Những sai phạm trong xây dựng dự án tổ hợp khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng tại khu vực phía Tây bán đảo Sơn Trà (TP.Đà Nẵng) đang khiến dư luận rất băn khoăn về vai trò và trách nhiệm của chính quyền địa phương. Bởi người phát hiện ra sai phạm không phải chính quyền sở tại mà là một người đánh cá.
Chính quyền địa phương là “cánh tay” nối dài của Nhà nước để làm tốt vai trò quản lý ở các cấp sở tại. Thế nhưng, khi “cánh tay” bị tê liệt vì lý do nào đó, không phát huy hết năng lực tối đa hoặc tắc trách sẽ để lại hậu quả khó lường, ảnh hưởng xấu đến uy tín, hình ảnh người “công bộc” của dân.
ĐBQH Trương Minh Hoàng – Phó Chủ nhiệm ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã có những chia sẻ thẳng thắn về vấn đề này với PV báo Người Đưa Tin.
ĐBQH Trương Minh Hoàng cho rằng, cần xử lý nghiêm những sai phạm, tránh tiền lệ xấu.
Phóng viên: Thưa ông, người dân Đà Nẵng và dư luận đang quan tâm vai trò của chính quyền địa phương ở đâu khi dự án tổ hợp khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng tại khu vực phía tây bán đảo Sơn Trà xây dựng trái phép. Ông có ý kiến như thế nào trước vụ việc này?
Ông Trương Minh Hoàng: Tôi nghĩ rằng, dù chính quyền địa phương có giải thích bằng lý do gì, lời lẽ thế nào cũng là một sự trốn tránh trách nhiệm. Một việc xảy ra trên địa bàn mình quản lý mà không biết là hết sức vô lý. Chính quyền địa phương nơi đây phải cầu thị xem lại trách nhiệm của mình. Vì sao người dân biết, mình là đại diện cho nhân dân, bảo vệ quyền lợi của nhân dân, hưởng lương từ nguồn thuế của người dân đóng góp lại không biết thông tin? Một người bình thường có hiểu biết cũng không ai ủng hộ những việc làm trái phép như vậy.
Phóng viên: Sự việc xảy ra nhưng chính quyền địa phương không phát hiện mà vi phạm do người đánh cá phát hiện. Phải chăng, bộ máy chính quyền của chúng ta thiếu nhân lực?
Ông Trương Minh Hoàng: Chính quản lý lỏng lẻo mới xảy ra vụ việc đáng tiếc như vậy. Xây dựng một tổ hợp khách sạn, nghỉ dưỡng đâu phải là nhỏ. Muốn xây dựng cần vận chuyển khối lượng nguyên vật liệu lớn, các trang thiết bị thiết yếu và hiện đại mới có thể thi công. Sự việc còn xảy ra một thời gian tương đối dài, không thể nói chính quyền không biết. Thực sự quá khó để có một lý do hợp lý.
Phóng viên: Nếu không xử lý nghiêm, việc này sẽ gây dư luận xấu?
Ông Trương Minh Hoàng: Đây là sai phạm rất rõ ràng. Với trách nhiệm, chính quyền địa phương cần nhận rõ sai sót của mình ở chỗ nào để có giải pháp khắc phục. Nếu cán bộ sai phải xử lý đến nơi đến chốn, tránh tình trạng tương tự diễn ra.
Trong các báo cáo, chúng ta luôn chỉ thấy cán bộ hoàn thành nhiệm vụ. Bộ máy công chức Nhà nước phình to mà khó tinh giản biên chế. Nhưng trên thực tế, có những cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ, chỉ khi có vụ việc xảy ra mới lộ diện. Câu chuyện lần này một lần nữa cho thấy sự cần thiết và phải nghiêm khắc hơn, nhìn nhận, đánh giá cán bộ một cách thực chất hơn. Một vụ việc sai phạm có thể khiến kết quả cố gắng cả năm bị ảnh hưởng. Cũng như nhiều cán bộ hưu trí bị truy trách nhiệm, cán bộ đương chức càng phải xử lý nghiêm để giữ kỷ cương pháp luật.
Phóng viên: Chúng ta khuyến khích, kêu gọi đầu tư vào địa phương nhưng không chấp nhận chuyện đánh đổi. Ông có suy nghĩ gì khi dư luận cho rằng, chính quyền địa phương ngại công ty to, dự án lớn nên khó lên tiếng?
Ông Trương Minh Hoàng: Thực ra, việc có dự án lớn, công ty lớn vào đầu tư, ứng dụng công nghệ cao để phát triển một khu vực, một vùng, một địa phương là hết sức bình thường. Cái không bình thường nằm ở chỗ, chúng ta không kiểm soát tốt hoạt động của những đơn vị này bằng bộ máy công quyền liêm chính nên gây dư luận xấu. Như tôi đã nói, đây là điều cần chấn chỉnh ngay.
Chưa có cơ sở để nghi ngờ những lợi ích nhóm phía sau. Bởi chúng ta luôn khuyến khích, kêu gọi đầu tư. Điều quan trọng là kiểm soát hoạt động đầu tư đó như thế nào. Quá trình quản lý lỏng lẻo để xảy ra những lùm xùm không hay mới là điều đáng trách cần phải xem xét.
Phóng viên: Một dự án có tầm ảnh hưởng lớn phải được xem xét một cách tổng thể, toàn diện, nếu không hậu quả sẽ khó lường. Không chỉ môi trường mà cả vấn đề an ninh, quốc phòng cũng phải được quan tâm và tính toán kỹ?
Ông Trương Minh Hoàng: Đúng vậy. Với bất cứ dự án nào vào địa phương, cần đánh giá tác động của dự án đến môi trường xung quanh. Chúng ta không đánh đổi sự phát triển bằng mọi giá. Nếu nhìn thấy dự án có thể ảnh hưởng đến môi trường, cần nghiên cứu kỹ các phương pháp khắc phục. Nếu chưa được phép xây dựng, chưa đảm bảo các tiêu chí trong báo cáo ĐTM đã cho xây dựng là điều khó được chấp nhận.
Ngoài môi trường cũng cần quan tâm đến vị trí xây dựng dự án có ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng hay không. Cần có các nhà chuyên môn phân tích và đánh giá, đưa ra những kết luận về việc dự án xây trên diện tích bao nhiêu, độ cao như thế nào là an toàn, được phép, có ảnh hưởng chiến lược chung không…
Nếu dự án liên quan đến môi trường rừng lại càng phải thận trọng. Chúng ta không thể hy sinh môi trường để lấy phát triển, hậu quả sẽ khôn lường. Đã có nhiều bài học đau lòng trên thực tế. Thiết nghĩ, bản thân một ngôi nhà của dân khi chưa được phép đã không thể xây dựng. Không có lý nào, một tổ hợp nghỉ dưỡng, khách sạn gồm nhiều hạng mục chưa được phép lại có thể ngang nhiên xây dựng như thế được. Tôi thấy trong vụ việc này có nhiều điều cần sớm làm sáng tỏ.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!
Dương Thu (thực hiện)