Kinh tế

Xăng dầu tăng "phi mã", doanh nghiệp vận tải lao đao

Doanh nghiệp vận tải đường bộ vốn đã "khốn đốn" vì dịch Covid-19 lại càng thêm khó khăn khi giá xăng dầu tăng "phi mã".

Doanh nghiệp gặp khó khăn kép

Từ ngày 26/10, giá xăng E5 RON 92 tăng 1.430 đồng/lít, xăng RON 95 tăng 1.460 đồng/lít. Theo đánh giá, giá xăng dầu đạt ngưỡng cao kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây.

Điều này đã khiến doanh nghiệp vận tải rơi vào tình cảnh khó khăn chồng chất, vừa chịu tác động của dịch bệnh, vừa chịu tác động của việc tăng giá xăng dầu.

Là doanh nghiệp có hơn 70 đầu xe chạy tuyến cố định Hà Nội - Lào Cai, ông Lê Anh Dũng, Giám đốc doanh nghiệp vận tải hành khách Hà Sơn - Hải Vân (Lào Cai) cho biết, việc điều chỉnh tăng giá nhiên liệu trong giai đoạn hiện nay gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp vận tải. Do ảnh hưởng của dịch, hoạt động vận tải bị gián đoạn trong thời gian dài khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Cả doanh nghiệp vận tải hàng hóa và hành khách đều lo lắng khi giá xăng dầu tăng cao - Ảnh minh họa

Chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 20% doanh thu, đến nay tăng thêm khoảng 10% nữa khiến doanh nghiệp thêm gánh nặng. Ở giai đoạn bình thường chi phí nhiên liệu của Hà Sơn - Hải Vân khoảng hơn 4 tỷ đồng/tháng. Đến nay khi tăng giá xăng dầu, mỗi tháng doanh nghiệp sẽ mất thêm khoảng 400 triệu đồng. Giá xăng dầu tăng tác động rất lớn đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, khó khăn thêm chồng chất.

Doanh nghiệp hiện chỉ được hoạt động với 20% tần suất công bố nên rất khó để doanh nghiệp điều chỉnh giá vé.

Ông Nguyễn Công Hùng, Giám đốc taxi Mai Linh miền Bắc cho hay, dịch bệnh đã làm cho các doanh nghiệp taxi cạn kiệt nguồn lực. Doanh nghiệp không còn đủ sức để hỗ trợ người lao động. Giá xăng dầu tăng khiến họ không có thu nhập sẽ bỏ việc.

Hiện vẫn đang trong thời kỳ dịch bệnh, doanh nghiệp chỉ được hoạt động 50% số lượng phương tiện, doanh thu chỉ đạt 15 - 20% so với trước dịch, trong khi vẫn phải trả gốc, trả lãi ngân hàng và nhiều chi phí khác. Giá xăng dầu tăng bắt buộc doanh nghiệp phải điều chỉnh giá cước. Nếu không sẽ phải bù lỗ trong hoạt động kinh doanh.

Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng, việc điều chỉnh giá cước cũng không phải dễ do người dân vẫn còn e ngại đi lại bằng phương tiện công cộng. Doanh nghiệp phải điều chỉnh tăng giá cước lượng khách sẽ càng ít hơn. Tình trạng này sẽ đẩy doanh nghiệp vận tải vào thế khó khăn chồng chất khó khăn. Việc tăng giá xăng dầu khiến doanh nghiệp, người lao động, người tiêu dùng cùng chịu thiệt.

Để sống sót doanh nghiệp sẽ phải tự điều chỉnh lại quy mô, tiết giảm bộ máy, giảm chi phí, hạn chế tối đa điều chỉnh giá cước. Nhà nước có thể hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách giảm hoặc miễn thuế bảo vệ môi trường thu qua xăng dầu.

"Hiện trên thị trường có 2 loại xăng là A95 và xăng sinh học (E5). Trong đó, xăng E5 đã là loại xăng bảo vệ môi trường, doanh nghiệp hay người dân sử dụng loại xăng E5 thì không được thu thêm thuế bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, loại xăng này cũng không phụ thuộc vào giá xăng dầu thế giới nên cần bỏ thuế bảo vệ môi trường đối với loại xăng này", ông Hùng nói.

Còn ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hành hóa TP.HCM nhìn nhận, việc tăng giá xăng dầu bất ngờ sẽ khiến doanh nghiệp vận tải hàng hóa “lãnh đủ”. Hợp đồng vận chuyển với chủ hàng đã ký, nếu không có sự đồng ý chủ hàng sẽ khó tăng giá cước.

Ngay cả trong đợt bùng phát dịch Covid-19, doanh nghiệp chịu nhiều chi phí phòng chống dịch nhưng chủ hàng cũng không đồng ý tăng giá cước. Doanh nghiệp đang trong cảnh gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh các chi phí đầu vào vẫn phải giữ nguyên, trong khi vẫn phải chịu nhiều chi phí, việc tăng giá xăng dầu sẽ khiến doanh nghiệp chịu không nổi.

"Chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 40% giá thành vận tải, xăng dầu tăng thêm gần 1.500 đồng/lít sẽ khiến tỷ lệ này tăng lên khoảng gần 50% giá thành vận tải. Doanh nghiệp có lượng xe lớn, chạy nhiều sẽ mất khoản chi phí lớn cho nhiêu liệu nhưng lại không được tăng giá cước vận chuyển", ông Quản nói.

Cách tốt nhất là sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hôi Vận tải ô tô VN cho biết, doanh nghiệp sẽ phải tính toán nhiều khoản để cơ cấu ra giá thành vận tải từ khấu hao, bảo dưỡng sửa chữa phương tiện, lương lái xe, bộ máy quản lý và các loại thuế, phí. Trong đó, chi phí nhiên liệu hiện chiếm khoảng 35% cơ cấu giá thành vận tải. Nhà nước hiện không quản lý giá cước vận tải mà để doanh nghiệp tự quyết định, không loại trừ khi tăng giá nhiên liệu, doanh nghiệp sẽ tăng giá cước.

Theo ông Quyền, vận tải hành khách đang trong thời kỳ hiện nay, nhu cầu đi lại đang rất thấp. Thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, phương tiện chỉ được chở tối đa 50% số ghế ngồi. Giá xăng dầu tăng, doanh nghiệp vận tải muốn cân đối thu chi sẽ phải điều chỉnh, đưa ra giá cước vận tải mới phù hợp với đầu vào của vận tải. Điều này sẽ tác động tiêu cực, làm chậm thêm quá trình phục hồi thị trường vận tải và nhu cầu đi lại của hành khách.

"Việc tăng giá xăng dầu sẽ khiến doanh nghiệp vận tải phải tăng giá cước để bù đắp chi phí trong giá thành vận tải. Khi giá cước tăng cao sẽ tác động đến giá cả hàng hóa dịch vụ. Doanh nghiệp sẽ phải tính toán vào cơ cấu giá thành vận tải và cuối cùng thì người tiêu dùng sẽ phải gánh chịu hậu quả của việc tăng giá này", ông Quyền nói.

Liên quan đến cơ chế chính sách giảm thuế phí hỗ trợ tác động tăng giá xăng dầu cho người dân, doanh nghiệp, ông Quyền cho rằng, việc giảm thuế, phí để hỗ trợ doanh nghiệp cũng khó thực hiện vì sẽ tác động dây chuyền đến nhiều lĩnh vực. Ví dụ nếu giảm mức phí sử dụng dịch vụ đường bộ (phí BOT) sẽ liên quan đến lợi ích của nhà đầu tư, ảnh hưởng đến chính sách thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng.

"Nhà nước nên xem xét giảm thuế bảo vệ môi trường thu qua mỗi lít xăng dầu. Hiện nay, mức thu loại thuế này đang khá lớn từ 3.800 - 4.000 đồng/lít xăng dầu. Để giảm mức ảnh hưởng đến nền kinh tế, sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ nên xem xét điều chỉnh giảm thu loại thuế này. Cách này sẽ ít gây xáo trộn tác động dây chuyền đến các lĩnh vực có liên quan", ông Quyền đề xuất.

Còn theo ông Bùi Văn Quản cho rằng, trong trường hợp tăng được giá cước vận chuyển thì chi phí này cũng sẽ được tính vào giá thành sản phẩm và người dân sẽ gánh chịu. Chi phí sản xuất 3 tại chỗ, chi phí phòng chống dịch, chi phí tăng lương giữ chân lao động đang làm đội lên nhiều lần chi phí sản xuất của doanh nghiệp. Nếu giá xăng dầu không được bình ổn thị trường sản xuất sẽ biến động, trong đó thị trường vận tải hàng hóa không ngoại lệ.

Ông Lê Anh Dũng, Giám đốc doanh nghiệp vận tải hành khách Hà Sơn - Hải Vân (Lào Cai) đề xuất, Nhà nước huy động nguồn ngân sách hay nguồn thu từ quỹ bình ổn giá xăng dầu để kiểm soát giá nhiên liệu trong giai đoạn khó khăn hiện nay là cần thiết, giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, không chỉ hoạt động vận tải mà hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội đều chịu tác động trực tiếp hay gián tiếp của việc tăng giá xăng dầu. Giá xăng dầu tăng hay giảm hoàn toàn phụ thuộc vào giá thế giới nên giải pháp giảm bớt rủi ro bằng cách nếu giá thế giới tăng 1% thì trong nước chỉ nên tăng 0,9%. Hiện có 2 công cụ để giảm bớt sự tăng giá là quỹ bình ổn xăng dầu và thuế. Nếu sử dụng hai chính sách này hợp lý, sẽ giảm được tỷ lệ tăng của giá xăng dầu.

Tác giả: Trần Duy

Nguồn tin: Báo Giao Thông

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP