Thế giới

Văn hóa súng đạn ở Thái Lan

Ngày 7-10, các tòa nhà chính phủ ở Thái Lan đã treo cờ rủ để tưởng niệm ít nhất 37 nạn nhân, bao gồm 23 trẻ em, chết trong vụ xả súng tại một nhà chăm sóc trẻ ở tỉnh Nong Bua Lam Phu, đông bắc Thái Lan.

Bà Sittipong Taothawong, mẹ của một trong những đứa trẻ chết trong vụ xả súng ngày 6-10, cầm theo bình sữa và chăn của con tại hiện trường - Ảnh: AFP

Thảm án ngày 6-10 một lần nữa khiến công chúng Thái Lan đặt câu hỏi về hiện trạng sử dụng súng tại quốc gia này.

"Toàn cầu hóa văn hóa súng"

Hãng tin Reuters cho biết luật sử dụng súng ở Thái Lan rất nghiêm, nhưng nước này có tỉ lệ sở hữu súng cao hơn một số quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á. Còn theo báo Thai Inquirer, Thái Lan đã có luật sở hữu súng từ năm 1947. Vào năm 2017, luật được sửa đổi, quy định chỉ công dân Thái mới được sở hữu súng.

Số liệu từ Trường Y tế công cộng thuộc Đại học Sydney cho hay có hơn 10 triệu khẩu súng thuộc sở hữu tư nhân đang được lưu hành ở Thái Lan. Cứ bảy người sống ở nước này thì có gần một người sở hữu súng, đồng nghĩa với việc Thái Lan là một trong những nước có tỉ lệ sở hữu súng cao nhất Đông Nam Á. Thái Lan cũng là một trong những nước có tỉ lệ giết người bằng súng cao nhất.

Luật pháp Thái Lan quy định súng chỉ có thể được mua từ một số đại lý súng được cấp phép hạn chế. Chính các đại lý này cũng bị hạn chế về số lượng súng và đạn dược họ có thể bán mỗi năm.

Cá nhân muốn có giấy phép mua súng phải từ 20 tuổi trở lên và phải có lý do cụ thể, như tự vệ, thể thao và săn bắn. Người mua súng cũng phải có đủ khả năng chi trả các khoản phí hành chính và nhập khẩu đắt đỏ liên quan đến việc sở hữu súng, có thể lên tới 40.000 baht Thái (1.069 USD) một khẩu. Theo báo Bangkok Post, việc mua súng cũng có thể mất đến nửa năm để hoàn thành mọi thủ tục.

Ông Aaron Karp, Viện Nghiên cứu quốc tế và phát triển (IHEID) ở Geneva, nhận xét rằng so với phần còn lại của thế giới, luật kiểm soát súng của Thái Lan "không đặc biệt nghiêm ngặt, nhưng cũng không đặc biệt dễ dãi".

Việc người Thái quan tâm nhiều tới súng được lý giải một phần do nền văn hóa đậm chất quân sự ở nước này. Nhà nghiên cứu Michael Picard cho rằng chi phí đắt đỏ và sự khó khăn để có được một khẩu súng hợp pháp cũng đã biến chúng thành một biểu tượng địa vị ở Thái Lan, đại diện cho quyền lực, sự giàu có và đặc quyền.

Paul Chambers, giảng viên Trung tâm Nghiên cứu cộng đồng ASEAN tại Đại học Naresuan, miền bắc Thái Lan, cho biết mức độ phổ biến của súng, cũng như những vụ xả súng hàng loạt là dấu hiệu cho thấy tình trạng "toàn cầu hóa văn hóa súng".

Một số nhà lập pháp đã kêu gọi siết luật súng, nhằm giảm số lượng súng bất hợp pháp đang lưu hành. Nhưng dư luận vẫn chưa rõ liệu việc này có tác động gì đến việc giảm hay ngăn chặn những vụ xả súng hàng loạt trong tương lai hay không.

Vì sao Philippines ít thảm kịch xả súng?

Các vụ xả súng hàng loạt kiểu như vụ ngày 6-10 được cho là tương đối hiếm ở Thái Lan. Lần gần nhất xứ sở chùa vàng trải qua thảm án tương tự là cách đây hai năm, khi đó một binh sĩ đã dùng súng trường giết chết 29 người tại một trung tâm mua sắm cũng ở đông bắc Thái Lan.

Vụ án năm 2020 là vụ xả súng hàng loạt đầu tiên và đẫm máu nhất trong lịch sử hiện đại của Thái Lan cho đến khi vụ ngày 6-10 diễn ra.

Tay súng gây thảm án ngày 6-10 là cựu cảnh sát, người có thể không gặp khó khăn gì để tiếp cận với một khẩu súng đăng ký hợp pháp. Kẻ xả súng năm 2020 cũng là binh sĩ, người đã dùng vũ khí và đạn dược đánh cắp từ căn cứ quân đội để gây tội ác.

Giống Thái Lan, Philippines là quốc gia hiếm hoi tiếp theo cho phép sở hữu súng ở khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, các thảm kịch xả súng như 6-10 không phổ biến ở Philippines. Một trong những vụ đáng chú ý nhất là vào năm 2013, khi một người say rượu nổ súng khiến 8 người chết và 11 người bị thương.

Khi Mỹ đóng quân ở Philippines vào đầu những năm 1900, tư nhân được phép sở hữu súng cho "mục đích hợp pháp" và săn bắn. Đến năm 2000, Tổng thống Joseph Estrada cho phép người dân sở hữu bao nhiêu súng tùy thích, ở bất kỳ loại và cỡ nòng nào.

Luật năm 2013 quy định rõ tiêu chuẩn sở hữu súng và mang súng ở nơi công cộng. Chủ sở hữu súng phải đủ 21 tuổi và tham gia lớp an toàn về súng.

Học giả người Philippines Raymund Narag, phó giáo sư tội phạm học tại Đại học South Illinois và là một cựu tù nhân, cho biết các vụ xả súng hàng loạt ở quê hương của ông một phần bị hạn chế bởi hiyâ, một từ trong tiếng Tagalog có nghĩa là xấu hổ.

Narag nói rằng mối quan hệ chặt chẽ trong gia đình ở Philippines sẽ khiến họ dễ xác định các cá nhân có vấn đề trước khi trở thành kẻ xả súng hàng loạt.

Tác giả: MINH KHÔI

Nguồn tin: Báo Tuổi Trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP