Tin Hà Tĩnh

Vụ khiếu nại của bà Nguyễn Thị Nghĩa, ở thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh: Nhiều sai phạm bị phát lộ sau vụ cưỡng chế

Hơn 9 năm mượn đất cho con trai làm ngõ, năm 2017, ông Bình, bà Hiêm, ở tổ dân phố 10, phường Bắc Hồng, thị xã Hồng Lĩnh làm đơn kiện ông Đông, bà Nghĩa (cùng tổ) xây bờ tường chắn lối đi. Cho rằng bà Nghĩa lấn chiếm đất, UBND phường đã tổ chức cưỡng chế “buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả”. Nhiều việc làm sai trái bị “phát lộ” sau vụ cưỡng chế bất thường trên...

Đất có nguồn gốc rõ ràng, sử dụng ổn định, không tranh chấp

Ngày 16/2/1991, bà Nguyễn Thị Nghĩa, ở tổ dân phố 10, phường Bắc Hồng làm thủ tục chuyển nhượng thửa đất 150m2 của ông Nguyễn Văn Đàn có ranh giới: Phía Bắc giáp đất ông Mùi, Nam giáp đất bà Hiêm, Đông giáp suối nước, Tây giáp lưu không Quốc lộ 1A. Tháng 8/1991, UBND huyện Đức Thọ (thời điểm phường Bắc Hồng chưa thuộc thị xã Hồng Lĩnh) ban hành quyết định cho phép bà Nghĩa nhận chuyển nhượng thửa đất của ông Đàn nói trên.

Ngày 13/10/1993, bà Nghĩa chia dọc thửa đất cho em gái là Nguyễn Thị Thuận một nửa. Sau đó diện tích đất trên được UBND thị xã Hồng Lĩnh ban hành Quyết định số 516 (GP-UB) và Quyết định số 517 (GP-UB) cho phép mỗi bên sử dụng 75m2.

Ngày 6/9/1991, UBND huyện Đức Thọ ban hành Quyết định số 91-KT/QĐ-UB cho phép bà Trương Thị Hiêm sử dụng 75m2 đất dân cư và 75m2 đất vườn liền đất ở tại khu phố 3, thị trấn Hồng Lĩnh. Phía Bắc giáp nhà ông Mùi (15m); Nam giáp nhà chị Phương C7 (15m); Đông giáp suối nước; Tây giáp đất lưu không Quốc lộ 1A (10m).

Ngày 25/2/1992, bà Hiêm chia đôi thửa đất để cho chị Phương, nên đất bà Hiêm còn lại 75m2. Tuy nhiên, ngày 6/12/1993, UBND thị xã Hồng Lĩnh lại ban hành quyết định cho phép bà Hiêm sử dụng 45m2 để làm nhà ở tại thửa 408 (không có đất vườn). Phía Bắc giáp đất anh Tứ; phía Nam giáp đất chị Phương; Đông giáp suối nước; phía Tây giáp Quốc lộ1A, tước đi 30m2 đất của bà Hiêm(!?) Thực tế, đất của bà Hiêm từ khi được giao cho đến nay (2019) không có phía nào giáp với đất ông Mùi. Hiện tại phía Bắc thửa đất của bà Hiêm giáp với đất bà Nghĩa. Hai gia đình sử dụng ổn định, không tranh chấp.

Năm 2008, bà Hiêm làm nhà riêng cho con trai là Phạm Văn Quỳnh tại phần đất phía sau (phần đất giáp suối). Do đất bà Hiêm giáp đất bà Nghĩa và đất bà Phương nên gia đình anh Quỳnh phải đi qua nhà bố mẹ đẻ

Gia đình ông Đông, bà Nghĩa trình bày sự việc với phóng viên.

Gia đình ông Đông, bà Nghĩa trình bày sự việc với phóng viên.

Ngày 16/12/2008, bà Hiêm và chồng là ông Bình làm “Giấy xin mượn đất làm đường đi” cho con và được ông Đông, bà Nghĩa đồng ý. Bởi vậy, đoạn đường nối từ đường đi suối Tiên đến nhà ông Thuận được dài thêm 10m nhờ đất bà Nghĩa, ông Thuận. Chính đoạn đường này đã chia đất bà Nghĩa làm 2 phần: Phía sau (giáp suối).

Hàng chục năm qua, gia đình bà Nghĩa xây dựng chuồng trại chăn nuôi, sản xuất, sử dụng ổn định, không tranh chấp.

Việc làm “tắc trách” khiến dân lao đao

Ngày 20/9/1991, ông Võ Công Hàm, nguyên cán bộ địa chính (nay là Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ) soạn thảo để Chủ tịch UBND huyện ban hành Quyết định số 27/KT/QĐ-UB cho phép ông Lưu Văn Tý sử dụng 100m2 đất ở và 100m2 đất vườn tại khu phố II, thị trấn Hồng Lĩnh, có ranh giới: Bắc giáp anh Thuận (20m); Nam giáp suối (20m); Đông giáp suối (20m); Tây giáp đường trục nội bộ (10m).

Bà Nghĩa chỉ vào phần đất phía sau giáp suối mà gia đình bà sử dụng ổn định gần 30 năm qua, nhưng đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Lưu Văn Tý.

Bà Nghĩa chỉ vào phần đất phía sau giáp suối mà gia đình bà sử dụng ổn định gần 30 năm qua, nhưng đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Lưu Văn Tý.

Ngày 6/12/1993, UBND thị xã Hồng Lĩnh ban hành Quyết định số 223 (GP/UB) thay thế Quyết định số 27 của UBND huyện Đức Thọ “cho phép ông Lưu Văn Tý sử dụng 200m2 đất thổ cư để làm nhà ở nhưng ghi rõ: “120m2 đất ở, 80m2 đất vườn” tại Khu phố 3, phường Bắc Hồng có ranh giới: Bắc giáp đất ông Thuận, Nam giáp suối Cạn, Đông giáp suối Cạn, Tây giáp đường trục nội bộ”; thời hạn sử dụng lâu dài. Thế nhưng, trên địa bàn thị xã Hồng Lĩnh từ xưa đến nay chưa có thửa đất nào “hai mặt” giáp suối nên thửa đất ghi trong Quyết định số 27 và số 223 được nhiều người gọi là “đất ma”. Vậy mà, ngày 25/5/2008, UBND thị xã Hồng Lĩnh vẫn cấp GCNQSDĐ số 00900UB-2008, công nhận cho ông Tý và bà Trần Thị Chung sử dụng 300m2 đất tại thửa 277, tờ bản đồ số 6, có ranh giới: Bắc giáp ông Thuận dài 25m; Nam giáp đất ông Cát dài 25m; Tây giáp đường 4m dài 12,5m; Đông giáp hành lang khe Bình Lạng dài 11,5m” !? Ông Cát cũng như “người trên trời rơi xuống”.

Bà Nghĩa bức xúc: “Năm 2014, thực hiện chủ trương cấp đổi GCNQSDĐ, tôi mới biết được phần đất phía sau nhà mình đang sử dụng đã mang tên ông Tý nên viết đơn đề nghị làm rõ. Trong khi chờ đợi chính quyền trả lời, chúng tôi thống nhất với bà Hiêm là vẫn xây tường bảo vệ đất nhưng để cửa ra - vào cho gia đình con trai bà Hiêm. Mọi việc tưởng chừng êm thấm, ngờ đâu ông Bình làm đơn kiện chúng tôi chắn lối ra vào của con ông. Vậy mà, chính quyền thị xã Hồng Lĩnh vẫn nghe một chiều... tổ chức cưỡng chế tháo dỡ, ảnh hưởng đến quyền lợi của gia đình tôi”.

Hình thức xử lí không phù hợp với hành vi?

Xem xét hồ sơ liên quan đến việc cưỡng chế trên cho thấy: Biên bản vi phạm hành chính số 22/BB-VPHC ngày 15/4/2015; Quyết định xử phạt vi phạm hành chính; Quyết định thu hồi và hủy bỏ biên bản vi phạm hành chính của Chủ tịch UBND phường Bắc Hồng đều thể hiện hành vi vi phạm của gia đình bà Nghĩa là: “Xây dựng tường rào trên đất đã có quy hoạch đường nội phường, không thông báo bằng văn bản với chính quyền địa phương”.

