>> Hồng Lĩnh: Xử treo vì bị cáo là người nhà lãnh đạo
Xử án treo dù có tiền sự!
Ngày 12/8/2015, TAND thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) đã đưa vụ án đánh bạc ra xét xử lưu động tại nhà văn hóa tổ dân phố 1, phường Nam Hồng, thị xã Hồng Lĩnh.
Theo cáo trạng của VKSND thị xã Hồng Lĩnh, trong khoảng thời gian từ 12h30 đến 16h30 ngày 30/4, tại nhà Phạm Đức Thảo (SN 1973, trú tại tổ 9, phường Bắc Hồng, TX Hồng Lĩnh), Thảo và Nguyễn Tiến Hải (SN 1960), Lê Xuân Trường (SN 1969, cùng trú tại xã Xuân Lam, huyện Nghi Xuân và Hoàng Văn Thắng (SN 1967, trú tại phường Đức Thuận, TX Hồng Lĩnh) đã có hành vi dùng bài tú lơ khơ để đánh bạc, hình thức đánh “tiến lên”. Tổng số tiền các bị cáo dùng vào việc đánh bạc là 3,8 triệu đồng.
Kết thúc phiên tòa, bị cáo Phạm Đức Thảo bị tuyên xử 12 tháng tù cho hưởng án treo, bị cáo Hải và Trường mỗi người 9 tháng tù treo.
Trao đổi với báo chí về việc các bị cáo được tuyên án treo trong khi đúng ra phải là án giam, ông Bùi Xuân Cần – Chánh án TAND thị xã Hồng Lĩnh cho rằng đó là do chỉ đạo từ Chánh án TAND tỉnh Hà Tĩnh (Ảnh: báo Tiền Phong)
Bản án được tuyên khiến đại diện VKS và những người dân có mặt theo dõi trực tiếp tại phiên tòa đều ngạc nhiên. Bởi theo cáo trạng của VKS thì cả 3 bị cáo đều từng có tiền sự về hành vi đánh bạc, việc tuyên án treo đối với các bị cáo là sai, thực chất các bị cáo phải nhận án tù giam mới đúng theo quy định pháp luật.
Ngày 25/8, VKSND thị xã Hồng Lĩnh đã có kháng nghị đối với bản án này. Kháng nghị nêu rõ, việc Tòa cho các bị cáo hưởng án treo là chưa nghiêm minh, chưa tương xứng với tính chất, hành vi phạm tội và nhân thân của các bị cáo; đồng thời trái với hướng dẫn tại Nghị quyết 01/2013/NQ-HĐTP ngày 6/11/2013 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao.
Liên quan tới vụ việc này, đã có đơn thư gửi về cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu làm rõ toàn bộ sai phạm trong công tác xét xử của cán bộ TAND thị xã Hồng Lĩnh cũng như có hay không việc chạy án.
Quá trình xác minh, cả chánh án TAND thị xã Hồng Lĩnh và thẩm phán trực tiếp tham gia xét xử vụ án này đều khẳng định do Chánh án TAND tỉnh gọi điện can thiệp, xin xử treo vì một trong các bị cáo có người nhà của lãnh đạo TAND tối cao(?!)
Có dấu hiệu tội “Ra bản án trái pháp luật”?
Nhiều luật sự nhận định, việc ra bản án nêu trên của TAND thị xã Hồng Lĩnh có dấu hiệu vi phạm pháp luật, trái với những quy định được ban hành trong Nghị quyết 01/2013 của TAND tối cao về “Hướng dẫn áp dụng điều 60 của Bộ luật hình sự về án treo”.
Việc ra bản án có dấu hiệu trái pháp luật trong trường hợp này được các luật sư phân tích như sau:
Thứ nhất, theo cáo trạng của VKS thị xã thì các bị cáo bị truy tố và xét xử về hành vi đánh bạc đều từng có tiền sự và từng bị xử phạt hành chính về hành vi đánh bạc vào năm 2014. Tại khoản 2, điểm b, thuộc điều 2 trong Nghị quyết số 01/2013 của Tòa án tối cao nêu rõ “Người phạm tội thuộc đối tượng cần phải nghiêm trị quy định tại khoản 2 Điều 3 của Bộ luật hình sự bao gồm: người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, lưu manh, côn đồ, tái phạm nguy hiểm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội; người phạm tội dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả nghiêm trọng; phạm tội đặc biệt nghiêm trọng”…
Các bị cáo ngoài hành vi phạm pháp chuyên nghiệp, từng có tiền sự và bị xử phạt hành chính, có nhân thân xấu… thì còn có dấu hiệu khác như cầm đầu, tổ chức, sử dụng nhà ở trở thành nơi chứa chấp đánh bạc. Như vậy, chiếu theo hướng dẫn tại Nghị quyết 01/2013/NQ-HĐTP về việc áp dụng điều 60 của Bộ Luật tố tụng hình sự về án treo, rõ ràng các bị cáo phải nhận án tù giam thì mới đúng theo quy định.
Ông Nguyễn Văn Thắng – Chánh án TAND tỉnh Hà Tĩnh thừa nhận có gọi điện can thiệp xử án treo vì có người nhà lãnh đạo (Ảnh: Báo Hà Tĩnh)
Mặc dù vậy, các bị cáo vẫn được TAND thị xã Hồng Lĩnh tuyên hưởng án treo thì rõ ràng bản án này có dấu hiệu trái pháp luật. Nghiêm trọng hơn, việc tuyên án này về bản chất lại là do chỉ đạo, có nghĩa là có chủ đích, có xác định từ trước khi vụ án được đưa ra xét xử, mục đích xử án nhằm giảm nhẹ hình phạt cho người phạm tội mà theo quy định lại không thuộc đối tượng được giảm nhẹ hình phạt. Đó là việc Chánh án TAND- ông Bùi Xuân Cần và thẩm phán TAND thị xã Hồng Lĩnh- ông Lương Sỹ Nam- chủ tọa phiên tòa, đã thừa nhận xử án treo đối với các bị cáo hoàn toàn là do có chỉ đạo từ trên xuống, cụ thể là do ông Nguyễn Văn Thắng – Chánh án TAND tỉnh gọi điện chỉ đạo, “xin” cho xử án treo. Về mặt nhận thức, họ đều biết rõ xử án và tuyên án treo đối với các bị cáo là trái quy định của pháp luật.
Một bản án bị coi là trái pháp luật là bản án có nội dung không đúng với quy định của Bộ luật hình sự và Bộ luật tố tụng hình sự. Nói chung, bản án trái pháp luật là bản án có những sai lầm nghiêm trọng về việc áp dụng Bộ luật hình sự và vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng tới mức độ phải kháng nghị theo thủ tục phúc phẩm hoặc giám đốc thẩm, như: Kết án mà một người mà biết rõ là không có tội hoặc không kết án một người mà biết rõ có tội; áp dụng điều khoản của Bộ luật hình sự theo hướng nặng hơn hoặc nhẹ hơn đối với người phạm tội hoặc cho hưởng án treo không đúng với quy định tại điều 60 Bộ luật hình sự;…
Đối với hành vi ra bản án trái pháp luật, tại điều 295 của Bộ luật hình sự năm 1999 quy định rõ: “1. Thẩm phán, Hội thẩm nào ra bản án mà mình biết rõ là trái pháp luật, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm; 2. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm; 3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm; 4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm.”
Ở đây cần phải điều tra làm rõ chủ thể trực tiếp, gián tiếp dẫn tới việc ra bản án trái pháp luật. Cụ thể trong vụ việc này, trường hợp tuy Chánh án, Phó chánh án, Chánh toà, Phó Chánh toà không trực tiếp xét xử vụ án nhưng đã ra lệnh cho Thẩm phán, Hội thẩm ra bản án trái pháp luật thì tuỳ trường hợp mà hành vi của họ có thể là đồng phạm với Thẩm phán về tội “Ra bản trái pháp luật” hoặc tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” hoặc tội “Ép buộc nhân viên tư pháp làm trái pháp luật”.
Trường hợp Thẩm phán, Hội thẩm ra bản án trái pháp luật theo chỉ đạo của Chánh án, Phó Chánh thì Thẩm phán và Hội thẩm vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Ra bản án trái pháp luật”, còn Chánh án, Phó Chánh tuỳ từng trường hợp cụ thể mà phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, tội “Ép buộc nhân viên tư pháp làm trái pháp luật” hoặc là đồng phạm về tội “Ra bản án trái pháp luật”.
Trao đổi với PV, Viện trưởng Viện KSND tỉnh Hà Tĩnh, ông Nguyễn Văn Tiến cho rằng: Việc này có lẽ chưa đến mức vi phạm việc ra bản án trái pháp luật. trách nhiệm chính là của Hội đồng xét xử, không thể đẩy lên người chỉ đạo. Đương nhiên nếu có việc chỉ đạo là sai, việc ra bản án trái pháp luật hay không thì cần phải điều tra xem xét…
Ngày 27/10 tới đây, phiên tòa phúc thẩm về vụ án “chỉ đạo xử án treo” gây xôn xao này sẽ được đưa ra xét xử tại TAND tỉnh Hà Tĩnh.
Báo PL&XH sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
Hoàng Phạm / PL&XH