Nhiều phụ huynh có đơn gửi đến Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tố cáo Công ty CP Liên minh tiêu dùng Việt Nam (VietNet) đã “dụ” nhiều học sinh tham gia vào “đường dây” bán hàng đa cấp dưới cái tên “cộng tác viên kinh doanh”. Đa phần các sản phẩm đều coa giá từ 8 – 10 triệu đồng, “giải pháp” được nhân viên Công ty đưa ra cho các học sinh là đi… cầm đồ các giấy tờ học sinh.
Em Phạm Nguyễn Hải N. phải đi cầm cố học bạ, chứng minh thư để có tiền tham gia vào đường dây bán hàng đa cấp của Công ty VietNet. |
Một trong những phụ huynh có đơn gửi đến Báo điện tử Giáo dục Việt Nam là chị Nguyễn Vương N.V., trong đơn chị V. cho biết, con gái chị tên là T.H và hai bạn cùng lớp là H. và N. bị một bạn lớp trưởng của khóa trên tên là Gi. dụ dỗ đến làm việc tại Công ty VietNet.
“Khi các cháu đến Công ty, một người tên là Vũ tư vấn là nộp một số tiền 8,5 triệu đồng/người để mua sản phẩm (cụ thể là sâm) thì mới được nhận là “cộng tác viên” chính thức của Công ty. Với một số tiền lớn như vậy, các cháu không thể có được nếu không xin bố mẹ. Một điều đáng nói ở đây, chính những nhân viên trong Công ty đã khuyên các cháu là không nên nói với bố mẹ, khi nào làm được nhiều tiền thì mới nói”, chị V. bức xúc kể lại.
Để có số tiền như trên, các nhân viên VietNet đã đưa ra “giải pháp” là dẫn các cháu ra hiệu cầm đồ “cầm cố”… học bạ, chứng minh thư để vay tiền về nộp cho Công ty.
Đi dọn vệ sinh để trả tiền… lãi cầm đồ!
Theo trình bày của chị V., sau 15 ngày, tiền đã nộp nhưng hàng không được lấy với lý do hết hàng. Hiệu cầm đồ thì thông báo số tiền lãi đã lên 1 triệu đồng/cháu. Lúc này, các cháu sợ quá không dám nói với gia đình mà đã rủ nhau đi làm giúp việc dọn vệ sinh ở khu chung cư với giá 30.000 đồng/giờ để lấy tiền trả nợ.
Tuy nhiên, gia đình chị V. đã sớm phát hiện ra sự việc này và ngăn chặn không để các cháu đi quá xa dẫn đến nhiều sai lầm.
Gia đình chị V. đã đến Công ty để làm rõ về việc này và đòi lại tiền vào ngày 08/11/2014. Khi đến Công ty, tiếp các gia đình là Trưởng phòng Kinh doanh tên là Huy.
Ông Huy đã thông báo là Công ty sẽ làm thủ tục hoàn trả lại tiền cho 3 cháu nhưng phải thu lại 10% thuế VAT (trong phiếu xuất kho không hề ghi là số tiền trên đã bao gồm 10% thuế VAT) đồng thời sẽ mời những nhân viên đưa các cháu đi cầm đồ đến làm việc.
Ông Nguyễn Văn Chung, Chủ tịch HĐQT trực tiếp đứng ra ký hợp đồng với các em học sinh. |
Đến ngày 11/11/2014, đại diện cho 3 gia đình đến làm việc thì phía Công ty nói sẽ trả lại tiền cho các cháu sau khi thu lại 10% thuế VAT + 15% hoa hồng đã chi cho người môi giới. Tuy nhiên, gia đình 03 học sinh trên không đồng ý và có đơn tố cáo gửi đến Báo điện tử Giáo dục Việt Nam.
Nhân viên VietNet (áo đen) trực tiếp chở các em học sinh ra hiệu cầm đồ để cầm cố học bạ, chứng minh thư lấy tiền mua sản phẩm của VietNet (ảnh do gia đình học sinh cung cấp). |
Chị V. Cho biết: “Các cháu đều chỉ mới 17-18 tuổi, chưa có kinh nghiệm sống. Nguy hiểm nhất là nhân viên của VietNet đã dụ dỗ trẻ con mang giấy tờ đi vay tiền với lãi suất cắt cổ ở hiệu cầm đồ. Khi vay tiền xong, toàn bộ giấy tờ cầm cố, nhân viên công ty giữ hết. Nếu gia đình không biết, bọn trẻ con không có tiền trả nợ thì không biết hậu quả sẽ như thế nào?”.
Phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhiều lần liên hệ với ông Nguyễn Văn Chung, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Liên minh tiêu dùng Việt Nam để xác minh vụ việc nhưng ông Chung lấy lý do bận làm việc ở Bắc Giang nên chưa làm việc được với báo chí.
Đề nghị Cơ quan điều tra sớm vào cuộc làm rõ những hành vi vi phạm quy định pháp luật về kinh doanh đa cấp của Công ty Liên minh tiêu dùng Việt Nam.
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
Hải Ninh-Giang Hạ