Hành vi vi phạm tại Biên bản vi phạm hành chính số 17/BB-VPHC ngày 6/12/2017 do phường Bắc Hồng lập và Biên bản làm việc số 21/BBLV ngày 6/12/2017 lại là “Tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng, mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng”. Vậy nhưng, để hợp lí việc làm “trái khoáy” được nêu trên, ngày 25/9/2018, phường Bắc Hồng và Đội Quản lí trật tự đô thị lập Biên bản số 04/BB-VPHC “quy” cho bà Nghĩa đã có hành vi “Xây dựng cơi nới, lấn chiếm diện tích, lấn chiếm không gian đang được quản lí, sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác hoặc của khu vực công cộng, khu vực sử dụng chung”, quy định tại điểm d, Điều 15, Nghị định 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ, để ban hành Quyết định cưỡng chế số 1752/QĐ-CCXP buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả vào ngày 31/10/2018. Trong khi bà Nghĩa xây dựng tường rào vào năm 2015, trên đất được giao và có “Giấy xin mượn đất làm đường đi” của ông Bình, bà Hiêm ngày 16/12/2008!?

Người chết kí xác định ranh giới, mốc giới?

Ngày 24/12/2018, UBND thị xã Hồng Lĩnh có Văn bản số 1531/UBND-TNMT trả lời đơn kiến nghị của bà Nghĩa, nêu: “Từ khi giao đất cho đến năm 1998, bà Nghĩa tại thửa số 278, tờ bản đồ 06 phường Bắc Hồng và ranh giới thửa đất thì phía đông giáp đường (có hồ sơ kĩ thuật bản đồ 371 và mô tả ranh giới thửa đất có chữ kí của bà Nghĩa kèm theo)”.

Tuy nhiên bà Nghĩa khẳng định: “Tôi có kí vào Biên bản xác định ranh giới, mốc giới, nhưng tôi nghi ngờ “Sơ họa mốc giới thửa đất” lại giáp đường ở phía sau mà không giáp “suối nước”. Bởi vậy, tôi đã cất công tìm nguồn thông tin để chứng minh. Và, sự thật là phường Bắc Hồng đã nhờ người chết kí thay người sử dụng đất để hợp lí hóa hồ sơ...”.

Biên bản xác định ranh giới cho thấy, mốc giới thửa đất mang tên Đinh Thị Vịnh được lập ngày 22/5/1998 và Biên bản xác định ranh giới, mốc giới thửa đất mang tên Nguyễn Đình Lưu được lập ngày 22/7/1998. Tại mục “Các chủ sử dụng đất” của 2 biên bản này, ông Lê văn Hướng đã kí thay cho chủ sử dụng đất là bà Vịnh và ông Lưu. Trong khi Giấy chứng tử mang tên Lê Văn Hướng thể hiện ông Hướng “Đã chết vào lúc 19 giờ 30 phút, ngày 14/4/1998”.

Không chỉ vậy, sổ đăng kí ruộng đất liên quan đến người sử dụng đất thửa 277 bị tẩy xóa và có tên Lê Văn Tý (không phải là Lưu Văn Tý)?

Khoản 1, Điều 3 Luật Đất đai năm 2013 quy định: “Thửa đất là phần diện tích đất được giới hạn bởi ranh giới xác định trên thực địa hoặc được mô tả trên hồ sơ”, và đất của bà Nghĩa có ranh giới rõ ràng, sử dụng ổn định, không tranh chấp, phù hợp với quy hoạch từ trước 15/10/1993, nên có đủ điều kiện được cấp GCNQSDĐ theo quy định của pháp luật. Ông Tý đã được thị xã Hồng Lĩnh cấp GCNQQSDĐ, nhưng ranh giới thửa đất đã không có thực mà còn biến động. Ông chưa sử dụng đất và cũng chưa bao giờ tranh chấp đất với bà Nghĩa. Các nội dung liên quan đến “đất ma”; “hồn ma”; “Giấy mượn đất làm đường đi”; các “Biên bản xử phạt vi phạm hành chính...” đã minh chứng cho việc sử dụng đất của bà Nghĩa. Đề nghị UBND thị xã Hồng Lĩnh xác minh làm rõ.

Tác giả: Nhóm PVPL

Nguồn tin: ngaymoionline.com.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP