Chuyện khó tin

Vì sao cô dâu, chú rể bị nhà hàng ‘giam lỏng’ trong đêm tân hôn?

Cô dâu, chú rể cho rằng nhà hàng không thực hiện đúng như những cam kết trong hợp đồng, chú rể không chịu hoàn tất kinh phí nên bị “giam lỏng” suốt đêm tân hôn.

Sáng ngày 10/1, liên quan đến việc chủ nhà hàng “giam lỏng” cô dâu, chú rể sau tiệc cưới, PV báo Người Đưa Tin tiếp tục liên hệ với chủ nhà hàng Melisa Center (đường Thoại Ngọc Hầu, quận Tân Phú, TP.HCM). Tuy nhiên, sau nhiều lần liên hệ, chủ nhà hàng vẫn từ chối tiếp xúc với báo chí. Theo đó, khi chúng tôi tới nơi chỉ có một anh bảo vệ trước cổng nhà hàng cho biết: “Giám đốc nhà hàng đi vắng nên không thể tiếp được,…”.

Nhà hàng Melisa Center

Trước đó được biết, tối ngày 8/1, anh Nguyễn Thành Tín cùng gia đình tổ chức tiệc cưới tại nhà hàng Melisa Center. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức, anh và vợ là chị Nguyễn Thị Thu Hà không đồng tình với cách phục vụ của nhân viên nhà hàng như liên tục hối thúc khách ăn. Ngoài ra, thức ăn không giống như trong hợp đồng đã ký trước đó.

Chính vì thế, anh Tín và chị Hà đã phản đối việc vi phạm của nhà hàng trên và yêu cầu làm rõ thì mới trả số tiền 64 triệu đồng còn thiếu trong hợp đồng và yêu cầu nói chuyện với đại diện nhà hàng. Tuy nhiên, quản lý nhà hàng cho biết chủ nhà hàng sáng mai mới tới.

Cô dâu, chú rể đang bị “giam lỏng” sau tiệc cưới

Còn phía cô dâu, chú rể cũng không chịu trả tiền và đòi ra về mai mới tới giải quyết. Tuy nhiên, nhân viên nhà hàng đã đóng cửa, giam lỏng anh Tín chị Hà cùng nhiều người thân khác bên trong nhà hàng không cho về.

Anh Tín cho biết: “Chúng tôi có đủ tiền nhưng không trả vì muốn nói chuyện phải trái về nội dung trong hợp đồng đã ký. Tôi không chấp nhận hợp đồng một đường nhưng sản phẩm hoàn toàn khác”, anh Tín nói.

Sự việc sau đó được trình báo cho Công an phường Hòa Thạnh ghi nhận sự việc nhưng vì đây là hợp đồng dân sự nên để hai bên tự giải quyết.

Luật sư Nguyễn Văn Hiếu (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết: “Theo Khoản 1, Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 1999, đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2009 quy định người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp như có tổ chức, hoặc đối với nhiều người thì mức phạt tù từ một năm đến 5 năm.Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân nói riêng, quyền tự do, dân chủ của công dân nói chung sẽ tùy theo tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đều phải bị xử lý bằng chế tài hành chính hay chế tài hình sự”.

Hương Sen – Dương Hạnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP