Việt Nam

Vụ đảo hóa Gạc Ma nghiêm trọng, nguy hiểm hơn nhiều lần giàn khoan 981

Trong lúc dư luận Việt Nam, khu vực và cộng đồng quốc tế vô cùng quan ngại và phản đối hành vi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam thì Bắc Kinh đang âm thầm tiến hành một âm mưu khác nghiêm trọng và thâm độc hơn nhiều, đó là biến các đảo chìm ở Trường Sa mà họ xâm lược và chiếm đóng bất hợp pháp từ năm 1988 đến nay thành đảo nổi, căn cứ quân sự vững chắc.

Cần nhớ rằng, đây là sự xâm phạm chủ quyền lãnh thổ quốc gia đối với quần đảo Trường Sa chứ không còn là xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
Tiến sĩ Trần Công Trục. Ảnh: Quân đội Nhân dân.

Với những gì đang diễn ra trên Gạc Ma và các bãi cạn khác thuộc quần đảo Trường sa của Việt Nam diễn ra gần như đồng thời với những hoạt động hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam cho thấy tất cả đều có sự liên kết với nhau, là sự bố trí, sắp xếp được tính toán bài bản lớp lang của một chiến dịch hành quân xâm lăng kiểu mới của Trung Quốc.

Tuy nhiên, về bản chất vụ Trung Quốc biến Gạc Ma và một số đảo chìm khác ở Trường Sa thành đảo nổi nhân tạo lại nghiêm trọng và nguy hiểm hơn rất nhiều so với vụ giàn khoan 981, bởi cần nhớ rằng, đây là sự xâm phạm chủ quyền lãnh thổ quốc gia đối với  quần đảo Trường Sa chứ không còn là xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam như vụ giàn khoan.

Hơn nữa, vị trí của nhóm đảo Gạc Ma nằm về phía Tây Bắc quần đảo Trường Sa, trực tiếp đối diện và gần với bờ biển miền Trung Việt Nam, rất gần với khu vực thềm lục địa nơi mà hiện nay chúng ta đang tiến hanh khai thác dầu khí…Việc nhóm đảo Gạc Ma trở thành  “một tàu sân bay cố định” sẽ  là mối hiểm họa  khôn lường đối với Việt Nam về quân sự cũng như an ninh, kinh tế và các hoạt động giao thương với các nước.

Về mặt quân sự, an ninh, một sân bay và cầu cảng hiện đại nếu mọc lên tại Gạc Ma, Chữ Thập hay Gaven sẽ nhân sức mạnh quân sự của Trung Quốc tại khu vực Trường Sa lên nhiều lần, uy hiếp trực tiếp các hoạt động vận tải, tiếp tế từ đất liền ra đảo của ta, đe dọa tự do hàng hải quốc tế qua khu vực Biển Đông, uy hiếp trực tiếp đến quốc phòng an ninh của Việt Nam. Tôi tin điều này chắc hẳn những chiến lược gia, những chính khách, tướng lĩnh của chúng ta đã thấy rõ và biết nên phải làm gì!

Trên phương diện mặt kinh tế, rõ ràng khi 1 đảo chìm biến thành đảo nổi có công sự kiên cố kết hợp đường băng sân bay, cầu cảng tàu lớn neo đậu sẽ trở thành lực lượng bảo hộ chắc chắn cho những giàn khoan kiểu như 981 bành trướng, hoạt động trái phép, tranh cướp tài nguyên trong các vùng biển của ta.

Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang đẩy mạnh kế hoạch thâm hiểm biến đảo chìm, đá thành đảo nổi ở Trường Sa.

Tôi cho rằng, đến lúc đó không chỉ các đảo, đá, rặng san hô ở Trường Sa ta đang có quân canh giữ bị đe dọa, mà ngay cả các giếng dầu ta đang hợp tác khai thác nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam cũng trở thành mục tiêu nhòm ngó, thôn tính của Trung Quốc.

Liên hệ điều này với hoạt động trái phép của giàn khoan 981 hiện nay có thể thấy cái mà Trung Quốc nhắm đến không nằm ở vị trí họ hạ đặt giàn khoan, mà chính là các giếng dầu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của ta.

Xét tổng thể, những hành động phạm pháp của Trung Quốc ở Trường Sa hay vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam gần khu vực Hoàng Sa đều nhằm tới mục đích biến các đảo chìm, bãi cạn thành đảo nổi và cố tình gán ghép chúng thành các thực thể thuộc 2 quần đảo này, cố gắng giải thích nó là “quốc gia quần đảo” để hưởng quy chế vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, thậm chí là mở rộng thềm lục địa để hiện thực hóa đường lưỡi bò đầy tham vọng và phi lý.

Sau khi tạo nên những căn cứ, cơ sở kinh tế và quân sự kiên cố họ sẽ tiến tới khống chế Biển Đông phục vụ chiến lược trở thành cường quốc biển trước khi làm siêu cường quốc tế, thực hiện cái gọi là “giấc mơ Trung Hoa”, giấc mộng bá quyền. Những căn cứ này sẽ rất lợi hại một khi chiến tranh nổ ra.

Vừa qua chúng ta đã phản ứng rất tốt trước những động thái vi phạm pháp luật trắng trợn của Trung Quốc trong vụ giàn khoan 981 cũng như nhiều hành động khiêu khích, gây hấn của Trung Quốc trước đó trên Biển Đông, được dư luận trong nước và quốc tế ủng hộ, đánh giá cao.

Nhưng với những gì Trung Quốc đang làm ở Trường Sa và mức độ nghiêm trọng, nguy hiểm của nó, thiết nghĩ chúng ta cần lập tức, chủ động ứng phó, lên án và vạch trần những thủ đoạn này của Trung Quốc. Nếu không sớm làm điều này, sẽ bất lợi cho chúng ta trong cuộc đấu tranh hiện nay, nhất là trên phương diện ngoại giao và pháp lý.

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP