1 về quận 8 có giá khởi điểm 15.000 đồng/lượt. Đây là hoạt động nhằm nâng cao vận tải đường thủy nội địa, góp phần giảm ùn tắc giao thông đường bộ.
Trước đó, theo quy hoạch của công trình giao thông này, tuyến xe buýt sông số 1 sẽ có chiều dài 10,8km, từ bến Bạch Đằng đến bến Linh Đông, phường Linh Đông, quận Thủ Đức. Trên lộ trình này, xe buýt sẽ có 7 bến dừng tại các quận 1, 2, quận Bình Thạnh, Thủ Đức. Tuyến xuất phát đi từ bến Bạch Đằng ở quận 1, đi theo sông Sài Gòn, qua kênh Thanh Đa, quận Bình Thạnh, kết thúc tại bến Bình Quới (phường Linh Đông, quận Thủ Đức) và ngược lại.
Xe buýt sông hoạt động sẽ góp phần giảm tải ùn tắc cho giao thông đường bộ (Ảnh minh họa) |
Hành trình tuyến xe buýt sông số 2 là từ bến Bạch Đằng về Lò Gốm (quận 8) với chiều dài 10,3 km. Tuyến buýt này sẽ đi qua sông Sài Gòn, rạch Bến Nghé, kênh Tàu Hủ để tới các quận 1, 4, 5, 6 và 8 và ngược lại. Cũng trên hành trình này, xe buýt sẽ có nhiều bến dừng tại các quận 4, 5, 6, 8 nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại cho người dân.
Được biết, chủ đầu tư là công ty TNHH Thường Nhật, đầu tư theo dạng BOT. Giai đoạn đầu sẽ đầu tư 10 tàu xe buýt sông với sức chở tối thiểu 60 người/tuyến, với quãng đường gần 11 km, sẽ có mật độ 30 phút/chuyến. Như vậy, ước tính mỗi ngày 2 tuyến buýt đường sông sẽ vận chuyển 5000 hành khách.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Tô An, Trưởng phòng phòng chất lượng xe cơ giới, cục Đăng kiểm Việt Nam, cho biết: “Phương án tổ chức cho người dân được đi xe buýt sông theo tôi đánh giá là rất hay và nhiều tiện lợi, sẽ giúp người dân di chuyển từ quận ngoại thành vào thành phố nhanh chóng, không vất vả”.
“Thế nhưng, để có hiệu quả, tôi nghĩ cần phải đầu tư hệ thống chất lượng xe tốt, cách quản lý khoa học và đặc biệt, điều hành tốt giao thông để người dân không bị động, chẳng hạn như tổ chức các tuyến xe buýt đường bộ đón khách tại các bến xe buýt sông, giúp người dân đi lại tiện lợi. Nếu phương án xe buýt sông thành công sẽ góp phần giảm tải việc kẹt xe cho giao thông đường bộ”, ông Tô An nhận định.
Lành Nguyễn