Kinh tế

Vượt lên khó khăn, Hà Tĩnh có bước phát triển khá toàn diện

Chiều 30/6, Chính phủ tiếp tục phiên họp thường kỳ tháng 6 nhằm đánh giá tình hình KT-XH, QP-AN, đối ngoại, kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ tháng 6 và 6 tháng đầu năm; thảo luận và định hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2014. Tại điểm cầu Hà Tĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự có bài phát biểu với nhiều ý kiến quan trọng.

Chính phủ Việt Nam đảm bảo an toàn về người, tài sản cho DN trong và ngoài nước
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cùng lãnh đạo các bộ, ngành trung ương và tỉnh Hà Tĩnh thăm Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1

Báo cáo với Chính phủ về tình hình KT-XH của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự nhấn mạnh, mặc dù thời gian qua, tình hình chính trị, kinh tế, an ninh quốc tế, khu vực trong nước còn nhiều diễn biến phức tạp nhưng Hà Tĩnh vẫn có những bước phát triển khá toàn diện. So với cả nước, Hà Tĩnh là tỉnh có chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế cao nhất: GDP tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2013 (tăng 3%), chỉ số phát triển công nghiệp – xây dựng là 18,6%, nông nghiệp gần 4%, dịch vụ tăng 16,58%, kim ngạch xuất khẩu tăng gần 30% (xuất khẩu thủy sản tăng 23%), nhập khẩu tăng 1,7 tỷ USD (gấp 10 lần so với cùng kỳ năm 2013, nhờ việc nhập khẩu máy móc thiết bị của dự án FORMOSA).

Về xây dựng nông thôn mới, trong 6 tháng, tỉnh có thêm 4 xã đạt 19 tiêu chí, nâng các xã đạt chuẩn nông thôn mới của Hà Tĩnh lên 11 xã; hoàn thành cơ bản và tái cấu trúc kinh tế nông nghiệp, đã có 2.630 mô hình SXKD trong các lĩnh vực nông nghiệp với nhiều sản phẩm chủ lực, có doanh thu từ 100 triệu đến 60 tỷ đồng, giải quyết hàng chục vạn lao động. Tổng kết nghị quyết “tam nông”, Hà Tĩnh đã khẳng định cần có liên kết hóa, xã hội hóa, doanh nghiệp hóa trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm để nông nghiệp phát triển bền vững.

Về SXKD, trong 6 tháng đầu năm, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 270 doanh nghiệp với số vốn đăng ký 2.500 tỷ đồng, cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 28 dự án trong nước với số vốn đăng ký 3.200 tỷ đồng, 2 dự án nước ngoài có số vốn đầu tư 26 triệu USD. Tại Khu kinh tế Vũng Áng, các doanh nghiệp cơ bản trở lại hoạt động bình thường, gần 3 vạn lao động thường xuyên có mặt trên công trường, trong đó 2.030 lao động là người nước ngoài đến từ 31 quốc gia…

Thời gian qua, Hà Tĩnh đã huy động cả hệ thống chính trị xử lý đơn thư khiếu nại, tăng cường quản lý nhà nước, thanh tra xử lý trên các lĩnh vực khoáng sản, xây dựng cơ bản, đất đai nên tình hình chính trị trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, nội bộ nhất trí cao. Các dự án lớn như: Dự án cấp nước cho Khu kinh tế Vũng Áng, Thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang, Nâng cấp QL 1A… tiếp tục được đẩy nhanh tiến độ, công tác giải phóng mặt bằng – tái định cư luôn được thực hiện nghiêm.

Rơi từ độ cao 30m, một công nhân tử vong
Dự án Thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang được đẩy nhanh tiến độ

Chủ tịch UBND tỉnh kiến nghị đoàn công tác liên bộ do Chính phủ thành lập tiếp tục vào Hà Tĩnh xử lý các đề xuất của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FORMOSA.

Hà Tĩnh cũng đề nghị Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp kinh phí đối với các công trình khắc phục bão lụt còn tồn đọng từ 2010 đến 2013, nhất là các công trình giao thông, thủy lợi cầu, cống, hồ, đập nhằm đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão sắp tới. Đối với nhà ở tránh bão lũ, đến nay, Hà Tĩnh đã làm thí điểm thành công 100 nhà tại các huyện Vũ Quang, Hương Khê, Hương Sơn… Tỉnh mong muốn Chính phủ tiếp tục có các chương trình giúp đỡ các gia đình vùng trũng đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ.

Về nhà ở xã hội, đề nghị Chính phủ tăng mức cho vay, tăng thời gian cho vay, mở rộng các đối tượng cho vay là công nhân, công chức, viên chức nhà nước, lực lượng vũ trang. Tại các khu kinh tế, việc ở tập trung sẽ đảm bảo an ninh, đảm bảo môi trường và các chế độ xã hội. Riêng Khu kinh tế Vũng Áng, Chính phủ đã hỗ trợ 100 tỷ đồng, tỉnh đã bỏ ra 50 tỷ đồng xây dựng nhà ở cho hơn 6 ngàn công nhân, song, hiện nguồn vốn còn thiếu 273 tỷ đồng nên kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành tiếp tục hỗ trợ để đến cuối năm nay có thể đưa vào sử dụng.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng mong muốn Chính phủ có các chính sách thông thoáng, hấp dẫn để khuyến khích các doanh nghiệp hướng vào nông nghiệp, nông thôn, nông dân, tăng giá trị sản xuất trong nông nghiệp lên 4 đến 5 %. Bởi, thời gian qua với sự vào cuộc của các doanh nghiệp, Hà Tĩnh đã có bước chuyển mạnh trong tái cấu trúc ngành nông nghiệp, giải quyết việc làm, đưa công nghệ vào sản xuất chế biến tiêu thụ sản phẩm, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Để đảm bảo phát triển KT-XH gắn với an ninh biên giới, an ninh biển đảo, đề nghị Chính phủ tăng cường đầu tư cho các đảo ven biển, trong đó có đảo Sơn Dương của Hà Tĩnh là đảo có vị trí chiến lược quan trọng không chỉ đảm bảo an ninh cho Khu kinh tế Vũng Áng mà còn cho cả khu vực…

Trần Vũ/Baohatinh.vn

BÀI MỚI ĐĂNG