Không được đặc cách vì… sai quy trình
Trước đó, Báo Lao Động nhiều lần phản ánh, sau khi 214 giáo viên (GV), nhân viên ngành giáo dục huyện Kỳ Anh (cũ) bị cắt hợp đồng vào tháng 9.2015, nhiều người “kêu cứu” xin xem xét, cho họ cơ hội tiếp tục được cống hiến cho nghiệp sư phạm. Đặc biệt, xét đặc cách cho những người có thời gian công tác 3 năm trở lên theo quy định hiện hành. Bởi nhiều người trong số họ có thời gian công tác 5-7 năm, thậm chí 12 năm. Vừa qua, tỉnh Hà Tĩnh thông báo tuyển 72 chỉ tiêu sư phạm tiểu học cho huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh. Đến thời điểm này, trong số 214 GV bị cắt hợp đồng, huyện Kỳ Anh nộp 36 hồ sơ, thị xã Kỳ Anh 21 hồ sơ. Thế nhưng, ngày 24.12.2015, trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Phạm Quang Đệ – Chánh Thanh tra Sở Nội vụ Hà Tĩnh – cho biết, trong 72 chỉ tiêu tuyển dụng sắp tới, 214 GV bị cắt hợp đồng ở Kỳ Anh vẫn không được xét đặc cách. Lý do, chỉ xem xét đặc cách khi hợp đồng đó được cơ quan có thẩm quyền đồng ý. Nhưng 214 GV này do huyện Kỳ Anh trước đây tự ý ký trái quy định, không có văn bản xin phép UBND tỉnh, sau đó mới phải chấm dứt hợp đồng.
Trước câu hỏi trong Điều 14, Nghị định 29/2012 quy định xét đặc cách, không đề cập đến người được xét đặc cách phải từng ký hợp đồng với cơ quan có thẩm quyền, ông Đệ cho rằng: “Nếu xét đặc cách thì không chỉ trong số 214 GV bị cắt hợp đồng ở Kỳ Anh, mà cả tỉnh còn nhiều lắm. Mà cũng không riêng gì giáo dục, ở các ngành khác diện hợp đồng có khi lên đến cả 10-11 năm. Để giải quyết được điều đó là cả một vấn đề”. Về dư luận cho rằng việc có chỉ tiêu tuyển dụng nhưng đơn vị tuyển dụng không xét đặc cách nhằm dành chỉ tiêu cho diện “gửi”, “chạy chọt”, ông Đệ cho rằng đó chỉ là dư luận, nhưng không có cơ sở.
Yêu cầu kỷ luật sai phạm
Liên quan đến việc xử lý trách nhiệm việc ký hợp đồng với 214 GV ở Kỳ Anh sai quy trình, ông Đệ cho biết, Sở Nội vụ vừa có văn bản yêu cầu lãnh đạo UBND huyện, lãnh đạo công chức các phòng chuyên môn, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường và những người có liên quan khác viết bản tự kiểm điểm nghiêm túc, kiểm điểm trách nhiệm cá nhân trong lĩnh vực được giao. UBND huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh căn cứ vào vi phạm để hướng dẫn xử lý vi phạm theo thẩm quyền, thành lập Hội đồng kỷ luật xử lý kỷ luật công chức, viên chức theo thẩm quyền. Về tập thể, kiểm điểm trách nhiệm của tập thể huyện Kỳ Anh (cũ), Phòng Nội vụ, Phòng Giáo dục và các phòng liên quan, các trường Tiểu học, THCS, Mầm non có sử dụng lao động ký hợp đồng sai quy trình. Về Đảng, căn cứ quy định hiện hành, đề nghị cấp ủy Đảng cùng cấp tổ chức kiểm điểm, xử lý đối với những tập thể, đảng viên vi phạm.
Trong một diễn biến mới nhất, liên quan đến việc tỉnh Hà Tĩnh thông báo tuyển 72 chỉ tiêu sư phạm tiểu học ở Kỳ Anh nhưng không nhận hồ sơ bằng trung cấp là trái quy định theo Điều 77 Luật Giáo dục năm 2005 mà Báo Lao Động phản ánh, ông Phạm Quang Đệ cho biết, Sở Nội vụ cũng vừa có văn bản tham mưu cho UBND tỉnh Hà Tĩnh điều chỉnh nội quy để cho phép những người trong diện 214 GV ở Kỳ Anh bị cắt hợp đồng có bằng trung cấp vẫn được nộp hồ sơ.
Trần Tuấn/Lao Động