>> Hà Tĩnh: Hé lộ đường dây đưa người sang Angola bán dâm
>> Cô gái người Hà Tĩnh được giải cứu khỏi động mại dâm ở Angola
“Thị trường tự do” có tính rủi ro cao?
Trở lại Hà Tĩnh những ngày gần đây, câu chuyện xuất khẩu lao động sang Angola đã trở thành chủ đề râm ran trong các cuộc “trà dư, tửu hậu” của người dân. Để biết rõ hơn về thị trường XKLĐ sang Angola, chúng tôi đã đến sở LĐTB&XH tỉnh Hà Tĩnh tìm hiểu.
Người phát ngôn Sở này là bà Lê Thị Mai Hoa (phó giám đốc-PV) đã giới thiệu cho chúng tôi sang phòng Việc làm – An toàn lao động và Bình đẳng giới phụ trách mảng XKLĐ. Tuy nhiên, Trưởng phòng này đang đi công tác, chỉ có ông Nguyễn Xuân Thái (phó trưởng phòng-PV) cho biết: Angola hiện tại là một thị trường tự do, nghĩa là chưa có ký kết hợp tác lao động với Việt Nam. Theo đúng quy trình, để đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, trước hết hai nước phải ký kết thỏa thuận hợp tác lao động; tiếp theo, doanh nghiệp dịch vụ trong nước sẽ tìm kiếm cơ hội, nhu cầu sử dụng lao động ở nước tiếp nhận cụ thể và ký hợp đồng với đối tác. Cuối cùng, doanh nghiệp trình hợp đồng, đơn hàng, cơ quan quản lý sẽ thẩm định tính khả thi và cho phép tuyển dụng. Nếu chưa ký kết hợp tác lao động có nghĩa là sẽ rất khó bảo đảm hợp pháp và an toàn.
Đồng thời, ông Nguyễn Xuân Thái cũng khẳng định: “Bộ LĐTB&XH chưa cho phép bất cứ doanh nghiệp nào được đưa lao động sang Angola. Vì đây là một thị trường có nhiều rủi ro, môi trường làm việc không an toàn và có nhiều dịch bệnh cũng như các tệ nạn xã hội khác. Chính vì vậy người dân cần cảnh giác và hết sức cẩn trọng với những chiêu lừa đảo”.
Được biết, Angola mặc dù chưa ký kết hợp tác lao động với Việt Nam và cũng là “thị trường tự do” có tính rủi ro cao. Tuy nhiên, đã có rất nhiều lao động đã và đang sinh sống bất hợp pháp trên đất nước này bởi những lời hứa hẹn với công việc ổn định và mức lương hấp dẫn của các công ty, tổ chức và cá nhân môi giới. Tính đến năm 2012, Việt Nam đã có khoảng vài chục nghìn người sinh sống và làm việc tại Angola, trong đó có hơn 18 công dân Việt Nam bị mất mạng ở nơi đất khách quê người vì các tai nạn liên quan đến lao động và dịch bệnh (theo ghi nhận của Đại sứ quán Việt Nam tại Angola).
Ở Hà Tĩnh, chỉ riêng huyện Kỳ Anh đã có khoảng 1.200 lao động hiện đang sống và làm việc tại nước này. Số lao động này chủ yếu đi theo visa du lịch có thời hạn ba tháng hoặc visa lao động có thời hạn một năm sau đó ở lại sinh sống bất hợp pháp. Vì thế, việc hai nước chưa ký kết Hiệp định hợp tác nên hiện tại, mọi quyền lợi về kinh tế, pháp lý và ngay cả tính mạng, sức khỏe của người lao động Việt Nam ở Angola chưa được pháp luật bảo vệ.
Trường hợp của nạn nhân trong loạt bài phản ánh vừa qua, sở chưa nắm rõ được thông tin nên cũng chưa thể kết luận điều gì. Nhưng có thể khẳng định rằng việc đưa nạn nhân Angola là theo con đường XKLĐ không chính thống.
Trong visa của em Th. có ghi đầy đủ ngày sang và ngày về ở Angola.
Sẽ xác minh làm rõ?
Quay trở lại với lá đơn tố cáo của gia đình chị Ngô Thị Loan (mẹ nạn nhân Th.-PV), trú tại xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh), trong những ngày gần đây, chị chạy đôn chạy đáo khắp nơi với mong muốn sự việc được phơi bày ra ánh sáng để lấy lại sự công bằng cho con mình. Qua đó, có thể giải thoát cho những cô gái không may bị lừa sang nước này “làm gái” có cơ hội trở lại với gia đình, và mong sao sẽ không có thêm những cô gái hiền lành phải trở thành nạn nhân của những kẻ “sống dựa vào thân xác phụ nữ” nữa. Chị tâm sự: “Gia đình tôi thật sự may mắn vì cháu nó đã an toàn, nguyên vẹn trở về. Nhưng gia đình tôi và dư luận rất bức xúc trước những việc làm tán tận lương tâm của gia đình bà Xuyến. Cho dù thế nào, tôi cũng phải làm sáng tỏ chuyện này để những người không bị mắc lừa đường dây lừa đảo này”.
Theo một nguồn tin riêng của PV cho biết, sau khi nhận được thông tin, cơ quan điều tra (CQĐT) và báo chí đã vào cuộc, ông bà Xuyến đã trốn khỏi địa phương và phía bên Angola sau đợt truy quét của lực lượng Công an sở tại thì “động quỷ” của Hương đã phải “sơ tán”. Những cô gái bị Hương phối hợp với bố mẹ đưa sang làm gái đã bị ả gửi đi khắp nơi và hiện không rõ tung tích. Trong tình thế đó, gia đình chị Loan lại càng nôn nóng muốn làm sáng tỏ vụ việc để đưa những kẻ lừa đảo ra trước pháp luật.
Trao đổi về vụ việc theo đơn tố cáo của chị Loan gửi cho CQĐT tỉnh Hà Tĩnh, thế nhưng, chúng tôi lại rất khó tiếp cận làm việc với các cơ quan chức năng có thẩm quyền. Bởi tất cả dường như đều có chung một câu trả lời rất ngắn ngọn: “Chúng tôi cũng chỉ vừa mới nắm được thông tin”.
Mặc dù vậy, chúng tôi đã vô tình gặp được đồng chí Lê Anh Tuấn, cán bộ Đội Phòng chống Tệ nạn xã hội, thuộc Phòng PC45 , người trực tiếp xác minh vụ việc này, đồng chí cho biết: “Bây giờ, cảnh báo tình trạng trên thì được, chứ không thể cung cấp thêm được gì đâu. Vì báo chí đưa lên, bên Angola họ đọc qua mạng được nên đã tẩu tán đi nơi khác hết rồi biết đâu mà tìm (!?)”.
Sau đó, đồng chí Lê Anh Tuấn cũng đã cung cấp một số thông tin nhỏ giọt về vụ việc: “Hiện nay các bước tiếp theo là phải xác minh làm rõ, nếu giải cứu thì mình rất khó, vì địa chỉ nó cũng chưa rõ ràng, và đây cũng chỉ mới là một người dân gửi đơn trình báo. Sự việc xảy ra tận bên Angola, các chị đừng có nghĩ nó ở trong Sài Gòn. Bây giờ chỉ nói đơn giản là mình sang đó nó nói là do con bé này (em Th.- PV) nó không muốn làm ở đó nữa nên nó bỏ đi thì mình làm gì được nó? Đây mới chỉ là thông tin một chiều, cần phải xác minh”.
Liên quan đến vụ việc này, đồng chí Nguyễn Cảnh Toàn – Đội trưởng Đội Phòng chống TNXH, Phòng PC45 cho biết: “Chúng tôi mới chỉ nhận một cái đơn báo tin của một công dân gửi gần đây. Tôi đang cử cán bộ xác minh, trên cơ sở có thời gian xác minh, nếu có đầy đủ tài liệu khẳng định có dấu hiệu tội phạm xảy ra, thuộc thẩm quyền cấp nào sẽ chuyển cho cấp đó điều tra khởi tố. Nếu có dấu hiệu tội phạm hình sự xảy ra, trong trường hợp cần giải cứu người phía bên nước ngoài thì sẽ tổ chức điều tra ở đây và phối hợp với Interpol (Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế) để tổ chức điều tra và khởi tố theo luật định. Ở đây, hoàn toàn chưa nói lên được điều gì”.
Về phía chính quyền địa phương, đồng chí Bùi Văn Tuyến – phó trưởng công an xã Thạch Đài (Thạch Hà, Hà Tĩnh) cho biết: “Chúng tôi mới nhận được thông tin qua báo chí đăng tải và cũng đang tìm hiểu nắm bắt thông tin, chứ không nhận được đơn thư tố cáo nào. Hiện nay, lao động đi Angola ở địa phương rất ít, và những trường hợp đi Angola thủ tục đi người dân đều tự làm, phía Công an xã chỉ cấp giấy giới thiệu để làm hộ chiếu cho người dân làm thủ tục mà thôi. Chính vì vậy, việc nắm bắt thông tin cũng như quản lý về vấn đề XKLĐ là rất khó”.
Về vụ việc này, báo sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến và thông tin đến bạn đọc khi có thông tin mới.
Cần nhanh chóng giải cứu các nạn nhân
Sau khi hé lộ đường dây lừa đảo phụ nữ sang Angola làm gái mại dâm, nhiều người dân đã hết sức bất bình trước những việc làm “táng tận lương tâm” của các đối tượng, vì đồng tiền mà ép buộc những em gái vừa mới lứa tuổi đôi mươi phải làm trò “mua vui” cho những cuộc chơi “thể xác”. Họ thể hiện sự phẫn nộ và mong muốn cơ quan Công an bằng nghiệp vụ của mình sẽ phối hợp điều tra, nhanh chóng làm sáng tỏ vụ việc để đưa những người phụ nữ không may mắn trở về đoàn tụ với gia đình và sẽ không có những số phận bất hạnh phải chịu cảnh “bị bán thân” như vậy nữa. Đưa những kẻ phạm tội ra trước vành móng ngựa để răn đe những kẻ buôn người khác.
Phóng sự điều tra của Khánh Điệp
Người Đưa Tin