Văn Hoá Hà Tĩnh

Xã Kỳ Ninh vận động nhân dân thực hiện cưới theo nếp sống mới.

Ông bà ta quan niệm rằng: “Tậu trâu, cưới vợ, làm nhà. Cả ba việc ấy đều là khó thay”.

Từ xa xưa, cưới xin được coi như một nét đẹp văn hóa cổ truyền của dân tộc, là một nghi lễ không thể thiếu trong ngày trọng đại một đời người cho nên chúng ta thường hình thành nếp nghĩ phải tổ chức thật long trọng mới có ý nghĩa và đáng nhớ, mặc dù điều kiện kinh tế không cho phép. Việc tổ chức lễ cưới rình rang không chỉ gây tốn kém, mang lại hệ lụy kinh tế về sau cho các gia chủ mà còn gây phiền hà, lo lắng và trở thành gánh nặng đối với khách mời. Thế nhưng điều này đối với người dân xã Kỳ Ninh đã trở nên nhẹ nhàng hơn nhiều bởi một điều đơn giản người dân đã đồng tình thực hiện nếp sống văn minh, tiết kiệm trong việc cưới.

Thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TU ngày 20 tháng 3 năm 2012 của Ban thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ thị số 12 và Quy định số 300 của Ban Thường vụ Huyện ủy về xiết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, việc cưới, việc tang và lễ hội. Thời gian qua, bằng những hoạt động tuyên truyền, vận động của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể đối với cộng đồng dân cư về xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang đã tạo sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức, hành động của đại bộ phận dân cư trên địa bàn toàn xã. Theo mô hình này, lễ cưới được tổ chức bằng tiệc ngọt, bao gồm bánh kẹo, hoa quả và nước ngọt, lượng khách mời giới hạn trong nội bộ dòng tộc, cơ quan và bạn bè thân thích của cô dâu chú rể. Đặc biệt, tại các đám cưới hoàn toàn không có rượu, bia và thuốc lá. Niềm vui của cô dâu, chú rể được chia sẻ bằng những cái bắt tay, những cái ôm thắm thiết, những tràng pháo tay và cùng với đó là những lời ca tiếng hát của bạn bè. UBND xã Kỳ Ninh đã phối hợp chặt chẽ với Ban Quảng lý thôn xóm ra quy định với nội dung: Hộ gia đình nào có dự định làm đám cưới cho con phải báo cáo lại với ban quản lý thôn xóm và nộp số tiền (tiền đặt cọc) 5.000.000 trước khi lễ cưới diễn ra. Trong quá trình tổ chức đám cưới có đội bảo vệ trật tự của thôn xóm vừa làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự và ổn định cho đám cưới được diễn ra tốt đẹp đồng thời làm nhiệm vụ theo dõi trên các bàn tiệc, nếu như phát hiện ra một món ăn mặn, đội bảo vệ sẽ mời đại diện của gia đình ra ký biên bản vi phạm, đồng nghĩa với việc số tiền Năm triệu đồng sẽ không được hoàn lại cho gia đình mà được nộp vào nguồn quỹ của thôn, xóm. Từ khi quy định này ra đời đã được nhân dân trên địa bàn toàn xã đồng tình ủng hộ và nghiêm túc thực hiện.

Tháng 2 năm 2013 được xem là tháng lý tưởng cho việc tổ chức các lễ cưới. Trên địa bàn xã Kỳ Ninh đã diễn ra 14 đám cưới trong tháng này, theo thống kê của UBND xã thì có 12/14 đám cưới đã thực hiện tốt hình thức cưới hỏi theo nếp sống mới, mang lại một bầu không khí vui vẻ, chan hòa, ấm cúng và hạnh phúc trong ngày trọng đại của các cặp uyên ương. Chúng ta có quyền tin rằng với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể và các địa phương, sẽ có nhiều hơn nữa những đám được tổ chức với hình thức như thế để phong trào xây dựng nếp sống văn minh mới thật sự trở thành một làn sóng mạnh mẽ, lôi cuốn mọi tầng lớp nhân dân cùng tham gia.

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Phượng-VP Huyện ủy

Kỳ Anh

  Từ khóa: Kỳ Ninh , Nhân dân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP