Tin

Võ Hoàng Yên: “Thần y” từ Việt Nam sang Mỹ… chữa bệnh

Ngay từ sáng sớm thứ tư, ngày 15/10, khá đông người – chủ yếu là người Việt, hầu hết đều bị bệnh nan y, đã kéo về ngôi chùa Tâm Từ tại Morgan Hill, miền Bắc California để mong được “thần y” Võ Hoàng Yên mới từ Việt Nam sang, chữa bệnh.

Ông Yên trả lời phỏng vấn báo đài người Việt ở Mỹ.

“Thần y” là chữ mà nhiều người trong nước dùng để gọi ông Võ Hoàng Yên. Nghĩ cũng lạ! Mỹ là một trong những quốc gia có nền y học tiên tiến hàng đầu thế giới nhưng có mặt tại đây, tôi chứng kiến nhiều cụ ông, cụ bà, người ngồi xe lăn, người chống nạng, người được con cái dìu đi từng bước khó nhọc nhưng vẫn cố gắng tìm đến chùa Tâm Từ – nhiều người đến trước một ngày – chưa kể những người hiếu kỳ, kể cả người Mỹ cũng đổ xô đi xem cho biết.

Một cụ ông tên Viên ở San Diego nói bằng giọng ngọng nghịu, cho biết cụ đã đợi từ đêm hôm trước: “Tôi bị tai biến, liệt nửa người. Nghe tin thầy Yên qua, tôi nhờ con tôi chở đến”. Một thanh niên khác tên Tony Nguyễn, ở Santa Clara, bị tổn thương màng nhĩ, gần như điếc hoàn toàn. Muốn nghe người khác nói, anh phải dùng máy trợ thính: “Tôi tin rằng thầy Yên có phép lạ vì nhiều người bị đột quị, câm, điếc, khối u, đau nửa đầu, tê liệt…, chỉ cần được thầy đặt bàn tay lên là lành (?!)”.

Một bác sĩ Mỹ tên là McCulloch, chuyên về bệnh lý tim mạch, làm việc tại Trung tâm Y khoa Los Angeles nói với tôi: “Nếu quả đúng như lời đồn đãi thì có lẽ tôi sẽ bỏ nghề, theo ông thầy này vì một bệnh nhân liệt nửa người vì nhồi máu não, chỉ cần “thầy” Yên “sờ” một cái là đi được thì mọi máy móc vật lý trị liệu của bệnh viện tôi coi như xếp xó!”.

“Thầy” Võ Hoàng Yên là ai?

Theo nhiều nguồn tin, ông Võ Hoàng Yên sinh năm 1975 trong một gia đình nghèo ở ấp Cái Nước, thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau. Khi còn nhỏ, gia đình gửi ông vào chùa Hưng Nghĩa (Hưng Nghĩa tự). Tại đây, ông được các nhà sư chỉ dạy cách trị bệnh bằng y học cổ truyền. Sau nhiều năm, ông tích lũy được một số kinh nghiệm và nghiên cứu thêm để biến nó thành sở trường của riêng mình.

Khi đã có đủ “vốn liếng y thuật”, ông Yên bắt đầu tiến hành chữa bệnh, và chữa miễn phí. Vào thời điểm tháng 5/2011, do chưa có giấy phép hành nghề nên ông Yên chữa “chui” ở một số ngôi chùa hoặc nhà dân, khách sạn. Chính vì vậy, ông đã bị chính quyền một số địa phương đình chỉ việc làm này đồng thời xử phạt hành chính. Tất cả những người được ông chữa đều không có hồ sơ bệnh án. Điều ấy khiến cho việc kiểm chứng thông tin rất khó khăn, chủ yếu là người này lành, người kia khỏi đều do đồn đại.

Một bệnh nhân đau đớn khi được ông Yên bẻ giò, bóp cẳng.

Thời điểm ấy, báo chí trong nước có nhiều bài khen ông, và cũng có nhiều bài phê phán hoặc nghi ngờ cách chữa bệnh của ông. Ông Yên cho biết, ông chỉ trị bệnh theo phương pháp y học cổ truyền, không hề có yếu tố thần thánh gì cả.

Phương pháp của ông là khai thông huyệt đạo, giúp bệnh nhân sửa lại những khiếm khuyết do tật bệnh: “Không phải tất cả các loại bệnh tôi đều chữa khỏi. Nhóm bệnh tôi có thể giúp bà con là bại liệt, câm, điếc do nguyên nhân tai biến, xuất huyết não, có khi do bẩm sinh với điều kiện cơ bắp người bệnh không bị tổn thương”. Riêng các trường hợp quá nặng thì ông chịu!

Về phía các ngành chức năng, khi xảy ra hiện tượng ông Yên chữa bệnh bằng cách xoa bóp, bấm huyệt, Thạc sĩ, bác sĩ Quách Ái Đức, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Phước nhận định: Chưa thể kết luận được phương pháp này có tác dụng tạm thời hay tác dụng lâu dài. Chính vì vậy, Sở Y tế sẽ có trách nhiệm tiếp tục kiểm định phương pháp của ông Yên.

Ông Yên đang điều trị cho một bệnh nhân bị liệt.

Ngày 29/7/2011, tại khuôn viên trụ sở Liên hiệp Các hội Khoa học kỹ thuật tỉnh Bình Phước, một hội thảo đã được tổ chức với sự tham dự của Liên hiệp Các hội Khoa học kỹ thuật với Hội Đông y tỉnh. Phần lớn những bệnh nhân được chữa trị tại đó đều có dấu hiệu tiến triển. Tuy nhiên, các ý kiến từ cơ quan y tế vẫn cho rằng cần phải hết sức khách quan trong việc đánh giá hiệu quả của phương pháp này.

Ngày 9/8/2011, UBND tỉnh Bình Phước đã có văn bản đồng ý để ông Võ Hoàng Yên được tiếp tục chữa bệnh trên địa bàn tỉnh, cụ thể là một điểm tại chùa Quang Minh, phường Tân Đồng, thị xã Đồng Xoài và một điểm tại Trụ sở Hội Đông y, thị xã Phước Long. Đến ngày 20/12/2012, ông Võ Hoàng Yên chính thức được công nhận là lương y và có giấy phép hành nghề.

Tại Hà Tĩnh, Sở Y tế Hà Tĩnh đã cấp giấy phép hành nghề cho ông Võ Hoàng Yên. Hội Đông y Hà Tĩnh đã làm lễ kết nạp và công nhận ông là thành viên Hội Đông y Hà Tĩnh. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để ông Yên xây dựng trung tâm Phục hồi chức năng tại huyện Cẩm Xuyên.

Ông Võ Hoàng Yên chữa bệnh như thế nào?

Tại chùa Tâm Từ, trong căn phòng rộng hơn 100m2, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến việc chữa bệnh của “thầy” Võ Hoàng Yên. Bệnh nhân đầu tiên được ông Yên chữa là ông Huy Trần, 46 tuổi, vừa bị giảm thính lực, vừa bị mù bẩm sinh. Bằng động tác đặt tay lên vùng tay, vùng mắt của ông Trần, sau một lát ông Trần cho biết đã có thể nghe được tiếng người nói ở xung quanh.

Bác sĩ McCulloch giải thích: “Giảm thính lực không có nghĩa là điếc hoàn toàn. Người bị giảm thính lực – tùy theo mức độ – vẫn có thể nghe được những tiếng động, nhất là những tiếng động lớn nên trường hợp này cần xem xét kỹ”. Tiếp theo, như thể chứng minh rằng mình đã được chữa lành, ông Trần cất tiếng nói bằng một giọng the thé. Nghe ông “nói”, có thể thấy rõ ràng là ông không kiểm soát được âm lượng và âm tiết của mình.

Vẫn theo bác sĩ McCulloch: “Người bị giảm thính lực thì không có nghĩa là họ bị câm hoàn toàn, mà họ vẫn có thể nói được mặc dù họ phát âm không tròn chữ”. Riêng về chứng mù bẩm sinh của ông Trần thì chẳng thấy “thầy” Yên bấm huyệt, giúp cho ông sáng lại! Có lẽ trường hợp này vượt quá khả năng của “thầy”.

Một cháu bé sau khi ông Yên bấm huyệt vẫn phải dựa vào người khác chứ không tự ngồi được một mình.

Bệnh nhân tiếp theo là bà Hồ Hương, 57 tuổi, bị đột quị và theo lời bà thì bà đã nằm liệt suốt 2 năm qua. Thế nhưng, khi được ông Yên xoa bóp hai chân bằng loại dầu nóng nhãn hiệu Kwong Loon Oil thì chỉ trong nhấp nháy, bà đã tự đứng lên rồi đi bộ trong căn phòng khiến người ta vỗ tay rần rần trong lúc không hề có ai để ý rằng khi đến đây, bà Hương đến bằng phương tiện gì, có đi được không, ai đưa bà vào và đưa như thế nào! Đặc biệt nhất là một thanh niên bị tai biến, liệt nửa bên người.

Chứng kiến tận mắt cách ông Yên chữa trị, tôi và nhiều người khác đều kinh hải: Ông nắm cánh tay bị liệt của bệnh nhân kéo mạnh lên khỏi đầu nhiều lần rồi đấm thùm thụp vào vai, mặc cho bệnh nhân nhăn nhó vì đau đớn. Sau đó, ông bảo bệnh nhân tự giơ tay lên nhưng khi thấy anh ta không thể giơ lên quá trán, ông kéo thẳng cái chân bị liệt ra một góc 90O so với thân hình. Chịu không nổi, anh ta ứa nước mắt vì đau nên không ít người đặt ra câu hỏi, rằng liệu kiểu chữa bệnh này thực sự hiệu quả hay không, và hiệu quả ấy kéo dài đến bao giờ?

Theo lý giải của những người hoài nghi về trường hợp ông Yên chữa lành những bệnh câm điếc, bại liệt, tai biến, đột quị, họ cho rằng tất cả đều do yếu tố tâm lý. Họ dẫn chứng bằng những phân tích trên trang web của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ: “Khi một bệnh nhân có lòng tin mạnh mẽ rằng một người nào đó có thể chữa lành cho họ thì lòng tin ấy sẽ tạo ra một hiệu ứng gọi là “chữa lành giả”, hay còn gọi là “chữa lành tạm thời”. Nó thúc đẩy sự an tâm, giảm căng thẳng, giảm đau, thúc đẩy hệ thần kinh hoạt động. Bên cạnh đó, nó còn tăng cường ý chí sống”.

Bà Thanh, mới qua Mỹ được hơn một năm cho biết, bà luôn ủng hộ phương pháp chữa bệnh bằng y học cổ truyền vì nó không đòi hỏi các máy móc tối tân, người bệnh dễ tiếp cận và nhất là chi phí thấp: “Nhưng tôi ngạc nhiên là với một người tài như ông Yên, tại sao ông không mở những điểm xoa bóp, bấm huyệt tại TP HCM vì nơi đây có hơn chục triệu dân, bệnh viện quá tải, số người bị liệt do tai biến, đột quị rất nhiều, chưa kể người câm, điếc, u bướu”.

Rồi bà đặt câu hỏi: “Phải chăng ngành y tế TP HCM không nhận ra khả năng siêu việt của ông Yên, hay vì những lý do gì đó mà ông chọn Bình Phước, Hà Tĩnh làm nơi tế độ?”.

Chiều thứ năm tôi trở lại chùa Tâm Từ vì ông Yên tiếp tục chữa cho người bệnh thêm một ngày nữa trước khi ông về Việt Nam. Anh Hải, một thanh niên 28 tuổi, lặn lội đến từ thành phố Seattle, bang Washington bị liệt thần kinh số 7, di chứng méo miệng cho tôi biết là hôm qua, khi thầy Yên bấm huyệt, anh thấy đỡ nhưng đến sáng nay, mọi sự vẫn y như cũ: “Tôi được thầy xoa bóp, bấm huyệt thêm một lần nữa nhưng lần này có vẻ không “ép phê”.

Cô Jenny Trịnh, 26 tuổi, ở Tampa, Florida nói: “Ba tôi bị tai biến, liệt nửa người trái. Bữa qua sau khi thầy bấm huyệt thì mấy đầu ngón chân ba tôi nhúc nhích được nhưng đến sáng nay liệt vẫn hoàn liệt. Và bởi vì ba tôi yếu quá, đi không nổi nữa nên tôi đến gặp thầy, xin thầy hướng dẫn là nên chữa tiếp bằng cách nào”.

Tìm hiểu thêm, tôi biết hầu hết những người đến nhờ ông Yên điều trị là những người không có bảo hiểm y tế nên mỗi khi đau ốm, họ tự chữa hoặc tìm gặp một số bác sĩ người Việt khai bệnh, lấy đơn thuốc rồi trả bằng tiền mặt nên chẳng có bệnh án để kiểm chứng xem bệnh tật của họ đã xuất hiện bao lâu, và diễn tiến như thế nào.

Có bệnh thì vái tứ phương, tôi chẳng khen ngợi cũng như không phê phán phương pháp chữa bệnh của ông Võ Hoàng Yên vì nền y học cổ truyền của mỗi quốc gia đều có cái hay riêng của nó, mà tôi chỉ ghi chép lại những gì mắt thấy tai nghe về chuyện chữa bệnh của “thần y” trên đất California…

Quyên Ca – Vũ Cao

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP