Xã hội

Xã cho “đầu nậu” thuê bãi bồi giữa sông, dân bắt con cáy phải đóng phí “BOT”

Xã Hoằng Phượng, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa đã ký hợp đồng cho một cá nhân thuê bãi bồi giữa dòng sông Mã, đoạn chảy qua địa bàn để độc quyền khai thác thủy sản. Người dân địa phương muốn xuống bắt con cá, con cáy... phải đóng phí “BOT” cho người này, nếu không thì sẽ bị đe dọa, hành hung.

Theo phản ánh, tháng 5/2017, UBND xã Hoằng Phượng, huyện Hoằng Hóa đã ký hợp đồng cho ông Lương Quốc Quý (SN 1966), trú tại thôn 1, xã Hoằng Phượng được thuê lại bãi bồi giữa dòng sông Mã, đoạn chảy qua địa phương trong thời hạn 5 năm, với giá thuê là 25 triệu đồng (đóng tiền theo từng năm một). Ngoài nhiệm vụ giúp xã trông coi cát tặc hút trộm cát, ông Quý còn được xã để cho khai thác nguồn lợi thủy sản tại khu vực này.

Sau khi thuê được sông, ông Quý đã cấm tất cả người dân địa phương và người dân nơi khác không được tới khu vực này đánh bắt thủy sản (cá, cáy, tôm…). Nếu ai muốn đánh bắt thì phải nộp phí cho ông Quý, nếu không nộp sẽ bị ông này đe dọa thậm chí là hành hung. Số tiền phí phải nộp tùy thuộc vào số lượng thủy sản mà người dân đánh bắt được. Nó cũng tương tự như việc, các phương tiện tham gia giao thông đường bộ khi đi qua các trạm BOT thì phải đóng phí cho chủ đầu tư.

Cũng theo người dân nơi đây, khu vực bãi bồi giữa sông Mã, nơi xã cho ông Quý thuê, rộng hơn 70.000m2. Khu vực này có nguồn lợi thủy sản rất lớn, đặc biệt là vào mùa cáy, có ngày họ bắt được gần 1 tạ cáy (giá dao động từ 40 -80.000 đồng/kg). Đây là lý do chính mà ông Quý làm đơn xin và được xã cho thuê khu vực này trong nhiều năm qua.

Một phần bãi bồi giữa sông Mã được UBND xã Hoằng Phượng cho ông Quý thuê lại.

Ông Lương Văn Tấn (SN 1966), trú tại thôn 2, xã Hoằng Phượng cho biết: “Từ nhiều năm nay, lấy lý do được xã cho thuê nên ông Quý đã cấm tất cả mọi người không được xuống bãi bồi giữa sông để bắt cáy, cá … Nếu người từ vùng khác đến muốn bắt cáy thì phải nộp phí cho ông Quý. Người dân địa phương không chịu nộp thì ông ấy đe dọa, ném đá và thậm chí hành hung”.

Cũng liên quan đến việc độc quyền khai thác thủy sản, trong đó có con cáy mà ngày 6/9/2017, tại khu vực bãi bồi xã cho ông Quý thuê đã xảy ra một vụ án hình sự. Khi ông Tấn xuống bắt cáy thì bị ông Quý ngăn cản, dẫn tới 2 bên xô xát với nhau. Con trai của ông Tấn đã xông vào đánh ông Quý gãy tay.

“Con cáy dưới sông là tài nguyên của quốc gia. Tranh thủ ngày nhàn rỗi, dân chúng tôi xuống bắt một ít về cải thiện bữa ăn, nhưng ông Quý ngăn cấm vì cho rằng đó là của gia đình ông ấy. Chúng tôi phản ánh thì ông này cho biết đã được xã cho thuê thầu. Nhưng khi tôi lên hỏi xã thì xã nói là cho ông Quý thuê, nhưng người dân khác cũng được phép đánh bắt”, ông Tấn cho biết thêm.

Ông Nguyễn Văn Kiên, trú tại thôn 1, xã Hoằng Phượng cho biết, trước đó, khoảng 22h ngày 10/11/2017, ông ra bãi bồi giữa sông được xã cho ông Quý thuê để bắt cáy. Trên đường về, ông Kiên bị 3 người chặn đường, dùng tuýp sắt đánh ngất xỉu. Trước khi ngất, ông Kiên vẫn nhận ra được những người chặn đánh mình là dân địa phương. Sau đó nạn nhân đã làm đơn (cung cấp danh tính) cho công an xã đề nghị vào cuộc xử lý, nhưng vẫn không nhận được hồi âm.

Bà Hà Thị Cúc bức xúc trao đổi với PV việc bị ông Quý ngăn cản, đe dọa khi xuống sông bắt cáy.

Còn bà Hà Thị Cúc, trú tại thôn 1, xã Hoàng Phượng bức xúc cho biết: “Dựa vào việc mình đã được xã cho thuê nên ông Quý muốn độc chiếm bãi bồi giữa sông để khai thác cáy. Khi chúng tôi tranh thủ xuống bắt ít con về nấu canh thì bị ông này ngăn cản, đe dọa, thâm chí là ném đá và đổ cáy của chúng tôi xuống bùn giẫm nát”.

Theo quan sát của PV, khu vực bãi bồi giữa sông nơi UBND xã Hoằng Phượng cho ông Quý thuê rộng hàng nghìn m2. Đây là bãi cát do phù sa bồi đắp khá bằng phẳng và phần lớn thời gian trong năm đều bị ngập nước. Phía ngoài bãi bồi đã được chủ nhân của nó giăng lưới vây lại để đánh dấu “lãnh địa”. Cách đó không xa, gia đình ông Quý đã dựng một căn nhà cấp 4 từ nhiều năm nay để ở nhà “canh gác” khu đất của mình được xã cho thuê.

Ông Lương Quốc Quý cho rằng, khu vực này ông đã được UBND xã Hoằng Phượng cho thuê và phải trả tiền nên ông có quyền cấm người khác vào khai thác thủy sản, trong đó có bắt cáy. Còn việc cho thuê bãi bồi giữa sông có đúng quy định hay không là việc của chính quyền địa phương và ông không cần biết điều này. Ông này cũng cho biết thêm, bãi bồi này đã được nhiều đời chủ tịch xã cho ông thuê hàng chục năm nay, nhưng trước đó chưa lập hợp đồng như bây giờ.

Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Ngọc Hà, Chủ tịch UBND xã Hoằng Phượng cho biết, vào tháng 5/2017, ông đã ký hợp đồng cho ông Quý thuê bãi bồi giữa sông Mã với thời hạn 5 năm, mỗi năm giá thuê là 5 triệu đồng theo sự tham mưu của Phó chủ tịch UBND xã. Ông Hà cũng khẳng định, bãi bồi này được Nhà nước giao cho xã quản lý nên xã có quyền cho người khác thuê.

Hợp đồng thuê bãi bồi sông Mã giữa UBND xã Hoằng Phượng và ông Quý.

“Xã có tổ chức giao thầu cho ông Quý. Việc ông Quý gây ra các hành vi vi phạm pháp luật thì ông ấy phải chịu trách nhiệm. Xã không có chủ trương và cũng không có chỉ đạo cho ông Quý độc quyền khai thác thủy sản. Nếu xã cho thuê mà sai thì xin chịu trách nhiệm”.

Cuối buổi làm việc, ông Hà đã cung cấp cho PV một bản hợp đồng thuê đất công ích giữa UBND xã Hoằng Phượng và ông Lương Quốc Quý. Trong đó, tại khoảng 5, điều 1 của hợp đồng này quy định: “Mục đích sử dụng đất thuê: Đánh bắt thủ công tôm cá khu vực bãi bồi mà không ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và biến dạng khu đất bãi bồi”.

PV đã chuyển thông tin xã Hoằng Phượng cho ông Quý thuê bãi bồi giữa sông Mã khiến người dân bức xúc tới ông Lê Sỹ Nghiêm, Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa. Sau khi tiếp nhận, ông Nghiêm cho biết, huyện sẽ cho kiểm tra thông tin trên, xử lý theo quy định của pháp luật.

Tác giả: Xuân Chinh

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

  Từ khóa: BOT , thanh hóa , đầu nậu

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP