Như đã thông tin, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, VKSND Tối cao và TAND Tối cao vừa xây dựng Dự thảo Thông tư liên tịch quy định chi tiết trình tự, thủ tục, mức tiền đặt, việc tạm giữ, hoàn trả, tịch thu, nộp ngân sách nhà nước số tiền đã đặt để đảm bảo theo quy định tại Điều 122 BLTTHS 2015.
Với tội phạm ít nghiêm trọng, số tiền phải đặt là 30 triệu đồng; tội phạm nghiêm trọng là 100 triệu đồng; tội phạm rất nghiêm trọng mức đặt là 200 triệu đồng. Mức tiền này có thể giảm nếu bị can, bị cáo là thương binh, bệnh binh, được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động, Nhà giáo nhân dân, Thầy thuốc nhân dân, người dưới 18 tuổi, tâm thần, người đủ 70 tuổi trở lên, phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi...
Dự thảo cũng quy định một số tội không được đặt tiền để bảo lĩnh tại ngoại |
Dự thảo thông tư cũng đưa ra nhiều điều kiện để được đặt tiền bảo lĩnh. Nếu thực hiện không đúng cam đoan thì sẽ bị tạm giam, số tiền đã đặt sẽ bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước. Nếu chấp hành đầy đủ các nghĩa vụ đã cam đoan thì VKS, Tòa án có trách nhiệm trả lại cho họ số tiền đã đặt…
Phù hợp, tiến bộ
“Đặt cọc bằng tiền để bảo lĩnh tại ngoại là chế định văn minh phù hợp với xu hướng quốc tế, đặc biệt một số vụ án ít nghiêm trọng, nghiêm trọng trong quá trình điều tra, truy tố. Nó khắc phục được tiêu cực trong việc cho tại ngoại cảm tính, giảm án oan, sai,”, luật sư (LS) Nguyễn Văn Quynh (đoàn LS TP Hà Nội), nói.
Theo LS Quynh, trước đây trong TTDS đã khắc phục được việc lạm dụng đối với các biện pháp ngăn chặn tràn lan bằng việc phải đặt một khoản tiền tương ứng khi yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Nay trong TTHS cũng cần phải quy định biện pháp bảo lĩnh tại ngoại bằng tiền.
Trong khi điểm b, khoản 1, Điều 88 BLTTHS về biện pháp tạm giam quy định khá cảm tính dễ bị lạm dụng. Theo đó có thể bắt tạm giam khi bị can, bị cáo phạm tội nghiêm trọng, phạm tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên hai năm và có căn cứ cho rằng người đó có thể trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội.
Thực tế nhiều vụ bị can phạm tội đánh bạc, cố ý gây thương tích, vi phạm quy định về điều khiển giao thông, thuế, thường bị lạm dụng bắt giam. Nói cách khác ranh giới giữa tạm giam và tại ngoại khá mong manh, có khi hai trường hợp giống nhau nhưng người thì được ở ngoài, người thì bị giam.
Chẳng hạn một chủ doanh nghiệp bị bắt tạm giam để điều tra về tội ít nghiêm trọng như vi phạm giao thông, thì nguy cơ danh nghiệp đó bị phá sản là rất lớn. Hậu quả là nó ảnh hưởng đến người lao động, đó là chưa kể quá trình điều tra, truy tố kéo dài thì việc bắt giam sẽ có những hệ luỵ vô cùng nguy hiểm…
LS Bùi Quốc Tuấn (đoàn LS TP.HCM) cũng ủy hộ chế định này cho rằng đây là một bước tiến mới. Điều 122 BLTTHS 2015 đã cho phép tiền để bảo đảm là biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam. Căn cứ tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, nhân thân và tình trạng tài sản của bị can, bị cáo mà CQĐT, VKS, Tòa án có thể quyết định cho họ hoặc người thân thích của họ đặt tiền để bảo lĩnh tại ngoại.
Chú ý giai đoạn áp dụng
ThS Nguyễn Đình Thắm (nguyên giảng viên khoa Tội phạm học và điều tra tội phạm, Phân hiệu Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP.HCM) nói: “Tôi đồng ý với chế định đặt cọc tiền để được tại ngoại như trong dự thảo thông tư. Nhưng phải chú ý giai đoạn áp dụng cho phụ hợp, tránh lợi bất cập hại”.
Theo ông Thắm việc tại ngoại phải không ảnh hưởng đến quá trình điều tra tránh việc thông cung làm sai lệch hồ sơ vụ án. Do đó nên quy định theo hướng với một số vụ án có tình tiết phức tạp thì phải kết thúc điều tra mới cho đặt tiền tại ngoại để tránh gây khó khăn cho điều tra. Với những vụ án nhiều bị can, bị cáo cũng cần chú ý không nên cho tại ngoài cùng một lúc nhiều người để tránh việc thông cùng, phản cung đồng loạt. Ngoài ra cần quy định nhiều biện pháp cụ thể hơn chế định này để tránh việc áp dụng cảm tính và phụ thuộc vào thẩm quyền của người tiến hành tố tụng.
Người thân thích của bị can, bị cáo cũng được nộp tiền bảo lĩnh |
Theo LS Tuấn dự thảo thông tư đã chặt chẽ khi quy định một số tội không án dụng biện pháp này. Ví dụ Chương XIII các tội xâm phạm an ninh quốc gia, Chương XX các tội phạm về ma túy… thì không cho thực hiện nộp tiền bảo lĩnh là phù hợp.
Trước đây cũng có Thông tư liên tịch số 17/2013 (hướng dẫn về việc đặt tiền để bảo đảm theo quy định tại Điều 93 của BLTTHS 2003). Dự thảo thông tư này có bổ sung thêm đối tượng được đặt tiền ngoài bị can, bị cáo là người thân thích của họ. Thực tế bị can, bị cáo gặp nhiều khó khăn để có thể thực hiện chế định này. Việc bổ sung trên phù hợp với thực tế pháp lý, tạo điều kiện cho bị can, bị cáo được bảo đảm các quyền lợi chính đáng của mình.
|
Tác giả: Thanh Tùng
Nguồn tin: Báo Pháp luật TP HCM