Tin trong nước

Vụ “con dâu giết mẹ chồng”: Giật mình kiểu phá án của cơ quan tố tụng

Những dấu hỏi lớn trong cách phá án của cơ quan tố tụng địa phương xung quanh vụ án “con dâu giết mẹ chồng” xảy ra tại Cao Bằng.

Án mạng kinh hoàng

Ngày 5/2/2013, một vụ thảm án đã xảy ra tại nhà ông Nguyễn Duy Chiến (tổ 3, phường Đề Thám, thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng). Nạn nhân được xác định là bà Triệu Thị Tiền (70 tuổi), mẹ đẻ của ông Chiến.

Để thực hiện hành vi độc ác của mình, hung thủ đã dùng búa đinh đập liên tiếp vào đầu bà Tiền khiến cho nạn nhân chết tại chỗ. Sau khi ra tay sát hại, hung thủ đã tiến hành xóa dấu vết hiện trường, giấu xác nạn nhân vào thùng các – tông để dưới tầng 1 nhà ông Chiến.

Ngay khi phát hiện ra sự việc, ông Chiến đã gọi điện báo ngay cho PGĐ Công an tỉnh Cao Bằng. Lập tức, CQĐT Công an Tỉnh Cao Bằng đã có mặt ngay tại hiện trường vụ án để tiến hành điều tra xác minh làm rõ nguyên cái chết của bà Triệu Thị Tiền.

Sau khi thu thập được thông tin, ngày 7/2/2012, CQĐT Công an Tỉnh Cao Bằng ra Quyết định khởi tố vụ án “giết người” theo quy định tại Điều 93 BLHS.

Ngày 10/2/2012, CQĐT đã ra lệnh bắt khẩn cấp bà Hoàng Thị Vấn (vợ ông Chiến, đồng thời là con dâu bà Tiền) để điều tra về hành vi “không tố giác tội phạm”.

Tiếp đó, ngày 26/2/2012, CQĐT tiếp tục ra lệnh bắt ông Nguyễn Duy Chiến để điều tra về hành vi “che giấu tội phạm”.

Sau gần 5 tháng bắt tạm giam ông Chiến, ngày 25/7/2012, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Cao Bằng đã ban hành Quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn, cho ông Chiến được tại ngoại kèm theo Lệnh “cấm đi khỏi nơi cư trú”.

Vụ “con dâu giết mẹ chồng”: Giật mình kiểu phá án của cơ quan tố tụng - Ảnh 1
Bà Hoàng Thị Vấn trong phiên tòa xét xử sơ thẩm.

Thế nhưng, sau hơn 7 tháng điều tra, xác minh, không chứng minh được hành vi phạm tội của ông Chiến, ngày 2/10/2012 CQĐT Công an tỉnh Cao Bằng đã ban hành Quyết định số 07 đình chỉ điều tra bị can đối với ông Chiến với lý do “do chuyển biến của tình hình mà hành vi của bị can không còn nguy hiểm cho xã hội” theo khoản 1, Điều 25 Bộ luật Hình sự.

Đối với bà Vấn (vợ ông Chiến), sau 3 lần bị chuyển tội danh từ “tội không tố giác tội phạm” sang “tội che giấu tội phạm”, sau cùng là bị khép vào“tội giết người”. Để rồi ngày 2/1/2013, Tòa án nhân dân tỉnh Cao Bằng đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án giết người đối với bà Hoàng Thị Vấn. Kết thúc phiên xét xử, Tòa tuyên bị cáo án tù chung thân. Cho rằng mình bị oan, phán quyết của Tòa là chưa thỏa đáng, bị cáo Vẫn đã kháng cáo toàn bộ Bản án sơ thẩm.

Mập mờ… luận tội

Ngày 23/4/2013, phiên tòa phúc thẩm đã quyết định hủy Bản án sơ thẩm, trả lại hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát tỉnh Cao Bằng để điều tra lại từ đầu do chưa đủ chứng cứ để kết tội bị cáo Hoàng Thị Vấn thực hiện hành vi giết người.

Hội đồng xét xử cho rằng đây là một vụ án không bắt được quả tang, không có nhân chứng trực tiếp nhìn thấy (tức là không phải là loại án rõ mà thuộc loại án mờ – PV) và chỉ tiến hành truy tố và xét xử theo lời khai nhận tại cơ quan điều tra của bị cáo.

Đồng thời, HĐXX đã chỉ ra quá trình thu thập, điều tra, giám định có vấn đề trong việc: Khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi và nhiều tài liệu, hiện vật khác chưa được phân tích, làm rõ.

Đáng nói, có dấu vết được thể hiện trên hộp miến Phú Hương. Qua giám định đã kết luận: Vết vân mờ trên hộp miến (dùng để che đậy xác nạn nhân – PV) không phải của các đối tượng nghi vấn (trong đó có cả bị cáo Hoàng Thị Vấn). Vậy vết vân mờ này là của ai? Có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm hay không? Và điều đó chứng tỏ bị cáo Vấn không có hành vi bê hộp miến để che đậy xác?

HĐXX cũng chỉ ra rằng, các mẫu máu thu giữ tại hiện trường cũng chưa được làm rõ. Trong vụ án này, bị cáo là nữ, bị hại cũng là nữ. Khi giám định chiếc áo ba lỗ có dính máu người nam giới, đồng thời vết máu trên tường đã thu giữ và khi giám định cũng kết luận là máu của một người nam giới. Vậy vết máu này là của ai? Có liên quan gì đến vết máu trên áo ba lỗ? Hai vết máu này có phải của cùng một người hay khác nhau? Có liên quan gì đến cái chết của bà Tiền?

HĐXX cũng khẳng định, trong quá trình lấy lời khai của những người tham gia tố tụng không tuân thủ theo đúng quy định của Điều 35 Bộ luật Tố tụng hình sự. Tham gia hỏi cung, lấy lời khai của các bị cáo, có rất nhiều người không phải là điều tra viên được phân công điều tra vụ án. Trong hồ sơ, toàn bộ các biên bản lấy lời khai đều có chữ kí của các điều tra viên ký nhưng lại không được đóng dấu, kể cả biên bản khám nghiệm hiện trường, biên bản thực nghiệm điều tra…

Thế Kỷ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP