Ở những địa phương có khó khăn về giao thông, nhận thức về giáo dục của người dân chưa cao thì việc xây dựng các điểm trường lẻ tại thôn bản là giải pháp khuyến khích trẻ em đi học, nhất là ở giáo dục mầm non và các lớp đầu cấp tiểu học. Nhưng cùng với quá trình phát triển kinh tế – xã hội, ở các vùng thuận lợi, có điều kiện về diện tích đất, kinh phí để xây dựng trường đủ chỗ học cho HS thì việc tập trung HS về học tại một địa điểm sẽ đảm bảo hơn về chất lượng giáo dục xét cả về thành tích từng lĩnh vực giáo dục cũng như tính toàn diện về nội dung các hoạt động giáo dục. Khi đó các thầy cô giáo có điều kiện sinh hoạt chuyên môn, chia sẻ kinh nghiệm với nhau; học sinh có điều kiện giao lưu rộng và tiếp cận nhiều hoạt động văn hoá, xã hội hơn… Các cấp chính quyền cần xem xét cụ thể các điều kiện về kinh tế, giao thông, trình độ dân trí, cơ sở vật chất nhà trường… để quyết định. Quy định về khoảng cách đoạn đường đến trường của học sinh trong điều lệ nhà trường do Bộ GDĐT ban hành chỉ có tính chất hướng dẫn chung.
Trọng tâm phát triển giáo dục của cả nước cũng như của từng địa phương luôn bắt đầu từ việc huy động hết học sinh đến trường chuyển dần sang quan tâm nâng cao chất lượng đồng thời với duy trì số lượng người đi học. Khi cần hạn chế số điểm trường, các lớp lẻ để thu hút học sinh về trung tâm nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư và chất lượng giáo dục thì phải chú ý công tác giải thích, vận động nhân dân. Các đoàn thể, tổ chức ở địa phương cũng cần tham gia cùng chính quyền và nhà trường giúp người dân nhận thức rõ lợi ích của việc này mà động viên, tạo điều kiện cho con em đi học xa; cùng chính quyền xem xét hỗ trợ phù hợp những trường hợp khó khăn để học sinh được đến trường cùng bè bạn. Thực tế trong những năm qua có nhiều địa phương nhờ kiên trì vận động, thuyết phục người dân để đạt được kết quả tốt.
Việc phấn đấu giảm số điểm trường lẻ hoặc sáp nhập các trường cũng là vì mục tiêu bảo đảm và nâng cao chất lượng GDĐT bền vững của từng trường, từng địa phương và của cả nước. Trong quá trình này cần có sự cố gắng của toàn xã hội, của giáo viên, của gia đình học sinh và học sinh; không được chạy theo thành tích một cách nóng vội, vì nếu vậy chất lượng giáo dục sẽ không bền vững, sẽ phải hy sinh quyền lợi, sự an toàn của một bộ phận học sinh.
Nhưng nếu chỉ vì những thuận lợi trước mắt của một bộ phận mà không cố gắng vì mục tiêu chung, mục tiêu lâu dài thì không có được sự tiến bộ, phát triển. Ngành GDĐT từng địa phương nên xem xét chu đáo để tham mưu với chính quyền địa phương đưa ra giải pháp thích hợp, tuyên truyền, thuyết phục để dân chia sẻ và đồng lòng. Đối với những trẻ em gặp khó khăn mà chậm đi học thì cần tổ chức các hoạt động bổ sung, bù đắp kiến thức cho các em theo kịp bạn bè.