WHO cho biết ông Peter Ben Embarek, nhà khoa học Đan Mạch chuyên về các bệnh động vật truyền nhiễm sang con người, bị cách chức vào năm 2022. Người phát ngôn của WHO Marcia Poole cho biết: "Ông Peter Ben Embarek đã bị sa thải vào năm ngoái sau những phát hiện về hành vi sai trái tình dục và đang áp dụng quy trình kỷ luật tương ứng".
Người phát ngôn của WHO Marcia Poole nói với hãng tin Reuters rằng các khiếu nại dẫn đến việc ông Ben Embarek bị sa thải là từ năm 2015 và 2017.
WHO đã biết về các cáo buộc vào năm 2018 nhưng không có hành động xử lý nào vào thời điểm đó. Quá trình điểu tra mất vài năm, theo tờ Financial Times.
Tuy nhiên, người phát ngôn của WHO không cung cấp thêm thông tin chi tiết.
Một số người biết vụ việc này nói với Financial Times rằng cáo buộc quấy rối tình dục liên quan đến một đồng nghiệp trẻ tuổi hơn ông Ben Embarek. Những cáo buộc đối với ông Ben Embarek không thể được "điều tra đầy đủ" vì các nạn nhân từ chối "tham gia vào quá trình điều tra".
Chuyên gia Peter Ben Embarek của WHO cầm biểu đồ cho thấy các con đường lây truyền virus trong cuộc họp báo chung vào cuối cuộc điều tra chung của WHO và Trung Quốc về nguồn gốc COVID-19 ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, hồi năm 2021. Ảnh: AP |
Trả lời hãng tin Reuters, ông Ben Embarek bác bỏ cáo buộc quấy rối tình dục. Ông nói rằng vụ việc năm 2017 "đã được giải quyết ngay lập tức theo cách thân thiện". Ông Ben Embarek từ chối bình luận thêm vì ông và WHO bị ràng buộc bởi các thỏa thuận bảo mật cho đến khi đạt được giải pháp.
Ben Embarek cho biết trong một tin nhắn: "Tôi không biết về bất kỳ khiếu nại nào khác và không có khiếu nại nào khác".
Theo tờ The New York Post, ông Ben Embarek có thể đưa ra phản đối thông qua hệ thống tư pháp nội bộ của Liên Hiệp Quốc.
Ông Ben Embarek là quan chức cấp cao nhất của WHO bị sa thải kể từ khi cơ quan này tiến hành một loạt cải cách liên quan đến những đối tượng có hành vi sai trái tình dục. Hồi cuối tháng 4, WHO sa thải bác sĩ người Fiji, Temo Waqanivalu, vì có ít nhất 3 đơn tố cáo về hành vi sai trái tình dục kể từ năm 2017.
WHO cũng xem xét lại việc xử lý các trường hợp có hành vi sai trái và lạm dụng tình dục sau khi cuộc điều tra năm 2021 phát hiện hơn 80 nhân viên cứu trợ, trong đó có một số người làm việc cho WHO, có hành vi lạm dụng và bóc lột tình dục khi đang làm việc trong giai đoạn khủng hoảng dịch bệnh Ebola ở Congo.
Bà Poole nhấn mạnh "hành vi sai trái tình dục dưới bất kỳ hình thức nào của bất kỳ ai làm việc cho WHO, dù là nhân viên, chuyên gia tư vấn hay đối tác, đều không thể chấp nhận được".
Ben Embarek là một trong những quan chức WHO thẳng thắn nhất về nguồn gốc của dịch COVID-19. Ông đại diện cho tổ chức này với tư cách là điều tra viên chính trong chuyến đi tới Trung Quốc năm 2021 để làm rõ nguồn gốc của căn bệnh chết người này. Nhóm nghiên cứu kết luận rằng rất có thể COVID-19 bắt nguồn từ loài dơi trước khi dịch bệnh lây sang người. Họ cũng xác định rằng khả năng rò rỉ từ một phòng thí nghiệm Trung Quốc là "rất khó xảy ra" mặc dù các nhà khoa học khác đã kêu gọi điều tra thêm theo hướng này. |
Tác giả: Huệ Bình
Nguồn tin: Báo Người Lao Động