Trong nước

Việt Nam - Cuba: Ân tình đặc biệt từ trái tim!

Hiếm có mối quan hệ nào lại ẩn chứa nhiều nét đặc biệt như quan hệ giữa 2 Đảng, 2 Chính phủ và nhân dân 2 nước Việt Nam - Cuba.

Từ “đôi mắt xanh” của “vị thánh tông đồ của nền độc lập dân tộc”

Với những người yêu chuộng hòa bình, José Martí là một cái tên không xa lạ. Ông sinh ngày 28/1/1853 tại La Habana, là nhà tư tưởng, nhà văn hóa kiệt xuất, nhà cách mạng kiên cường của Cuba và Mỹ Latinh. Ông là người phát động và lãnh đạo cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Cuba vào cuối thế kỷ 19 và hy sinh trên chiến trường ngày 19/5/1895. Nhân dân Cuba tôn vinh ông là “vị thánh tông đồ của nền độc lập dân tộc”.

Nhiều người Việt Nam còn biết đến José Martí bởi một sự trùng hợp thú vị khác của lịch sử: Ngày 19/5/1895, José Martí, anh dũng hy sinh khi đang ngồi trên mình ngựa xông ra trận chiến đấu chống quân thực dân Tây Ban Nha. 5 năm trước đó (năm 1890), cũng ngày 19/5, Hồ Chí Minh, con người vĩ đại của nhân dân Việt Nam cất tiếng chào đời.

Fidel Castrol tại Quảng Trị năm 1973.

Tuy nhiên, không nhiều người biết rằng, chính nhà cách mạng kiệt xuất này với bài viết “Cuộc dạo chơi trên đất nước của người An Nam” (in trên tạp chí Tuổi Vàng của Mỹ năm 1889) về cuộc sống lao động cần cù, sáng tạo, với nền văn hóa lâu đời, phong phú, nêu bật tinh thần đấu tranh bất khuất chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam cùng niềm tin tất thắng vào cuộc đấu tranh đó, đã được xem là người Mỹ Latinh đầu tiên “phát hiện ra Việt Nam” và là “người Cuba đầu tiên gieo hạt giống cho tình đoàn kết hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam - Cuba”.

Tới mối quan hệ hữu nghị đặc biệt

Từ hạt giống lành của nhà cách mạng lỗi lạc José Martí, mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Cuba đã lớn mạnh không ngừng. Nhiều học giả Cuba và Việt Nam đều cho rằng, dường như lịch sử đã khéo lựa chọn, giao phó cho Hồ Chí Minh tiếp nối sứ mệnh mà José Martí chưa hoàn thành, nhằm giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa.

Trong một thời gian dài cho đến năm 1892, José Martí đã hoạt động ráo riết để sáng lập Đảng Cách mạng Cuba (tiền thân của Đảng Cộng sản Cuba ngày nay), thì đầu thế kỷ XX, vào năm 1930, Hồ Chí Minh chính là người đã tổ chức, rèn luyện và lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam…

Cùng chung một lý tưởng, một đích đến… Việt Nam - Cuba ngày thêm gắn bó, đồng cảm, chia sẻ… Chỉ chưa đầy một năm sau ngày cách mạng Cuba thành công (ngày 1/1/1959), giữa thời điểm chỉ có một số ít các quốc gia trên thế giới công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam Dân chủ cộng hòa (VNDCCH), giữa vô vàn e dè, ngại ngần, thậm chí xa lánh…, trong bối cảnh toàn bộ Mỹ Latinh đang chịu sự chi phối và bị coi là khu vực “sân sau” của Mỹ, ngày 2/12/1960, Cộng hòa Cuba đã là quốc gia đầu tiên ở Mỹ Latinh thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ với VNDCCH.

Cuba cũng là nước Mỹ Latinh đầu tiên trên thế giới công nhận Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (năm 1962) và thành lập Ủy ban toàn quốc đoàn kết với nhân dân miền Nam Việt Nam (năm 1963); là một trong những nước đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và cũng là nước đầu tiên đặt “Đại sứ quán trong rừng” ở Tây Ninh (năm 1969)…

Trân quý vô cùng là tình cảm ấy không chỉ hiện diện trên những tờ quyết định, trong những lời nói tưởng chừng mang tính ngoại giao đơn thuần… Càng trong gian khó, kìm kẹp, cản trở, bất chấp những biến thiên của thế sự, bất chấp khoảng cách địa lý “đường xa vạn dặm”…, tình cảm ấy chưa một thời khắc nào phai nhạt, mà ngược lại, càng trở nên sâu đậm, tựa “tri kỷ”.

Những năm 1960, 1970, khó khăn đầy ắp, nhưng trong thời kỳ gian khổ nhất của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam, Đảng, Nhà nước và nhân dân Cuba đã luôn luôn đồng hành, chắt chiu dành cho Việt Nam sự ủng hộ lớn nhất có thể, cả về vật chất lẫn tinh thần.

Với tinh thần: “Vì Việt Nam, chúng ta sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”, một phong trào quần chúng rộng rãi ủng hộ Việt Nam đã được triển khai khắp Cuba; Ðài phát thanh La Habana đã dành riêng một kênh phát bằng tiếng Anh sang Mỹ để giới thiệu với nhân dân Mỹ về tình hình Việt Nam và cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam, góp phần cùng Việt Nam tranh thủ dư luận tiến bộ Mỹ, ủng hộ Việt Nam, đòi chấm dứt chiến tranh. Cuộc sống vật chất còn thiếu thốn trăm bề là thế nhưng ước tính những năm tháng chiến tranh ác liệt ấy, Cuba đã giúp Việt Nam hàng vạn tấn đường và bán số đường đó lấy ngoại tệ để gửi cho Mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam.

Trong một cuộc mít tinh quần chúng với hàng chục vạn người tham gia tại thủ đô La Habana, Fidel Castro đã nói: “Đáng tiếc là chúng ta - những người Cuba - không có đủ đường sữa để gửi cho nhân dân Việt Nam, chứ nếu có, không những đường sữa mà cả máu chúng ta cũng sẵn sàng hiến dâng cho nhân dân Việt Nam”. Năm 1967 được Cuba đặt tên là “Năm Việt Nam Anh hùng”. Cuba đã nhận hàng nghìn sinh viên Việt Nam sang đào tạo ở nhiều ngành khác nhau. Giữa lúc Mỹ đang tiến hành phá hoại ở miền Bắc, nhiều kỹ sư, công nhân và nhiều bác sĩ, nhân viên y tế Cuba đã sang giúp chữa trị cho các nạn nhân chiến tranh. Bất chấp sự phong tỏa bằng bom, mìn của đế quốc Mỹ, các tàu Cuba vẫn cập cảng Hải Phòng vận chuyển hàng cứu trợ của nhân dân Cuba giúp người dân Việt Nam. Fidel không chỉ một lần khẳng định: “Tình đoàn kết của chúng ta, niềm tin của chúng ta đối với nhân dân Việt Nam và ban lãnh đạo Việt Nam là vô điều kiện và tuyệt đối”.

Chiến tranh kết thúc, Cuba cũng là nước có vai trò rất quan trọng trong việc vận động các nước Mỹ Latinh ủng hộ Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc tại Khóa họp 32 Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 1977. Trong suốt thập niên 80 thế kỷ XX, khi cả hai nước phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, Cuba cũng là nước Mỹ Latinh duy nhất kề bên Việt Nam cùng chống lại chính sách bao vây, cấm vận của Mỹ.

Tình bạn mãi không phai

Chính những “điều đầu tiên”, chính những điều sẻ chia chí nghĩa chí tình trong những năm tháng bộn bề khó khăn ấy đã khiến mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Cuba, như lời lãnh tụ Fidel Castro, trở thành “mối quan hệ đặc biệt, không có tiền lệ, là hình mẫu của quan hệ quốc tế”. Thời gian trôi đi, thế sự thêm nhiều biến thiên, nhưng với đạo lý “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, nhân dân Việt Nam mãi mãi ghi nhớ tình cảm sâu đậm và những sự giúp đỡ vô giá mà nhân dân Cuba đã dành cho mình.

Cũng bởi đạo lý ấy, ơn nghĩa ấy, mà Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam từ lâu đã coi việc đoàn kết, ủng hộ và hợp tác với Cuba là một nguyên tắc, một mệnh lệnh của trái tim. Khi Liên Xô và các nước XHCN Ðông Âu sụp đổ, Mỹ siết chặt cấm vận, lại bị thiên tai tàn phá liên tiếp, Cuba đã phải đương đầu với rất nhiều khó khăn của thời kỳ đặc biệt, thời kỳ khó khăn nhất kể từ khi cách mạng thành công, Việt Nam đã dành cho đất nước anh em sự ủng hộ hết lòng: tổ chức các đợt quyên góp gạo, quần áo, đồ dùng học tập cho học sinh, máy tính, một số mặt hàng tiêu dùng cần thiết khác, gửi sang giúp Cuba. Tới thời điểm này, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ hai trong khu vực châu Á và châu Đại Dương của Cuba, là nhà cung cấp gạo chính cho Cuba.

Giờ đây, khi hai nước nói riêng và thế giới nói chung bước vào giai đoạn phát triển mới, Đảng và Nhà nước hai nước Việt Nam - Cuba đều nhận thức rõ mối quan hệ hợp tác giữa hai nước vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và cần phải được nâng lên tầm cao mới.

Nói về mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Cuba, có ai đó đã viết rằng: mối quan hệ gắn bó, thủy chung giữa Việt Nam và Cuba là thứ tình cảm hết sức “vi diệu” đã nảy sinh giữa hai dân tộc mà lý thuyết nào về quan hệ quốc tế cũng không giải thích nổi. Và mối quan hệ ân tình đặc biệt ấy, sẽ còn mãi không phai, bất chấp thời gian và không gian./.

Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cuba từ ngày 28 - 31/3/2018 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có ý nghĩa đặc biệt khi được thực hiện trong năm 2018, thời điểm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng trong quan hệ giữa hai dân tộc. Trong tháng 9/2018 sẽ diễn ra lễ kỷ niệm 45 năm Ngày Chủ tịch Cuba Fidel Castro đến thăm vùng đất lửa Quảng Trị, chuyến thăm đã truyền động lực lớn lao cho dân tộc Việt Nam, lúc ấy đang trong thời kỳ đấu tranh gian khổ giành độc lập, thống nhất đất nước. Năm 2018, Cuba cũng kỷ niệm 55 năm Ngày thành lập Ủy ban đoàn kết với Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam…

Tác giả: Hà Anh

Nguồn tin: Báo Tiếng nói Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP