Các "thợ săn" kéo giỏ để bắt cá chình |
Săn cá chình còn khó hơn săn thú
Mắc kẹt bởi lũ nơi xứ Huế, vừa bước vào nhà trong cơn mưa nặng hạt, người ướt như chuột lột, tôi chưa kịp chào vợ, ôm con thì anh Bường - một người bạn quê, tay cầm con tôm càng xanh dài tới 35cm, nặng tới 4 lạng thịt lật đật chạy tới khoe. Tôi chưa hết ngạc nhiên vì con tôm đồng quá to, thì đã bị mấy người bạn kéo đi nhậu cá chình. Tưởng mấy người nói chơi cho vui, ai dè có thiệt. Một con tôm luộc đã đầy một đĩa thịt, món cá chình om chuối với 4 người lai rai, gật gù tâm sự.
Tôi thắc mắc sao mình ở hạ nguồn sông Bồ, ngay cửa phá Tam Giang giáp biển lại bắt được cá chình để ăn? Anh Hùng (Trương Minh Hùng, thôn An Xuân, xã Quảng An, huyện Quảng Điền, tỉnh TT.Huế) giải thích: "Cá chình là loại cá sinh nở ở biển, chứ không phải ở sông suối đâu. Là loài cá di cư, đến mùa sinh sản cá mẹ di chuyển từ những vùng nước ngọt, cửa sông ra biển và tìm chỗ thích hợp để đẻ trứng. Cá con sau khi nở trôi dạt vào bờ biển, cửa sông, vùng nước ngọt kiếm mồi và lớn lên. Chúng di cư ngược dòng nước chảy từ biển lên núi, đến khi lũ về cá chình thả mình xuôi theo dòng lũ để ra biển đẻ trứng. Đây là thời điểm để chúng tôi đi săn cá chình dưới dòng nước lũ".
Cá chình da trơn và khoẻ như con rắn nên phải nhốt vào giỏ lưới |
Để bắt được cá chình trên dòng lũ vô cùng vất vả, người "thợ săn" phải biết chọn đoạn sông độc đạo, nhưng nước không được quá chảy mạnh. Họ dùng lưới chặn ngang sông. Cá chình xuôi dòng lũ gặp lưới chúng liền tìm cách vượt qua. Chúng men theo thành lưới đến một lối thoát duy nhất chui qua, thế là vô tình đã chui vào cái giỏ lưới của người săn bắt cá.
Người "thợ săn" phải là người có sức khỏe tốt, bơi giỏi. Bởi lưới thường xuyên bị củi và rác trôi trên sông mắc phải, trên dòng nước chảy siết họ phải lặn xuống dòng sông để gỡ. Khi bơi trong lũ, họ phải buộc dây vào người, để lỡ gặp nạn người trên thuyền biết và kéo họ vào bờ an toàn. Chính anh Hùng đã có lần bị tụt dây lũ cuốn đi xa, nhưng do có sức khỏe, bơi tốt và vơ được khúc cây, nên anh đã thoát nạn.
Không chỉ "săn" cá chình, người dân còn bắt được nhiều loại đặc sản trên dòng nước lũ như tôm càng xanh... |
Làm giàu nhờ... lũ
Bắt đầu chập tối, chúng tôi bước lên thuyền, lênh đênh trên sông Bồ để "săn cá chình". Như anh Bường nói: "Cá chình ưa bóng tối và sợ ánh sáng nên ban ngày chúng thường tìm những nơi có ánh sáng yếu như các đám chà, hang, đám bèo để chui rúc, tối chúng mới đi ra kiếm mồi. Thường thì khoảng một đến 2 tiếng các anh kéo giỏ lưới lên để kiểm tra và bắt cá. Tuy nhiên, do sự tò mò của tôi, nên khi trời chưa tối hẳn các anh đã kéo giỏ cá lên xem thử. May mắn, đã có một con cá chui vào giỏ. Con cá đen nhánh, dài khoảng 1m. Thân hình nhỏ thon dài, nên thoạt mới nhìn tôi cứ tưởng nó là con rắn biển. Nó trườn cực nhanh, quẫy mạnh dưới khoang thuyền như con rắn, hết từ đầu này qua đầu khác hòng tìm cách thoát thân. Anh Hùng thử dùng tay không bắt nó, nhưng không tài nào bắt nổi.
Cá chình được ví như "vận động viên" vượt sông nên thịt nó săn chắc và thơm ngon, có giá trị dinh dưỡng cao. Nếu cá to từ 1kg trở lên, giá khoảng 500 ngàn đồng/kg. Cá dưới 1kg giá dao động trên dưới 400 ngàn đồng/kg. Nếu vào nhà hàng, người ăn phải chấp nhận giá khoảng 1 triệu đồng/kg. Một nhóm săn cá chình trên lũ cần 4 hoặc 5 người, một đêm bình quân thu được khoảng 10kg đến 15kg. Như vậy, trong khoảng 1,5 tháng mùa lũ trên sông Bồ, mỗi người có thể kiếm được trên dưới 50 triệu đồng.
Muốn bắt cá chình phải thức xuyên đêm |
Anh Hùng, có thâm niên 15 năm "săn cá" chình trên lũ, tâm sự: "Tôi theo thầy học bắt cá chình từ năm 1999. Theo như thầy tôi, phong trào bắt cá chình trên lũ có từ những năm 80 của thế kỷ trước và chính ông cũng giàu lên nhờ săn loài cá này. Về mùa khô, ông lên trên các miền núi, men theo các khe nước thật nhỏ vào ban đêm để đi tìm cá chình, vì chúng chuyên ngược dòng nước để kiếm ăn trên những ngọn đồi cao. Đến mùa mưa lũ, chúng thả mình trôi tự do theo dòng nước là chúng nhanh chóng xuôi về với biển để sinh sản. Lúc đó ông lại về hạ nguồn sông Bồ "săn cá" trên dòng nước lũ. Đến nay, ông đã giải nghệ, nhưng nhờ vào nghề săn bắt cá chình mà ông nuôi 4 người con ai cũng trưởng thành học hết đại học và đã đi làm".
Những năm trước, cứ đến mùa lũ là người dân các tỉnh TT-Huế, Quảng Trị, Quảng Bình bàn nhau lập nhóm, chặn sông săn bắt cá chình. Không chỉ có cá chình, mà các họ còn kết hợp đánh bắt được rất nhiều loài cá tôm. Có đêm bắt tới hàng chục ký cá khác ngoài cá chình...
Còn anh Bường vui mừng khoe: "Hai năm trước (2014, 2015), chúng tôi đấu khúc sông này mấy chục triệu nhưng không có lũ, nên lỗ vốn. Thấy vậy, năm nay chính quyền xã thương tình cho đánh bắt miễn phí, và năm nay lũ đổ về, chúng tôi lại bội thu cá chình".
Cá chình có khả năng thích ứng với sự biến động của độ mặn và nhiệt độ. Chúng có thể sống được ở nước mặn, nước lợ và nước ngọt. Với nhiệt độ biến động từ 1-38oC cá đều có thể sống được nhưng trên 12oC cá mới hoạt động mạnh và bắt mồi, nhiệt độ sinh trưởng là 13-30oC, thích hợp nhất là từ 25-27oC. Một năm chúng vượt hàng trăm km từ biển ngược các dòng sông lên núi kiếm ăn. Đến mùa lũ chúng lại trôi theo lũ ra biển để sinh sản. Vì vậy, thịt cá rất thơm ngon. Ngày xưa, cá chình chỉ có vua quan mới được thưởng thức. Theo những người săn bắt cá chình trên lũ, đã có người bắt được con cá to nhất đến 24kg. |
Tác giả: Văn Tư
Nguồn tin: Báo Giao thông