Mong mỏi kiếm tiền đưa con đi khám
35 tuổi, chị Lò Thị Tọn có vẻ bề ngoài già hơn so với tuổi thật của mình. Nhưng, với người phụ nữ ấy, những khó khăn về kinh tế không thấm gì so với nỗi khổ tinh thần khi nghe những lời bàn tán của thiên hạ dành cho 2 con gái mình.
Gương mặt buồn rười rượi, chị kể về hoàn cảnh của gia đình với những đoạn lạc giọng khi nói về các con. Năm 2009, chị Tọn sinh hạ con gái Tòng Thị Rêu. Không ai có thể ngờ rằng, bé Rêu chào đời mang 2 bộ phận sinh dục nam và nữ.
Thương con, thương bản thân mình, vợ chồng chị vẫn động viên nhau chăm con. Họ hy vọng, tương lai không xa sẽ kiếm đủ tiền để đưa con gái đi khám để bé có một cuộc sống bình thường. Nói là vậy, nhưng nhiều khi vợ chồng chị không thể tránh khỏi cảm giác đau buồn khi nghe những lời bàn tán không hay của thiên hạ dành cho con gái.
Nhiều khi vợ chồng chị Tọn không thể tránh khỏi cảm giác đau buồn khi nghe những lời bàn tán không hay của thiên hạ dành cho 2 con gái mình. Ảnh: Lê Phương |
Nỗi buồn về cơ thể con gái có điểm khác biệt ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lí của vợ chồng chị. Nỗi lo về những đứa con tiếp theo sẽ giống con gái xuất hiện trong suy nghĩ của cả hai. Điều lo lắng đó đã xảy ra, bé Tòng Thị Linh cũng có 2 bộ phận sinh dục giống chị gái mình.
Mặc dù sinh ra có dị thường về bộ phận sinh dục, nhưng cả 2 con gái của chị Tọn đều phát triển bình thường. Cả hai đều rất ngoan và yêu thương nhau. Được biết, cả 2 bé khi vệ sinh đều đi theo đường âm đạo của phụ nữ.
Mong muốn con được phẫu thuật
Nhỏ tuổi, các bé cũng chưa nhận thức rõ sự khác biệt của mình. Nhưng mọi chuyện bắt đầu từ khi các cháu đến tuổi cắp sách tới trường. Chị Tọn cũng cho biết thêm, bộ phận kia (bộ phận sinh dục nam) nó phát triển rất nhanh, đặc biệt là đứa con gái lớn.
“Khi đến trường, đi vệ sinh con tôi dù mang thân hình là gái nhưng lại có cả bộ phận sinh dục nam nên nhiều nhiều vấn đề phức tạp xảy ra. Các thầy cô giáo ở trường cũng rất tâm lí, sợ hai cháu ngại ngùng không đến trường, các thầy cô giáo phải nhắc nhở các bạn cùng lớp, cùng trường không được nói gì về chuyện “tế nhị” của con tôi. Vì thế, các con tôi mới tiếp tục đến trường”, chị Tọn cho hay.
Kinh tế vợ chồn chị Tọn thuộc diện khó khăn, hàng ngày bố của 2 bé đi theo những người trong làng làm phụ xây, còn mẹ ở nhà trông và chăm sóc các con. Gia đình khó khăn phải lần ăn từng bữa, vì thế ngay cả việc dành dụm khoảng 1 triệu đồng để đi lại xuống Hà Nội cũng là điều xa vời, chưa nói đến chuyện chi phí khám và phẫu thuật.
“Vợ chồng tôi chỉ mong con gái được đi khám và tiến hành phẫu thuật để có cuộc sống bình thường như con người ta thôi. Tương lai xa còn tính đến chuyện lập gia đình nữa. Nghĩ thì là vậy, nhưng vợ chồng chả có tiền để đưa 2 bé đi khám. Xuống Hà Nội lại lạ nước lạ cái, chúng tôi thì va chạm xã hội ít nên không biết tính sao nữa”, chị Tọn nghẹn ngào.
|
Bà Đèo Thị Thương – Chủ tịch Hội phụ nữ xã Bình Lư cho biết, hiện trong tất cả các giấy tờ các cháu đều ghi là giới tính nữ. Tuy nhiên,do các cháu đang bắt đầu bước vào độ tuổi thay đổi tâm, sinh lý nên việc có cả 2 bộ phận sinh dục trên cơ thể sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt và cuộc sống của các cháu.
“Qua nắm bắt trực tiếp, ngoài việc có bộ phận sinh dục nam thì bộ phận sinh dục nữ của các cháu cũng dị dạng, chứ không phát triển bình thường như những trẻ khác. Chúng tôi hy vọng các cháu sớm được can thiệp để có cuộc sống và phát triển như những trẻ khác”, bà Thương nói.
Qua tiếp xúc trực tiếp, bà Thương cho biết hiện tại cháu bộ phận sinh dục nam TòngThị Rêu đang bắt đầu phát triển nhanh, lông mu bắt đầu mọc, còn em gái của Rêu cũng bắt đầu có biểu hiện của tuổi dậy thì, nên hay ngượng ngùng khi có người lạ đến hỏi về những khiếm khuyết cơ thể.
Bố mẹ các bé rất muốn đưa các cháu đi khám, sau đó có thể phẫu thuật để cho các con được sống với giới tính thật nhưng do gia đình quá khó khăn, chi phí di chuyển cũng không có nên đành phải chấp nhận để cho con như vậy.
Mọi sự giúp đỡ bé Tòng Thị Rêu và Tòng Thị Linh xin gửi về
1. Chị Lò Thị Tọn (bản Nà Hum, xã Bình Lư, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu)
Tác giả: Ngọc Thi
Nguồn tin: Báo Gia đình & Xã hội