Dự án đầu tư

Vụ thảm bê tông nhựa trong mưa – lại thách thức dư luận

Phản ứng trước thông tin mà báo giới đăng tải về vụ thảm bê tông nhựa dưới trời mua to trên tuyến đường 26/3 ở Hà Tĩnh, ông Phạm Tấn Sinh – Trưởng ban QLDA TP Hà Tĩnh – không ngại ngần khẳng định mọi nghi ngờ đều thiếu cơ sở.


>> Hà Tĩnh: Vụ rải bê tông nhựa trong mưa: “Không đạt chất lượng thì bỏ đi làm lại!”


Thậm chí, ông Phạm Tấn Sinh còn thản nhiên tuyên bố: Nếu chất lượng không đảm bảo, thì “lột lên thi công lại. Đơn giản thôi”.

Theo phản ánh của PV, đêm ngày 5/9, mặc trời mưa lớn, Công ty cổ phần Quản lý và Xây dựng Công trình giao thông 487 (Khu quản lý đường bộ 4) – đơn vị thi công tuyến đường 26/3 – vẫn cho công nhân tiến hành thảm nhựa mặt đường. Trước việc làm này, các chuyên gia trong ngành xây dựng nghi ngại chất lượng công trình sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thế nhưng, ông Phạm Tấn Sinh – Trưởng ban QLDA – lại tỏ ra khá bình thản trước phản ánh của dư luận. Trả lời phỏng vấn báo giới, ông Phạm Tấn Sinh tuyên bố: “Mưa thế vẫn chưa ăn thua. Nước mưa như thế mà gặp nhiệt độ cao thì bốc hơi đi chứ có chi mô”.


Sở dĩ ông trưởng ban tự tin đến vậy bởi khi thảm bê tông nhựa đã rải xuống mà muốn kiểm tra chất lượng thường rất phức tạp. Thế nên, ông Phạm Tấn Sinh mới mạnh mồm tuyên bố: muốn kết luận đạt hay không đạt phải tiến hành khoan cắt, đào lên mới có thể kết luận. Bằng không, mọi nghi ngại đều thiếu cơ sở.

Khi được hỏi về giải pháp khắc phục nếu mặt thảm không đạt chất lượng, ông Sinh hồn nhiên phát biểu: “Chuyện này không có gì khó. Tuyến đường này mới thảm nửa đường, mà có nhiều đâu, chỉ vài chục mét cuối. Nếu không đạt thì lột lên làm lại”.

Cách quản lý “ơ hờ” và thi công ẩu “có tổ chức” được cho là nguyên nhân dẫn đến tình trạng chi phí đầu tư cho 1km đường cao tốc tại Việt Nam đắt gấp nhiều lần so với các nước trong khu vực, thậm chí còn cao hơn cả Mỹ. Thế nhưng, chỉ sau thời gian ngắn đưa vào sử dụng, các công trình tốn hàng nghìn tỷ đồng thường rơi vào tình trạng sụt lún, nứt nẻ, gồ ghề. Và rồi, đơn vị quản lý lại yêu cầu khoản tiền nghìn tỷ đồng khác để sửa chữa và nâng cấp trong khi không tổ chức, cá nhân nào bị truy cứu về trách nhiệm. Với tình cảnh này, người dân có “còng lưng” đóng góp cho quỹ bảo trì đường bộ cũng không thể “vá” xuể những lỗ hổng trong quản lý thi công cứ mỗi ngày một phình to như hiện nay.

Hiền Mai

Sống Mới

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP