|
Họ đã tổng hợp dữ liệu từ hai thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên với 3.325 người tham gia kết hợp và một nghiên cứu gồm 1.713 người tham gia để tìm hiểu mối liên quan giữa nguy cơ ung thư vú nữ và hàm lượng 25-hydroxyvitamin D (25 (OH) D) huyết thanh, hàm lượng này được chọn làm chỉ dấu vì nó là dạng vitamin D chính trong máu.
Tất cả phụ nữ tham gia nghiên cứu từ 55 tuổi trở lên. Độ tuổi trung bình là 63. Dữ liệu được thu thập từ năm 2002 đến năm 2017. Những người tham gia không bị ung thư khi ghi danh và được theo dõi trong khoảng thời gian trung bình là bốn năm. Hàm lượng vitamin D trong máu được đo trong các lần thăm khám.
Trong quá trình nghiên cứu kết hợp, 77 trường hợp ung thư vú mới được chẩn đoán với tỷ lệ mắc bệnh được điều chỉnh theo tuổi là 512 ca/ 100.000 người/năm.
Các nhà nghiên cứu đã xác định hàm lượng tối thiểu 25 (OH) D khỏe mạnh trong huyết tương là 60 nanogram/ml, cao hơn đáng kể so với mức 20ng/ml được đề xuất năm 2010 bởi Viện Y học, nay là Học viện Y khoa Quốc gia Mỹ, nhóm tư vấn sức khỏe cho chính phủ liên bang. Một số nhóm, như GrassrootsHealth, đã ủng hộ mức tối thiểu cao hơn đối với hàm lượng vitamin D trong máu, là khoảng 50 ng/ml. Vấn đề vẫn còn tranh luận sôi nổi.
“Chúng tôi thấy rằng những người tham gia với hàm lượng 25 (OH) D trong máu trên 60 ng/ml có nguy cơ ung thư vú bằng 1/5 so với những người có hàm lượng này dưới 20 ng/ml”, điều tra viên chính và đồng tác giả Cedric F. Garland cho biết. Nguy cơ ung thư dường như giảm với hàm lượng vitamin D trong huyết thanh cao hơn
Tuy nhiên, theo Garland, nghiên cứu này chỉ giới hạn ở bệnh ung thư vú sau mãn kinh. Cần có nghiên cứu sâu hơn để tìm hiểu xem hàm lượng 25 (OH) D cao có thể ngăn ngừa ung thư vú tiền mãn kinh hay không. Quần thể tham gia nghiên cứu cũng chủ yếu là phụ nữ da trắng nên cần nghiên cứu thêm trên các nhóm dân tộc khác.
Tác giả: Nguyễn Hà
Nguồn tin: Báo Dân trí