Tin Hà Tĩnh

Vụ mua gần 800 nghìn tấn than không đúng chỉ đạo của Thủ tướng: Công ty Hoành Sơn đã sai phạm như thế nào?

Theo kết luận thanh tra do Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký về việc mua bán than tại Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1, Công ty cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn (Công ty Hoành Sơn) đã bộc lộ nhiều sai phạm cần được tiếp tục làm rõ...

Doanh nghiệp bán than có quan hệ thân thiết với PVN

Tại địa chỉ trang web của của Công ty cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn, đơn vị này tự giới thiệu là doanh nghiệp hàng đầu trên địa bàn Hà Tĩnh và khu vực miền Trung, kinh doanh đa ngành nghề, trong đó có hoạt động kinh doanh vận tải thương mại hàng hóa xi măng, sắt thép, than đá từ Việt Nam sang nước bạn Lào, từ Lào về Việt Nam với các mặt hàng thạch cao, phân bón kali… phục vụ các nhà máy sản xuất xi măng, cung cấp phân bón kali tận chân ruộng theo yêu cầu của nông dân các tỉnh trong khu vực. Ngoài kinh doanh vận tải và thương mại, Công ty còn đầu tư mua sắm hàng trăm phương tiện máy móc, thiết bị hiện đại thi công các công trình lớn trên địa bàn, đặc biệt là khu kinh tế Vũng Áng, dự án Formosa.

Trụ sở Công ty Hoành Sơn tại Hà Tĩnh

Đơn vị này cũng tự nhận mình là đối tác và bạn hàng tin cậy của nhiều đơn vị như Xi măng The Vissai; các Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng; Duyên Hải, Vĩnh Tân, ... thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Đặc biệt, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng có tên trong danh sách này.

Không hiểu căn nguyên từ đâu mà mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo rõ ràng tại Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 26/8/2015, yêu cầu PVN phải mua than trong nước của TKV và Tổng Công ty Đông Bắc nhưng ông Nguyễn Quốc Khánh, nguyên Chủ tịch PVN vẫn “nhiệt tình” chỉ đạo mua than của Công ty Hoành Sơn.

Với Công ty Hoành Sơn, trước khi có thương vụ bán than “khủng” lên tới hơn 1.500 tỷ đồng đó, doanh nghiệp này từng ký kết làm ăn tại dự án hàng chục nghìn tỷ đồng của PVN. Năm 2016, Hoành Sơn trở thành cổ đông nắm quyền kiểm soát với tỷ lệ sở hữu 51,1% vốn điều lệ của dự án cảng biển Phước An. Trước đó, PVN là cổ đông chính nắm giữ gần 80% cổ phần. Dự án cảng này được biết có tổng mức đầu tư lên tới 19.000 tỷ đồng.

Kết luận thanh tra chỉ ra những sai phạm gì?

Tại dự án bán than cho Nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Vũng Áng 1, Kết luận thanh tra đã chỉ ra những sai phạm dưới đây:

Công ty Hoành Sơn chưa cung cấp đầy đủ hồ sơ chứng minh nguồn gốc than nội địa cung cấp cho NMNĐ Vũng Áng 1 từ hai công ty ở Hà Nội và Hải Phòng.

Việc giao nhận than không đủ sản lượng theo quy định của Hợp đồng: Trong quá trình thực hiện, sản lượng mua thực tế là 793.681,76 tấn quy ẩm đạt 88,19% sản lượng ký kết, từ tháng 5 đến tháng 10/2015, sản lượng mua thực tế là 224.403,28 tấn quy ẩm đạt 74,8% sản lượng ký kết; từ tháng 5 đến tháng 12/2015, sản lượng mua thực tế là 403.383,27 tấn quy ẩm đạt 67,23% sản lượng ký kết; từ tháng 5/2015 đến tháng 7/2016, sản lượng mua thực tế là 790.931,76 tấn quy ẩm đạt 87,88% sản lượng ký kết.

Công ty tiến hành ký bổ sung 2 Phụ lục cung cấp than cho NMNĐ Vũng Áng 1 không đúng với Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 26/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Chọn đối tác, cân đong, hồ sơ thanh toán “có vấn đề”

Cũng theo kết luận thanh tra, Ban QLDA NMNĐ Vũng Áng 1 trong việc đề xuất lựa chọn Công ty Hoành Sơn chưa chi tiết, cụ thể về các điều kiện, chủ yếu dựa vào các văn bản giới thiệu của tỉnh Hà Tĩnh, điều kiện thực tế cung cấp than tại NMNĐ Vũng Áng 1 và năng lực của Công ty (không có biên bản kiểm tra hiện trạng kho bãi của Công ty Hoành Sơn).

Than của Công ty Hoành Sơn tập kết tại Vũng Áng từng gây ô nhiễm

Ban QLDA chưa rà soát kỹ nguồn gốc than của Công ty Hoành Sơn theo Thông tư số 14/2013/TT-BCT ngày 15/7/2013 của Bộ Công Thương và Thông báo số 346/TB-VPCP ngày 26/8/2014 của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải để đề xuất PVN trước khi ký Hợp đồng mua bán than.

Ban QLDA tiếp tục ký 2 Phụ lục bổ sung tổng cộng là 600.000 tấn than với Công ty Hoành Sơn theo chỉ đạo của Tập đoàn tại Công văn số 7834/DKVN-TNTT ngày 09/11/2015 và Công văn số 9139/DKVN-TMTT ngày 29/12/2015 là không đúng với nội dung trong Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 26/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Ban QLDA không thực hiện chặt chẽ chế tài trong Hợp đồng Mua bán than số 122/VQPP-HS/04-2015/VA1 dẫn đến sản lượng mua thực tế (tại thời điểm thanh tra) là 793.681,76 tấn quy ẩm chỉ đạt 88,19% sản lượng ký kết. Trong quá trình thực hiện Hợp đồng, Ban QLDA không thông báo cho Công ty Hoành Sơn về nhu cầu sản lượng cung cấp hàng tháng. Số lượng thực tế cung cấp không đạt so với sản lượng ký kết trong từng giai đoạn của Hợp đồng.

Hồ sơ thanh toán đối với than nhập đường bộ trộn tại kho than NMNĐ Vũng Áng 1 không đầy đủ theo quy định về Chứng thư giám định khối lượng, chất lượng cảng xuất (vì phối trộn và lấy mẫu tại Kho NMNĐ Vũng Áng 1).

Ban QLDA và PV Power tiếp nhận than vận chuyển bằng đường bộ (trước ngày 03/9/2015) với tổng khối lượng than là 108.260,38 tấn (theo cân của Công ty Hoành Sơn) và được hai bên thống nhất căn cứ đo thử nghiệm 10 chuyến vận chuyển để xác định hao hụt là 0.1%. Trong giai đoạn này, việc không cân đo khối lượng tại cổng nhà máy là chưa thực hiện đúng quy định đã cam kết.

Với vai trò là các Bên thực hiện thủ tục ký xác nhận khối lượng than bàn giao bằng đường bộ, Ban QLDA và PV Power chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm kiểm tra, giám sát và tổ chức giao nhận theo quy định của Hợp đồng số 122/VQPP-HS/04-2015/VA1 trong việc nhập 128.371,4 tấn than phối trộn thực hiện tại nhà máy.

Được biết, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã chỉ đạo Ban QLDA Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 phối hợp với Công ty Hoành Sơn cùng các cơ quan chức năng để làm rõ nguồn gốc than nội địa cung cấp cho NMNĐ Vũng Áng 1 từ hai công ty ở Hà Nội và Hải Phòng. Giao Thanh tra Bộ phối hợp với các cơ quan chức năng của TP Hà Nội, TP Hải Phòng kiểm tra nguồn gốc than từ hai công ty trên.

Báo điện tử Công lý sẽ tiếp tục thông tin về sự việc.

Tác giả: Quang Nam

Nguồn tin: Báo Công lý

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP