TS. BS Nguyễn Văn Dũng, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai cho biết, bệnh nhân là nam thanh niên 30 tuổi ở TP Hưng Yên.
Từ ngày 15/4, bệnh nhân bắt đầu ho khan, đau họng, 2 ngày sau sốt cao 39 độ kèm đau đầu, buồn nôn và nôn nhiều. Đêm 17/4, gia đình đưa bệnh nhân đến BV đa khoa tỉnh cấp cứu. Trưa hôm sau, bệnh nhân bắt đầu rối loạn ý thức, được chỉ định chuyển lên BV Bạch Mai.
Theo TS Dũng, khi tới Bạch Mai, bệnh nhân trong tình trạng nặng, kích thích vật vã, chân và thân mình xuất hiện nhiều chấm xuất huyết.
Sau 5 ngày điều trị, bệnh nhân đã tỉnh táo song vẫn cần theo dõi thời gian dài |
Kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân mắc viêm não mô cầu thể viêm màng não mủ - một trong 2 thể nặng của não mô cầu.
Ngay lập tức, bệnh nhân được chỉ định nằm cách ly, nhiều người nhà, nhân viên y tế tiếp xúc với bệnh nhân cũng được uống kháng sinh dự phòng.
Sau 5 ngày điều trị, tình trạng bệnh nhân đã tiến triển hơn, tỉnh táo song vẫn còn sốt và cần theo dõi thời gian dài.
TS Dũng cho biết, viêm não mô cầu là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, do vi khuẩn não mô cầu Neisseria meningitidis gây nên. Bệnh lây truyền theo đường hô hấp, thường gặp ở lứa tuổi trẻ và có khả năng gây thành dịch.
Bệnh thường xảy ra ở nơi tập trung đông người (nhà trẻ, trường học, ký túc xá, doanh trại, ...), người bị suy giảm miễn dịch hoặc đồng nhiễm khuẩn đường hô hấp.
Tại nước ta, bệnh lưu hành và được ghi nhận rải rác tại nhiều địa phương, hay gặp vào mùa đông - xuân. Bệnh thường để lại di chứng nặng nề như chậm phát triển tinh thần, điếc, liệt với tỉ lệ từ 10-20%. Tỉ lệ tử vong có thể từ 8 - 15%.
Khi mắc bệnh, quan trọng là cần được chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời, cách ly để tránh lây lan dịch. Bệnh nguy hiểm nhưng có thể dự phòng bằng cách tiêm vắc xin AC hoặc BC.
Những người tiếp xúc gần với người mắc/nghi mắc bệnh viêm não mô cầu cần đeo khẩu trang y tế và các trang bị phòng hộ cá nhân, đặc biệt cần sử dụng thuốc điều trị dự phòng càng sớm càng tốt.
Tác giả: Thúy Hạnh
Nguồn tin: Báo VietNamNet