>> Thực hư chuyện nông dân Hà Tĩnh khóc vì “sưu cao thuế nặng”
Có nhiều khoản thu, chi không đúng quy định
Theo báo cáo số 91 ngày 29.7.2015 của Sở TTTT Hà Tĩnh: “Nhìn chung, các xã đã áp dụng thu, chi theo Pháp lệnh số 34/2007 của Quốc hội về việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn và văn bản số 408 năm 2011 của Sở Tài chính Hà Tĩnh, hướng dẫn tổ chức huy động, quản lý và sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện của nhân dân để xây dựng cơ sở hạ tầng.
Trên cơ sở đó, các xã tự xây dựng kế hoạch thu, chi và vận động nhân dân tự nguyện đóng góp thông qua các cuộc họp dân lấy ý kiến. Đa số các khoản thu/chi có trong nghị quyết HĐND xã”. Khoản thu “Quỹ giao thông thủy lợi nội đồng” của xã Thường Nga bản chất là loại quỹ vận động nhân dân tự nguyện đóng góp để xây dựng làm đường, kênh mương nội đồng. Tất cả các khoản thu đều được thông qua và xin ý kiến của nhân dân. Ở xã Kim Lộc có khoản thu làm đường bêtông và xây dựng trường mầm non đều được thông qua dân bàn bạc, đúng quy định.
Báo cáo số 91 ngày 29.7.2015 của Sở TTTT Hà Tĩnh về sự việc. Ảnh: Q.Đ |
Bên cạnh đó, cũng có xã còn một số khoản thu, chi không thể hiện từ ngữ chính xác hoặc chưa có trong nghị quyết của HĐND cấp xã: Xã Kim Lộc thu quỹ trả công cán bộ ngoài biên chế, do xã vận động dân đóng góp hỗ trợ không có trong Pháp lệnh 34 và hướng dẫn của Sở Tài chính. HĐND xã Thanh Lộc có Nghị quyết số 08/2013 đề ra việc huy động nguồn thu của nhân dân theo Pháp lệnh 34 để xây dựng công trình và hỗ trợ chế độ phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách và cán bộ cấp xóm. Xã Thường Nga thu quỹ của nhân dân để trả lương, phụ cấp cho cán bộ cụm Đại Vượng. Đây là những việc làm không đúng quy định.
Và nhiều thông tin sai sự thật
Trong báo cáo 91, Sở TTTT Hà Tĩnh cũng khẳng định nhiều thông tin liên quan đến một số xã ở huyện Can Lộc vừa qua là không chính xác, sai sự thật như thông tin “ai chưa nộp thì sẽ bị “hành hạ” bằng cách đọc tên trên loa của thôn, của xã ra rả suốt ngày. Hay nhiều thông tin về hoàn cảnh gia đình bà Lê Thị Hương (xóm Văn Minh, xã Thường Nga, Can Lộc) không đúng sự thật. Chi tiết “bà Hương phải đeo ắcquy gắn bóng đèn để ra đồng. Vậy mà thóc lúa cũng không đủ chi phí đầu tư và nộp sản” sai sự thật.
Bà Hương cho biết, với 8 sào ruộng, mỗi vụ mùa nạp 80kg thóc thì đơn giản, nhưng vì gia đình khó khăn, thuốc men thường xuyên cho con gái bà (bệnh kinh niên) cũng đều trông chờ vào việc bán thóc mà có nên gia đình gặp nhiều khó khăn. Hay như thông tin tại xã Kim Lộc “nhiều người làm đơn xin trả ruộng”, người dân làm ruộng bị lỗ, thu tiền người cao tuổi cũng không đúng sự thật. Theo báo cáo của UBND xã Thường Nga, nhân vật bà Nguyễn Thị Minh, hơn 65 tuổi, không phải là người của địa phương và không có tên trong phương án thu của xã.
Từ đó, Sở TTTT Hà Tĩnh kiến nghị tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục chỉ đạo xem xét, giải quyết những vấn đề thu, chi sai quy định, nhằm khắc phục, xử lý kịp thời các sai phạm. Về những thông tin sai sự thật, Sở TTTT Hà Tĩnh nêu: “Đề nghị các cơ quan chức năng của Ban Tuyên giáo T.Ư, Bộ TTTT xem xét, chỉ đạo, xử lý một số thông tin sai sự thật, thiếu tính xây dựng, bi kịch hóa đời sống ở nông thôn, gây hoang mang trong dư luận, ảnh hưởng đến sự ổn định, phát triển của địa phương”.
Quang Đại / Lao Động