Chiều tối 15/10, trên con đường đê xuyên qua thôn Lương Phúc (xã Việt Long, Sóc Sơn, Hà Nội), dòng người mặc áo đen lặng lẽ theo sau bốn chiếc xe tang chở thi thể các cháu bé từ 5 đến 13 tuổi ra đồng. Trước đó vài giờ, họ cũng tiễn đưa một bé trai khác của làng, tất cả đều ra đi vì đuối nước.
Thôn Lương Phúc với hơn 100 hộ dân sinh sống được bao bọc bởi con sông Cà Lồ. Dù nằm ven sông và có nhiều ao hồ nhưng làng “chưa bao giờ có nhiều người chết đuối như vậy”.
Năm đứa trẻ trong một dòng họ
Sáng 15/10, hai anh em ruột Nguyễn Trung Thực (11 tuổi) và Nguyễn Thiện Nhân (5 tuổi) cùng người cậu ruột Nguyễn Văn Sứng (13 tuổi) và hai người anh họ là Nguyễn Văn Thêm (9 tuổi), Nguyễn Minh Hợp (13 tuổi) rủ nhau ra sông Cà Lồ câu cá. Sông khá sâu nhưng nước chảy không siết, người dân quanh làng vẫn thường kéo nhau ra đây tắm.
Khu vực năm em nhỏ bị đuối nước. Ảnh: Mạnh Hùng. |
Bình thường các gia đình cấm trẻ con ra gần sông nô đùa. Song mấy ngày nay nước dâng cao nên năm em nhỏ rủ nhau ra câu cá. Thực và Nhân rời nhà lúc 10h sáng, hai tiếng sau thì bố các em thấy hàng xóm túa ra kêu cứu trẻ bị đuối nước.
Trưa đó, anh Nguyễn Văn Tích (người trong thôn) đang đi dọc sông để thả lưới thì bất ngờ thấy chiếc cần câu nổi gần bờ, cùng một đôi dép trẻ con. Nghĩ đứa trẻ nào bỏ quên, anh tiến lại gần nhấc chiếc cần câu lên. “Nhấc phát đầu tôi tưởng là cần mắc vào đâu đó vì thấy hơi nặng. Lấy đà nhấc lần hai thì tá hỏa phát hiện xác cháu Thêm nổi lên”, anh Tích nhớ lại.
Rất hoảng sợ, song anh Tích vẫn cố bế bé trai vào bờ hô hấp. Khi phát hiện em Thêm đã chết anh liền chạy vào làng hô hoán mọi người ra trợ giúp.
Cùng lúc này, nhiều người trong thôn chết lặng khi không thấy con mình. Đàn ông trong làng nhảy xuống chỗ chiếc cần câu nổi lên để mò tìm thì phát hiện thêm thi thể em Thực, Nhân cùng một chiếc xe đạp. Cách đó vài mét, lần lượt xác em Sứng và Hợp cũng được tìm thấy.
Nhà chức trách huyện Sóc Sơn nhận định các em đều chết do đuối nước nên đã bàn giao ngay cho gia đình lo hậu sự.
Ước mơ dang dở
Nhà đã lên đèn nhưng nghĩa trang thôn Lương Phúc vẫn chật kín người đến chia buồn. Mộ các em nằm sát nhau, chất đầy vòng hoa trắng. Cả năm em đều trong cùng một dòng họ, nhà cách nhau vài trăm mét và chơi thân từ bé.
Ông Nguyễn Văn Hồi (63 tuổi) cho biết Nguyễn Văn Sứng là cháu ruột của ông, là cậu con trai duy nhất trong gia đình có bảy người con. Bố mẹ đã phải “cố gắng nhiều khi sinh Sứng ở tuổi 40”. Sáu chị gái của em đều đã lấy chồng và ra ở riêng nên cu cậu cũng phần nào được nuông chiều.
“Ấy vậy nhưng Sứng rất ngoan và học giỏi. Cháu là học sinh ưu tú trong lớp chọn của trường THCS Vĩnh Long. Lúc nào cháu cũng hứa sẽ học tốt để sau này giúp bố mẹ đỡ khổ”, ông Hồi nói.
Cách đó vài trăm mét, trong căn nhà nhỏ ven đê, anh Nguyễn Văn Tuân (35 tuổi) ngồi sụp bên di ảnh hai con, khóc nghẹn trước sự mất mát quá lớn. Không chịu nổi cú sốc, vợ anh ngất liên tục, nằm bẹp trên giường.
Hai anh em Thực và Nhân rất được mọi người yêu quý. Ảnh: Phạm Dự. |
Anh Tuân kể lại, sáng nay được nghỉ học nên hai đứa thu dọn nhà cửa rồi đi chơi quanh làng. Đến 10h, chúng còn cười đùa vui vẻ nói “trưa con sẽ về nấu cơm cho bố mẹ ăn”. Ai ngờ đó lại là lần cuối cùng anh được nhìn thấy nụ cười của các con.
Cưới nhau hơn 10 năm, anh chị sinh được hai cậu con trai kháu khỉnh. Mới lớp 7 nhưng Thực đã tự đạp xe đi học, nấu cơm và chăm em được vài năm nay. “Thực rất người lớn và thương bố mẹ. Rất ít khi vợ chồng tôi phải nặng lời với cả hai đứa”, anh Tuân nói.
Thực với vóc dáng to khỏe có ước mơ làm công an, còn với tài hội họa, Nhân muốn trở thành một họa sĩ tài ba. Nhưng tiếc rằng ước mơ đã dang dở. Căn nhà hai tầng có bốn người sinh sống nay chỉ còn hai...
Tác giả: Phạm Dự
Nguồn tin: Báo VnExpress