Giáo dục

Ước mơ của chàng tân sinh viên khiến người mẹ đẩy xe rác rơi nước mắt

Từ sáng sớm đến tối, chị Phượng đi gom rác tại các gia đình với số tiền công khoảng 2 triệu đồng. Thấy mẹ vất vả, con trai chị mơ ước được đi học để sau này có công ăn việc làm, đỡ đần mẹ. Tuy nhiên không phải ước mơ nào cũng sẽ thành hiện thực một cách dễ dàng

Mẹ con người đẩy xe rác

Chiếc xe rác được đẩy vào con hẻm cụt ở phường Tân Định (quận 1, TP.HCM). Người đẩy là một thanh niên còn rất trẻ, đi bên cạnh là một người phụ nữ nhỏ bé, áo quần lam lũ.

Hai người tiếp tục đẩy xe đi gom rác. Đến trước một căn nhà sang trọng, cậu thanh niên mở bao rác trước cổng. Bên trong ngoài rác còn có nhiều vật dụng phế thải. Nhanh chóng những thứ như nhựa, sắt thép, giấy bìa... được người phụ nữ gom vào một bao lớn móc trên xe.

Chị vui mừng bởi những thứ phế thải ấy bấy lâu nay là nguồn sống, giúp gia đình chị qua được những lúc khó khăn...

Thiện bên chiếc máy tính

Cứ thế hết con hẻm này đến con đường khác, cậu thanh niên vẫn vui vẻ đẩy xe và làm những việc nặng, người phụ nữ bên cạnh làm những việc giản đơn hơn. Họ là hai mẹ con và người thanh niên sắp trở thành sinh viên đại học ...

Đó là mẹ con chị Nguyễn Thị Thanh Phượng (40 tuổi), quê gốc ở Huế. Chị vào làm công nhân thu gom rác ở TP.HCM từ hàng chục năm nay. Trước đó chị là thợ may, lấy chồng là bộ đội vừa xuất ngũ.

Nhà chồng làm công nhân vệ sinh ở Công ty dịch vụ công ích quận 1, TP.HCM nên sau khi kết hôn, cả hai vợ chồng cùng sống hẳn với nghề thu gom rác.

Hằng ngày, từ sáng sớm đến tối, chị đi lấy rác tại các gia đình cư ngụ trên các tuyến đường chị phụ trách. Mỗi gia đình trả cho chị tiền công 20.000 đồng/tháng. Công việc rất nặng nhọc và chị phải thường xuyên tiếp xúc với rác bẩn.

Giấy khen đạt giải 3 toàn thành phố giải toán trên máy tính Casio của Thiện

Chồng chị là công nhân được bố trí theo phụ xe rác. Công việc của anh cũng không nhàn hạ, thậm chí còn đi sớm về khuya.

Không giàu sang, không địa vị nhưng họ sống với nhau rất hạnh phúc. Hai đứa con trai của họ lần lượt chào đời và đều được anh chị nuôi dạy rất chu đáo. Các cháu lớn lên học giỏi và rất ngoan.

Hàng ngày, anh chị vui đầu vào công việc giao toàn bộ việc bếp núc, giặt giũ cho các con. Sau buổi chiều về, họ rất hài lòng khi nhìn căn nhà nhỏ gọn gàng, ngăn nắp và sạch sẽ .

Mẹ và con trên hành trình đi gom rác

Đứa con trai đầu của chị, cháu Huỳnh Phước Thiện, vừa thi tốt nghiệp THPT. Trong thời gian nghỉ, hằng ngày Thiện đi theo giúp mẹ đẩy xe, thu gom rác như một công nhân thực thụ. Thiện dành hết những việc nặng nhọc thay mẹ nhờ vậy chị Phượng cũng vơi bớt phần nào nhọc nhằn.

Học phí cao quá, làm sao theo cho nổi ?

"Anh em cháu lớn lên bằng những giọt mồ hôi của cha mẹ. Cháu biết ơn cha mẹ nên trong lúc rảnh rỗi, cháu đi làm cùng để mẹ xong việc, sớm về bên các con", Thiện trải lòng với chúng tôi.

Thiện nói tiếp: "Có người hỏi cháu có mặc cảm không khi làm công việc hốt rác. Cháu thẳng thắn trả lời, cháu không mặc cảm mà còn hãnh diện vì đã giúp được mẹ. Cũng có thể từ đây, cháu được học những bài học rất thực tế mà không có trong sách vở".

Thiện luôn giành việc nặng để vơi bớt nhọc nhằn cho mẹ

Thiện là học sinh giỏi toán. Năm 2014, Thiện học lớp 9 đã đạt giải 3 toàn thành phố môn toán trên máy tính Casio. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, môn toán của Thiện đạt 9,2 điểm. Niềm mơ ước của cậu bé này là được theo học kỹ thuật phần mềm.

Thiện kể lại: "Cháu rất thích môn này nên đã mạnh dạn đăng ký xét tuyển vào Đại học Văn Lang. Cháu cũng vừa được nhà trường chấp nhận qua nhắn tin qua điện thoại.

Cháu mừng lắm nhưng cũng không thể không lo lắng khi biết học phí của ngành này lên đến 36 triệu/năm. Đây là một số tiền rất lớn, vượt ngoài khả năng của ba mẹ cháu".

Nói đến đây, Thiện nhìn mẹ. Chị Phượng cúi đầu, đôi mắt đỏ hoe. Chị nói: "Chúng tôi cũng muốn cho con đi học lắm nhưng biết lấy đâu ra tiền bây giờ? Mỗi ngày tôi đổ rác cho hơn 100 gia đình, đến cuối tháng tiền thù lao chỉ khoảng hơn 2 triệu đồng.

Chồng tôi làm công nhân vệ sinh, lương tháng được 7 triệu. Số tiền này ở đất Sài Gòn này cũng chỉ đủ rau dưa cho 4 miệng ăn. Nhưng dù thế nào cũng phải cho cháu học để có tương lai sáng lạn hơn... ".

Có lẽ chị nói vậy chỉ để con bình tâm hơn bởi chính chị cũng chưa biết làm cách nào để có tiền cho con đi học. Nghỉ học lúc này, con chị chỉ còn một cách là tiếp tục vào làm việc ở ngành vệ sinh.

Khi chúng tôi ra về, Thiện tâm sự thêm: "Cháu muốn học xong ra trường có việc làm ổn định. Cháu sẽ không để cho ba mẹ tiếp tục lăn lộn với rác nữa".

Tác giả: Trần Chánh Nghĩa

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP