Cam bén rễ đất cằn
Là xã miền núi nên Sơn Thọ có quỹ đất tự nhiên rộng lớn với hơn 4.590 ha. Để tận dụng lợi thế về khí hậu và đất đai, ngoài phát triển chăn nuôi và trồng rừng thì tìm loại cây ăn quả phù hợp để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho bà con luôn là nỗi trăn trở của cấp ủy, chính quyền địa phương. Từ đó, cam “bén duyên” và trở thành cây trồng chủ lực của xã từ nhiều năm nay.
Ban đầu chỉ trồng thử vài ba sào cam chanh, đến nay, toàn xã đã có hơn 90% hộ trồng cam với tổng diện tích trên 117 ha. Hộ trồng ít thì vài ba sào, nhiều thì 4 ha, với các giống cam chanh, cam bù, cam đường có năng suất và giá trị kinh tế cao.
Phó Bí thư Đảng ủy Nguyễn Đăng Nhàn phấn khởi: “Do chất đất và khí hậu phù hợp nên cam Sơn Thọ phát triển tốt, năng suất rất cao. So với Hương Sơn thì diện tích trồng cam của Vũ Quang ít hơn nhưng nếu so từng xã thì có thể coi Sơn Thọ là “thủ phủ” của cây cam”.
Được biết, các xóm 1, 2, 6, 7 là những nơi có diện tích trồng cam lớn nhất xã. Theo nhiều hộ dân, cam đã cho thu hoạch từ giữa tháng 10 cho đến nay, trong đó, cam chanh thu hoạch đầu tiên, tiếp đó là cam đường, gần tết là cam bù.
Theo ông Nguyễn Khắc Hội – Chủ tịch UBND xã Sơn Thọ, mặc dù đang còn một số diện tích cam bù chưa thu hoạch nhưng tính đến nay, sản lượng vụ cam năm 2014 đã đạt trên 500 tấn, vượt xa con số 110 tấn của năm 2013. Nguyên nhân là do cây cam có giá trị kinh tế cao, người dân tập trung đầu tư nên diện tích tăng lên trên 15 ha, cộng với thời tiết thuận lợi.
Đổi thay nhờ cam
Có thể nói, kể từ ngày cây cam bén rễ và phát triển đã mang lại sự đổi thay lớn cho bà con Sơn Thọ. Từ một xã nghèo vốn chỉ dựa vào cây mía làm mật và trồng rừng, đời sống bà con gặp vô vàn khó khăn, thì đến nay, Sơn Thọ đã trở thành một điển hình trong phát triển kinh tế của huyện Vũ Quang. Thu nhập trung bình của các hộ trồng cam đạt 50 triệu đồng/hộ/năm; thu nhập bình quân đầu người toàn xã năm 2013 đạt hơn 17 triệu đồng/người; đời sống người dân được nâng lên rõ rệt.
Điều trăn trở duy nhất hiện nay của người trồng cam Sơn Thọ là tình trạng sâu bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp |
Trong căn nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi, anh Trần Nhật Hùng (xóm 1) bộc bạch: “Cây cam đã làm cho cuộc sống gia đình tôi đổi thay hoàn toàn”. Từ hai bàn tay trắng, cuộc sống khó khăn, thiếu thốn, nhận thấy giá trị kinh tế của cây cam nên vợ chồng anh Hùng phát cỏ 3 ha đất vườn đồi để trồng. Đến nay, vợ chồng anh đã có vườn cam rộng hơn 2 ha. Với sự chăm sóc chu đáo, cẩn thận, bình quân mỗi vụ cam mang lại gần 200 triệu đồng.
“Vụ cam năm nay tiếp tục được mùa. Tính đến nay, chỉ riêng cam chanh bán với giá 30 ngàn đồng/kg, tôi đã thu được 25 triệu đồng, cam đường hơn 50 triệu đồng. Cam bù là có diện tích nhiều nhất thì phải chờ đến giáp tết mới thu hoạch được” – anh Hùng vui vẻ.
Anh Trần Quốc Định (xóm 1) cũng thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi vụ cam. Nhờ đó, gia đình anh đã thoát nghèo bền vững, xây dựng nhà cửa khang trang và có điều kiện nuôi dạy con cái ăn học đàng hoàng.
Điều trăn trở duy nhất hiện nay của người trồng cam Sơn Thọ là tình trạng sâu bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là sâu đục thân, bệnh gân xanh lá vàng chưa có phương pháp điều trị hữu hiệu. Đặc biệt, dù chất lượng cam của Sơn Thọ không thua kém các địa phương nhưng do chưa xây dựng được thương hiệu nên còn lẫn lộn với cam nơi khác.
Phúc Quang